“Ông trùm” địa ốc Trịnh Văn Quyết và “canh bạc” lớn mang tên Bamboo Airways

(Baohatinh.vn) - Ông Trịnh Văn Quyết - người đứng đầu một trong những “đế chế” bất động sản lớn nhất tại Việt Nam - đang đặt cược hàng tỷ USD vào một hãng bay mới gia nhập vào thị trường vận chuyển hàng không sôi động của Đông Nam Á.

“Ông trùm” địa ốc Trịnh Văn Quyết và “canh bạc” lớn mang tên Bamboo Airways

Chủ tịch Tập đoàn FLC đặt cược lớn vào Bamboo Airways. (Ảnh: AFP)

“Ông trùm” địa ốc 43 tuổi một thời từng nỗ lực thoát khỏi cuộc sống khó khăn ở miền quê nghèo tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời trẻ, ông Quyết từng mơ trở thành một công chức nhà nước, có việc làm ổn định.

Công việc đầu tiên của ông Quyết là phụ việc tại cửa hàng của mẹ năm 14 tuổi. 17 tuổi, người thanh niên trải nghiệm chuyến bay đầu tiên của cuộc đời trong hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội, mang theo đồ điện tử, máy nghe nhạc CD để bán tại một thời điểm khi Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu cải cách thị trường.

Giờ đây, ông là Chủ tịch Tập đoàn FLC - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, khai thác, chế biến khoáng sản và đào tạo nghề tại Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Pháp AFP tại phòng làm việc của mình tại Hà Nội, ông Quyết chia sẻ đã đánh đổi những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi và yêu đương để có được như ngày hôm nay.

Lớn lên trong bóng mát của những lũy tre, thứ hoài niệm ấu thơ đã truyền cảm hứng cho cái tên Bamboo Airways - hãng hàng không Tre Việt.

Bamboo Airways do Tập đoàn FLC bỏ vốn đầu tư dự kiến cất cánh chuyến đầu tiên vào tháng 10 trên đường bay Hà Nội - Quy Nhơn, dù vẫn chưa có giấy phép bay.

“Chúng tôi sẽ là (một hãng bay-PV) rất lớn ngay khi vừa ra mắt và sẽ có lãi ngay khi bắt đầu bay”, ông Quyết khẳng định.

Chiến lược tổng thể của ông chủ FLC là thu hút nhiều hành khách đến các điểm nghỉ dưỡng “chưa được khám phá” - những nơi FLC đặt các resort cung cấp dịch vụ chất lượng cao với mức giá phải chăng.

Tuy nhiên mọi thứ sẽ không hề dễ dàng

Bamboo Airways sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các hãng hàng không nội địa lớn như Vietjet và Vietnam Airlines bên cạnh các hãng bay nước ngoài như AirAsia và Thai Airways.

Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu Việt Nam kéo theo nhu cầu du lịch tăng cao, thị trường hàng không trong nước nhờ vậy cũng tăng trưởng vượt trội trong những năm gần đây.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, năm 2017, thị trường hành khách hàng không Việt Nam đạt 62 triệu khách, tăng mạnh từ 25 triệu khách của năm 2012. Tuy nhiên, tăng trưởng nóng của thị trường hàng không đang có dấu hiệu chậm lại.

“Thật không thực tế khi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục giữ được mức cao như trong hai năm qua”, Brendan Sobie - nhà phân tích tại hãng tư vấn hàng không CAPA trả lời phỏng vấn AFP cho biết.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways có khả năng sẽ gặp khó tại hai sân bay đông đúc nhất Việt Nam là sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Hiện, ngoài việc thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải, cơ sở hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất ở TP Hồ Chí Minh đã xuống cấp, cần phải cải tạo, sửa chữa.

Tuy nhiên ông Quyết tỏ ra không hề nản chí. Tập đoàn FLC và Bamboo Airways từ tháng 3 đến nay đã liên tiếp ký hai thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay A321NEO từ Airbus và 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliner từ Boeing, bên cạnh việc thuê máy bay. Tổng giá trị hai hợp đồng lên đến 8,6 tỷ USD.

30% số tiền mua máy bay do FLC chi trả, phần còn lại đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây được đánh giá là một khoản đầu tư trả trước khổng lồ cho một hãng hàng không khởi nghiệp.

Mặc dù vẫn chưa được cấp giấy phép bay, FLC dự tính khai trương chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways vào tháng 10, và sau đó đi vào khai thác 37 đường bay nội địa. Năm 2019, Bamboo Airways dự kiến sẽ mở rộng khai thác các đường bay quốc tế đến các nước châu Á và Bắc Mỹ.

Bamboo Airways được định vị là hãng hàng không “hybrid” lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, nhằm hướng tới một dịch vụ đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách.

Tại Việt Nam, hãng tập trung vào các đường bay kết nối điểm du lịch như Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha Trang, Hải Phòng - Quy Nhơn... bên cạnh cung cấp những chương trình khuyến mãi tại các khu nghỉ dưỡng của FLC.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng mô hình này đã lỗi thời.

“Tích hợp du lịch và hàng không đặt ra một vài hồi chuông báo động, đôi khi nhu cầu là có, đôi khi không”, Richard Aboulafia - Phó giám đốc hãng tư vấn hàng không - Teal Group nói với AFP.

Tuy nhiên, đối với ông Trịnh Văn Quyết, đây không phải lần đầu vị Chủ tịch Tập đoàn FLC phải trải qua những “canh bạc cuộc đời”, và trong những lần đó, ông không luôn là người thua cuộc.

Liệu “bàn tay Midas” (tên một vị vua sờ tay đâu cũng thành vàng) của ông Quyết có phát huy tác dụng trong ngành hàng không khốc liệt hay không? Điều này sẽ luôn nhận được nhiều quan tâm.

Cần phải nói thêm là trên thế giới, không thiếu những nhà tài phiệt đã phải nhận thất bại trong ngành hàng không. Vijay Mallya - chủ tịch hãng bia Kingfisher gặp không ít khốn đốn sau khi hãng bay Kingfisher Airlines sụp đổ năm 2012.

“Nói chung, đây không phải là một ngành công nghiệp dễ kiếm tiền. Nó rất mạo hiểm, tốn nhiều vốn và cơ hội thành công tương đối thấp”, nhà phân tích Sobie nói thêm.

(Theo AFP)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast