Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Vietjet. (Ảnh: Bloomberg)
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý II của Vietjet tăng so với cùng kỳ năm ngoái lên 950 tỷ đồng (tương đương 41 triệu USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo – nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Vietjet nói với Bloomberg. Doanh thu của hãng cũng tăng 52%, lên 8.600 tỷ đồng, nhờ khoản thu từ bán đồ ăn trên máy bay và mua bảo hiểm bay đạt kỷ lục.
Vietjet đang sở hữu đội bay với 60 chiếc Airbus thân hẹp. Hãng này cũng đã đặt hàng thêm tổng cộng 370 phi cơ thân hẹp khác từ cả Boeing và Airbus. Riêng tháng trước, tại triển lãm hàng không thế giới Farnborough Airshow 2018 được tổ chức tại Anh, VietJet và tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng mua 100 máy bay thân hẹp B737 MAX trị giá 12,7 tỷ USD (khoảng hơn 293.000 tỷ đồng).
Vietjet dự định tận dụng nhiều nguồn tài chính để chi trả cho hoạt động mua máy bay, như việc bán và cho thuê lại máy bay, phát hành trái phiếu quốc tế và vay ngân hàng. Hãng cũng có kế hoạch bán 13 máy bay dự định được giao nửa cuối năm nay và 12 chiếc khác năm tới cho các công ty cho thuê quốc tế.
Cổ phiếu VJC của Vietjet đã tăng khoảng 15% kể từ đầu năm 2018, bất chấp chỉ số VN-Index giảm khoảng 4,4% trong năm nay.
Trong khu vực, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ như Lion Air (Indonesia) và AirAsia (Malaysia) – đây đều là hai hãng hàng không sở hữu nhiều máy bay thân hẹp.
Vietjet sẽ tập trung mở rộng các chuyến bay quốc tế không quá 6 giờ. Bà Thảo cho biết, hãng sẽ sử dụng máy bay A321neo cho các chuyến bay dự kiến tới Australia quý IV năm tới. Số hành khách của hãng đã tăng 28% lên 5,8 triệu người quý II năm 2018. Hai phần ba số đó là từ các chuyến bay quốc tế.
“Thị trường nội địa đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Chiến lược của chúng tôi là mở rộng các chuyến bay quốc tế và tăng doanh thu ngoài bán vé như đồ ăn, hành lý hay bảo hiểm”, bà Thảo nói.
Nhà phân tích Brendan Sobie tại CAPA Centre for Aviation cho biết tốc độ tăng số chỗ ngồi trên chuyến nội địa tại Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn một chữ số năm ngoái, sau 4 năm duy trì trên 20%. Ngược lại, con số này với chuyến quốc tế lại tăng tốc, đạt khoảng 20% một năm trong 3 năm qua.
Cả Vietjet và đối thủ chính - Vietnam Airlines đều đang chuyển hướng sang thị trường nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng. Hãng hàng không Bamboo Airways của tập đoàn FLC đang chờ được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Hãng bay này dự kiến cất cánh vào tháng 10 tới.