Dòng họ Trần Danh ở đất Ngọc Điền

(Baohatinh.vn) - Tìm trang sử xưa thì vùng đất Ngọc Điền gắn với châu Thạch Hà (Hà Tĩnh) kể cũng ngót ngàn năm tuổi. Từ buổi khai thiên lập địa, mở mang cõi bờ về Phương Nam từ thời Lê Đại Hành thì miền đất đó nổi giữa dòng sông đã có sự hiện diện của cư dân đất Việt

Dòng họ Trần Danh ở đất Ngọc Điền

Mạch đất uốn vòng theo dòng sông thành đơn vị hành chính với tên Ngọc Điền, nay là thị trấn Thạch Hà.

Con người ký thác hành vi của mình vào đất đai mà nên sự sống. Ví như thảo mộc bám vào mạch đất mà sinh tồn. Tìm trang sử xưa thì vùng đất Ngọc Điền gắn với châu Thạch Hà kể cũng ngót ngàn năm tuổi. Từ buổi khai thiên lập địa, mở mang cõi bờ về Phương Nam từ thời Lê Đại Hành thì miền đất đó nổi giữa dòng sông đã có sự hiện diện của cư dân đất Việt.

Năm 979, vua Đại Hành cử tướng quốc Ngô Tử An đắp đường Thiên Lý từ châu Thạch Hà đến núi Hoành Sơn. Mạch đất uốn vòng theo dòng sông thành đơn vị hành chính với tên Ngọc Điền (nay là thị trấn Thạch Hà) mà dòng họ Trần Danh nổi lên như một cự tộc bởi sự lưu truyền ánh sáng, sự phát triển mạnh mẽ của dòng chảy huyết thống với những đóng góp lớn lao qua mỗi thời đại.

Sông Cày một dải trong xanh

In gương thủy tú mà thành đất quê.

Phải chăng, Ngọc Điền là nơi hòa hợp thủy thổ mưu sinh để con người khai ấp lập làng mà nên cơ đồ như hôm nay. Trong trầm tích của mảnh đất này có mồ hôi, công sức của bao lớp tiền nhân khó nhọc dựng nên.

Trong tờ tấu về phong thổ ký huyện Thạch Hà của Tri phủ Đậu Xuân Phong nói rõ về duyên cách của đất Ngọc Điền Ngọc Lũy cùng những danh nhân nơi này. Trong đó có tên tuổi nhân vật họ Trần Danh. Cứ theo phả tộc và chứng cứ lịch sử mà suy thì dòng họ Trần Danh kể từ bậc Thủy tổ Trần Sảnh với hiển đạt cao khoa vào đời Hồng Đức Lê Thánh Tông 1478 đến nay chừng trên 600 năm. Dòng đời theo dòng thời gian lớp lớp tài bồi. Khi hưng khi phế theo lẽ thường mà mạch sống, đường phát triển của họ tộc vẫn không ngừng tuôn chảy.

Dòng họ Trần Danh ở đất Ngọc Điền

Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên, Thạch Hải, Thạch Hà. (Ảnh tư liệu)

Ngôi từ đường khang trang trên đất quê hôm nay là cánh neo, là bến đỗ cuộc đời để người họ Trần Danh lớp lớp ngưỡng mộ công đức người xưa dày công dựng nghiệp. Huyết tộc như máu chảy về tim, bởi rằng, người ta có tổ có tông ví như cây kia có cội, như sông nọ có nguồn. Ngọn nguồn tổ tiên như ánh sáng truyền đời không bao giờ dứt. Tìm về tổ tông là tìm về cội nguồn ông cha khai sáng đời ta. Ở đó, trong nén hương thành kính, ta như thấy trong tâm hồn mình đang bắc nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại và bóng dáng người xưa là tấm gương để ta soi lại chính mình.

Dòng chảy trên đất quê ví như mạch máu lưu truyền trong cơ thể. Đời đời, trải mấy trăm năm, đất Ngọc Điền vẫn rạng danh Trần tộc bởi đức cần cù, nhẫn nại, tính hiếu học luyện rèn để vươn lên chứng tỏ mình.

Từ việc Thủy tổ Trần Sảnh ghi danh nơi bảng vàng bia đá là Đệ tam Tiến sỹ đời Hồng Đức Lê Thánh Tông 1478. Họ Trần Danh vinh dự là thế hệ tiên phong trên đất Hà Tĩnh sánh cùng nhân tài Đại Việt vào thời kỳ đỉnh cao của chính thể phong kiến. Âm thầm, nhẫn nại, 268 năm sau, nối gót tiền nhân, tên tuổi Trần Danh Tố lại được khắc lên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám với việc ông đỗ Hội nguyên Tiến sỹ vào đời Cảnh Hưng năm 1746.

Rõ ràng, từ đất Ngọc Điền, nhân sỹ họ Trần Danh luôn biết lấy chữ thánh hiền làm trọng. Âm thầm mài nghiên dũa bút. Suy ngẫm tứ thư ngũ kinh để đem văn tài mà chứng tỏ với đời. Một điều đáng trọng là cả Thủy tổ Trần Sảnh và hậu sinh Trần Danh Tố khi đã cao khoa hiển hoan, đỗ đạt vinh quy đều được đình thần trọng dụng làm đến chức ngự sử triều chính. Điều này chứng tỏ tấm lòng trung thành, tính cương trực, ngay thẳng để có những kế sách giúp nhà vua chấn hưng xã tắc.

Ngày nay, lần trang sử sách, tìm những bậc danh thần như Trần Sảnh, Trần Danh Tố ghi danh nơi đất đế đô Thăng Long dưới vầng sáng của Nho học mà nên danh nên sự ở đất Thạch Hà là không nhiều. Đó là sự hy hữu khi một dòng họ có hai người khắc tên nơi bảng vàng bia đá, trung tâm học vấn và khoa bảng của nước nhà buổi ấy. Đời nối đời, người họ Trần Danh luôn lấy đạo học làm căn bản, tính trung thực làm thước đo giá trị. Tứ thư ngũ kinh, chữ nghĩa nơi cửa Khổng sân Trình là tinh hoa của trí tuệ thời xưa. Ở đó chỉ có những người mẫn tiệp, bền ý chí mới thành công.

Coi trọng học vấn đã đành, nối đời nhân sỹ họ Trần ở đây lại luôn giữ tấm lòng trung. Đức trung hiếu tiết nghĩa trong mọi hoàn cảnh đã làm nên cốt cách đáng kính cho con người. Lịch sử còn sáng mãi câu truyền ngôn tuyệt mệnh của danh sỹ Trần Phương Bính, con trai Hội nguyên Trần Danh Tố. Vốn lấy tư tưởng “trung thần bất thu nhị quân” - người trung không thờ hai vua, ông đã dấy binh chống lại Tây Sơn, phò vua Lê. Mưu sự bất thành, Phương Bính gửi niềm tâm sự cùng trời đất khi lấy máu mình khắc lên vách đá chùa Thiên Tượng mà rằng:

Báo quốc vô trường sách

Tùy thân hữu đoản đao

Đài đầu đối Hồng Lĩnh

Cửu thập cửu phong cao

Nghĩa là: Giúp nước không kế giỏi

Phòng thân có đoản đao

Ngẩng đầu nhìn Hồng Lĩnh

Chín mươi chín ngọn cao.

Đến nỗi cả thiết chế triều Nguyễn cũng liệt ông vào bậc trung thần tiết liệt và sắc dụ thờ phụng muôn đời. Ngày nay, nơi mái Tây Hồng Lĩnh vẫn còn vách đá hùng vĩ, còn mây trắng ngang trời như nỗi niềm trung trinh của Phương Bính gửi cùng muôn thuở. Rõ ràng, chính sử của nước nhà lưu danh tên tuổi của những người kiệt xuất dòng họ Trần Danh. Chẳng phải là ánh sáng từ cha ông xưa sáng mãi với thời gian, đó sao?

Dòng họ Trần Danh ở đất Ngọc Điền

Những làng quê nông thôn mới Thạch Hà hôm nay

Nối dòng thời cuộc, con cháu dòng họ Trần Danh luôn phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông xưa trong mỗi bước hành trình của quê hương, đất nước. Trong kháng chiến vệ quốc, cháu con nối tiếp cha anh viết tiếp khúc quân hành lên báng súng, góp máu xương công sức cho đất nước thái hòa, giang sơn một dải. Trong buổi quốc thái dân an, người hôm nay lại tiếp nối nền học vấn gia phong để rèn đức luyện tài.

Dù ở nơi đâu, lĩnh vực nào, người ta đều giữ cốt cách trang nghiêm, nên điều thi lễ, lấy tài đức từ cội nguồn tổ tông mà vươn tới. Đó chính là động lực, là sức mạnh tiềm tàng của bề dày văn hóa để làm nên một dòng họ Trần Danh hôm nay vinh dự khi ngôi từ đường được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Sự đánh giá, công nhận của Đảng và Nhà nước chứng tỏ một dòng họ Trần Danh không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp xứng đáng cho quê hương, đất nước.

Dưới bóng ân trạch của tổ tiên, người ta tìm về nền xưa chốn cũ, nơi thiêng liêng bao đời vẫn vẹn nguyên giá trị mặc bao cơ trời dâu bể. Dòng máu ngàn xưa đang hội tụ với hôm nay để cháu con ngưỡng vọng tiền nhân, thắp một nén nhang như tiếp thêm sinh khí. Nghĩa họ mạc, tình quê hương cho muôn nẻo tìm về, âu đó cũng là đạo lý ở đời. Bởi, con người luôn có thủy có chung, lấy nền nhân điều nghĩa làm trọng.

Hôm nay, khi non sông đất nước thái hòa thịnh trị, quê hương Ngọc Điền Ngọc Lũy ngày càng đổi mới. Trên nền móng mà người xưa kiến tạo, hẳn ngôi từ đường đường bệ, trang trọng hơn dưới vầng nhật nguyệt.

Cây vững cội mới tươi cành xanh lá

Người rạng tổ tông mới thịnh vượng cuộc đời

Xưa và nay đang cùng chung dòng chảy để thế hệ hôm nay nối tiếp tiền nhân viết nên trang sử mới cho họ tộc trên đất Ngọc Điền.

Sông Cày vẫn thao thiết chảy như dòng đời muôn thuở. Ở đó vẫn bóng dáng ngôi từ đường soi bóng dòng trong. Trầm tích văn hóa và giá trị tinh thần âm thầm phát sáng. Mỗi người trong dòng họ Trần Danh và cả cộng đồng luôn thấy lấp lánh trong tâm hồn mình thứ ánh sáng kỳ diệu ấy.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast