“Bởi chúng mình thương...”

Sau giải phóng đất nước, ngày 26/3/1976, hàng vạn thanh niên Nghệ Tĩnh bấy giờ rầm rập bước chân đến vùng rừng hoang, núi thẳm xây dựng công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ. Công trình hoàn thành với sức chứa hơn 345 triệu m3 nước, không chỉ “tắm mát” bao mảnh đất cằn ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh mà còn tạo nên những giá trị văn hóa và là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn.

boi chung minh thuong

Hồ Kẻ Gỗ là công trình thể hiện quyết tâm, sức mạnh tổng lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Ảnh: Trần Hướng

Trong dịp về thăm và nói chuyện với người dân Hà Tĩnh vào năm 1957, Bác Hồ đã nhắc Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phải chăm lo công tác thủy lợi. Theo ông Đào Văn Tinh – nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Tĩnh, trong đoàn đi công tác tại Hà Tĩnh cùng Bác lần đó có Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Đăng Khoa. Sau lần ấy, cùng với việc chỉ đạo công tác thủy lợi ở Hà Tĩnh, ông Khoa đã thu thập toàn bộ tài liệu về Kẻ Gỗ tại Vinh, Hà Tĩnh và các bảo tàng lưu trữ ở Hà Nội.

Năm 1958, Viện Thiết kế thủy lợi chính thức đặt vấn đề nghiên cứu về việc này. Năm 1971, trong một lần đi Hà Nội làm việc với Trung ương về việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, ông Nguyễn Xuân Linh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc bấy giờ đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn, hai bên đã có văn bản thống nhất trình lên Ban Bí thư và Hội đồng Chính phủ về việc xây dựng hồ Kẻ Gỗ.

Chia sẻ câu chuyện về xây dựng hồ Kẻ Gỗ, ông Đào Văn Tinh cho rằng: “Tôi nghĩ, nếu không có những lời dặn dò của Bác trong lần về thăm Hà Tĩnh lần ấy thì năm 1976, chúng ta vẫn chưa thể khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ”. “Theo tài liệu của người Pháp để lại thì ban đầu, hồ Kẻ Gỗ chỉ thiết kế với sức chứa 85 triệu m3, dự kiến xây dựng trong 20 năm. Người Việt đã đưa ra phương án 10 năm. Tuy nhiên, Hội đồng Chính phủ rút lại chỉ còn 6 năm. Và điều ngoài sức tưởng tượng là người dân Nghệ Tĩnh đã hoàn thành công trình trong 3 năm với sức chứa của hồ lên tới 345 triệu m3 nước, gấp hơn 4 lần thiết kế ban đầu của Pháp” - ông Tinh nhấn mạnh.

Tháng 12/1978, công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ hoàn thành, là kết quả của sức mạnh lòng dân. Còn nhớ, trong một lần tâm sự với Báo Tuổi trẻ, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, người viết bài ca đi cùng năm tháng “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” đã trải lòng: “Tôi đã ở công trường suốt 1 tháng, được sống trong không khí “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Họ đi thành từng đoàn, từng tốp, cùng nhau làm việc, nói cười. Hầu hết nam nữ độ tuổi thanh niên tham gia xây dựng công trình này vừa trải qua thời học sinh hoặc vừa từ chiến trường trở về. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sức người được huy động tối đa cho một công trình xây dựng có ý nghĩa to lớn như thế”...

boi chung minh thuong

Nước về “tắm mát” đồng xanh. Ảnh: Sỹ Ngọ

Nước hồ Kẻ Gỗ theo hệ thống kênh mương về tưới tiêu cho hàng vạn ha ruộng đồng của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Nguồn lợi kinh tế mà hồ Kẻ Gỗ mang đến cho người dân vô cùng to lớn. Xưa đồng hạn hán, một màu cát trắng, nay quanh năm đủ nước để cấy trồng, muôn cây xanh tốt... Hồ còn góp phần quan trọng cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của một vùng rộng lớn, trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị, một điểm sinh thái lý thú.

Điểm tô trong lòng hồ là những hòn đảo nhỏ càng tạo nên nét hữu tình, nên thơ. Ngày trước, những hòn đảo này là những ngọn đồi có thể đi bộ từ bờ ra. Nhưng kể từ khi xả nước, hồ Kẻ Gỗ ngập tràn thành biển hồ thì những ngọn đồi này đã biến thành từng hòn đảo nhỏ xinh xắn. Một trong những hòn đảo ấy, có một công trình văn hóa tâm linh vừa mới được hoàn thành, đó là đền thờ Lê Duẩn. Công trình vừa mới hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhưng đã trở thành điểm nhấn “hút” khách tham quan, thưởng ngoạn.

Người dân sống xung quanh hồ Kẻ Gỗ vẫn thường kể cho nhau chuyện, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhiều lần về Hà Tĩnh để bàn bạc kế hoạch xây hồ. Sau khi hoàn thành, ông còn về trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát trên hồ, đó là vào năm 1979. Mấy chiếc thuyền máy rẽ sóng tháp tùng Tổng Bí thư đi một vòng quanh hồ, lúc về đến hòn đảo gần sát bờ thì trời đã trưa. Tổng Bí thư đề nghị được lên thăm đảo. Ông mắc chiếc võng bạt dã chiến của quân đội nằm nghỉ dưới bóng mát của những tán cây rì rào nắng xanh. Từ khi công trình đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn hoàn thành rồi có thêm cây cầu vào đảo, du khách đến tham quan nườm nượp.

Hồ Kẻ Gỗ, không chỉ là một công trình đại thủy nông mà đã trở thành khu du lịch sinh thái giàu tiềm năng với những trầm tích văn hóa ẩn chứa thông điệp sâu sắc về chân lý lấy dân làm mục tiêu và sức mạnh của lòng dân. Chính những giá trị này đã làm nên “sản phẩm du lịch” độc đáo hồ Kẻ Gỗ để mỗi lần đến tham quan, du khách không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp tinh khiết của thiên nhiên mà như còn được thanh lọc chính bản thân mình, để tâm hồn trở nên tươi đẹp, lạc quan và giàu sức sống.

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast