Vì sao hết thời vụ, Hà Tĩnh mới gieo trỉa 50% diện tích lạc xuân?!

(Baohatinh.vn) - Kết thúc tháng 2, toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới gieo trỉa được gần 7.500 ha lạc xuân (trong tổng số 14.725 ha), đạt khoảng 50% kế hoạch. Thời điểm này cũng là những ngày cuối của lịch xuống giống, trong khi thời tiết mưa ẩm vẫn tiếp diễn khiến cho các địa phương gặp nhiều khó khăn.

vi sao het thoi vu ha tinh moi gieo tria 50 dien tich lac xuan

Máy cày công suất lớn được huy động để huyện Kỳ Anh đẩy nhanh tiến độ gieo trỉa.

Đến hôm nay thì bà Lê Thị Yến (thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng, Lộc Hà) mới chỉ gieo trỉa được hơn 1/2 diện tích lạc của gia đình. Không phải bắt đầu muộn, 1 mẫu lạc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ giống đến khâu làm đất, thế nhưng, từ ra tết đến nay, thời tiết mưa ẩm, giờ nắng ít ỏi không đủ làm khô số đất chưa kịp gieo trỉa trước tết, sản xuất đành phải chững lại… chờ trời.

Bà Yến cho hay: “Một nửa diện tích đã gieo từ trước tết, số còn lại thì phải chịu đứt quãng vì đất ở đây chỉ mưa vài hôm là ứ nước, không gieo trỉa được. Thế nên, cơ bản chỉ làm được trong vườn nhà”.

Nông dân Kỳ Anh không có nhiều ngày nghỉ tết bởi phải hoàn thành gieo cấy vụ lúa xuân 2018, thời vụ lạc xuân gần như phải “đẩy” ra tết. Các xã Kỳ Bắc, Kỳ Phú, Kỳ Đồng và một số xã vùng trên là những địa phương “mở màn” cho kỳ xuống giống lạc quan trọng nhất trong năm.

Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Diện tích lạc xuân của huyện khá lớn (hơn 1.800 ha), đứng thứ 3 toàn tỉnh (chỉ sau Nghi Xuân và Hương Khê - PV), bà con tranh thủ mọi thời điểm thuận lợi để đảm bảo gieo trỉa đủ diện tích. Đặc biệt, hiện nay, huyện đã xây dựng các vùng tập trung, nhờ vậy có thể cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ sản xuất”.

Vào những ngày thời tiết thuận lợi, diện tích gieo trỉa có thể tăng thêm vài trăm ha. Không chỉ huy động nhân công, ở vùng sản xuất này, những máy cày công suất lớn còn được vận dụng triệt để. Ông Nguyễn Trung Hậu, chủ máy cày thôn Vân Giang (xã Kỳ Đồng) cho biết: “Cứ 30 phút một sào, vào lúc xuống giống tập trung, máy cày chạy gần như liên tục cả ngày. Vừa tận dụng làm lúa, lại có thể phục vụ đất lạc nên thu nhập mỗi mùa vụ cũng khá”.

Những người nông dân ở vùng sản xuất tập trung còn tất bật hơn, máy chạy vài chục phút là có thể gieo hạt luôn, rút ngắn thời gian để “đua” với thời vụ. Bà Trần Thị Oanh (thôn 8, Kỳ Bắc) cho biết: “Tôi làm 1 mẫu, giống L14 là chủ yếu. Năng suất khá ổn định (khoảng 2 tạ/sào), thế nên bà con chúng tôi phải làm cho hết diện tích. Trước tết đã gieo được 5 sào, bây giờ cứ cày đất xong là xuống giống luôn”.

Nói là vậy, thế nhưng, trở ngại lớn nhất vào thời điểm này vẫn là thời tiết. Kể từ mùng 6 tháng giêng đến nay, thời gian có nắng trong ngày rất ít, mưa dầm tiếp tục diễn ra khiến cho việc xuống giống gặp nhiều khó khăn. Đến hết tháng 2/2018 thì vựa lạc phía Nam của tỉnh cũng chỉ mới “chạm” gần 45% kế hoạch gieo trỉa. Thậm chí, có những địa phương chưa thể triển khai sản xuất lạc xuân dù thời vụ đã khép lại như: TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh (0%); Hương Sơn (25%)…

Tính chung toàn tỉnh, diện tích lạc xuân gieo trỉa được 7.500 ha, đạt khoảng 50% kế hoạch năm nay. Theo các nhà chuyên môn, thời vụ lạc trên khung “cứng” đã kết thúc, nhưng vẫn thường “du di” đến gần nửa tháng 3. Đây không phải là năm đầu tiên xảy ra hiện trạng như vậy. Chỉ có điều, giữa lúc khí hậu thất thường, cơ quan chuyên môn có nên “cố thủ” với lịch thời vụ không khớp với thực tế như hiện nay?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast