Đằng sau chuyện hàng trăm máy bơm nước... “chết yểu”

(Baohatinh.vn) - Sau gần 1 năm đưa vào sử dụng, 347 máy bơm nước tại 2 khu tái định cư (TĐC): Hói Trung, Khe Ná - Khe Gỗ (Vũ Quang) có tổng số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng đã bị… “chết yểu”. Bất thường ở chỗ, những chiếc máy này đã dễ dàng “lách” qua cửa hẹp theo kiểu “con voi chui tọt lỗ kim” và mặc nhiên tồn tại suốt một thời gian dài…

Nhiều máy bơm được gắn mác “Made in Italia”, “Made in Korea" nhưng chất lượng rất kém, phải thảo bỏ chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng
Nhiều máy bơm được gắn mác “Made in Italia”, “Made in Korea" nhưng chất lượng rất kém, phải thảo bỏ chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng

“Bản tấu ca” buồn giữa đại ngàn

Mặc dù máy bơm nước được gắn mác “Made in Italia” hẳn hoi nhưng cho đến nay, anh Đào Văn (xóm Tùng Quang, Hương Quang - khu TĐC Hói Trung) vẫn không hiểu vì sao khi sử dụng lại khốn khổ đến thế! “Mỗi lần cắm điện máy bơm nước là lũ trẻ nhà tôi phải bịt tai rồi chạy sang nhà khác… lánh nạn. Nghe đâu, trị giá máy lên đến 4 triệu đồng, nhưng giờ có ai mua 1 triệu đồng là tôi bán… liền tay để mua chiếc khác” - anh Văn bức xúc.

Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, nhưng máy bơm nước của anh Nguyễn Kim Tiền còn rắc rối hơn khi nhà thầu phải lắp thêm “trợ lực” là những ống co nhựa nước mới hút được nước lên để chảy vào bể. Anh Tiền cho rằng, “một vài nhà còn đỡ, chứ nếu đồng loạt bơm nước thì khu TĐC này chẳng khác gì một công trường với những tiếng nổ ầm ầm. Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn nhưng “khúc tấu ca” này vang dội cả một vùng và kéo dài khiến chúng tôi như ngộp thở, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng”.

Gia đình Phó Chủ tịch UBND xã Hương Quang - Trịnh Đình Cường, một trong những hộ tiên phong đầu tiên về khu TĐC lại còn bi đát hơn. “Không chỉ tiếng ồn đinh tai, nhức óc mà chỉ 1 m3 nước, máy của chúng tôi phải bơm mất 4 tiếng đồng hồ. Chỉ số công tơ điện theo đó cũng… “nhảy múa” liên hồi - anh Cường nén tiếng thở dài.

Một chiếc máy được lắp thêm “trợ lực” nhưng nổ quá to và nước chảy yếu

Một chiếc máy được lắp thêm “trợ lực” nhưng nổ quá to và nước chảy yếu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ khu TĐC Hói Trung có 218 máy bơm nước đã được lắp đặt (một số hộ đã nhận nhưng chưa lắp), trong đó có 40 máy mang “nhãn hiệu” Korea, còn lại đều được “gắn” mác Italia; khu TĐC Khe Ná - Khe Gỗ có 129 máy bơm cũng của... Italia. Tuy nhiên, theo nhận định của một số người, những chiếc máy màu xanh nhạt nhãn hiệu Korea và máy màu lông chuột mác Italia không phải chính hãng. Và, qua khảo sát thị trường, giá những chiếc máy bơm này không quá 500 ngàn đồng/chiếc (?!)

Chủ đầu tư “ngó lơ” để nhà thầu “rút ruột” công trình?

Tháng 7/2013, hàng trăm hộ dân 2 xã Hương Quang, Hương Điền di dời về nơi ở mới tại khu TĐC Hói Trung và Khe Ná - Khe Gỗ. Để hoàn thiện các hạng mục, trước khi di dời, ngày 2/5/2013, Ban Chuyên trách bồi thường hỗ trợ TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang do huyện Vũ Quang đảm nhận đã ký kết Hợp đồng số 60/2013/HĐ-XD gói thầu XL29 (xây lắp hệ thống cấp nước 2 khu TĐC).

Theo đó, Công ty CPXD & Thương mại Hoàng Lâm chịu trách nhiệm thi công gói thầu cung cấp nước tại khu TĐC Hói Trung có tổng trị giá hơn 6,3 tỷ đồng, gồm: khoan, lắp đặt 218 máy bơm nước có xuất xứ từ Hàn Quốc; lắp đặt hệ thống ống nhựa, láng nền xi măng... Công ty CP Tài nguyên & Môi trường T&T đảm nhận phần việc tương tự tại khu TĐC Khe Ná - Khe Gỗ với tổng trị giá gói thầu hơn 3,7 tỷ đồng cho 129 máy bơm nước cũng mang nhãn hiệu Korea.

Chiếc máy mới nhãn hiệu Korea vừa được nhà thầu thay thế có hình dáng sắc nét, chạy khỏe và êm hơn hẳn những máy trước đó
Chiếc máy mới nhãn hiệu Korea vừa được nhà thầu thay thế có hình dáng sắc nét, chạy khỏe và êm hơn hẳn những máy trước đó

Không chỉ ì ạch trong thi công để rồi phải xin chủ đầu tư gia hạn đi gia hạn lại thời gian xây lắp mà nguy hiểm hơn, toàn bộ 347 máy bơm nước (kể cả 40 máy được “gắn mác” Hàn Quốc) đã bị đánh tráo thay thế bằng các loại máy không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vấn đề đặt ra là vì sao 347 máy bơm nước lại dễ dàng “lách qua khe cửa hẹp” để mặc nhiên tồn tại suốt một thời gian dài?

Đơn vị tư vấn giám sát dự án cấp nước tại khu TĐC Hói Trung là Công ty TNHH Tuấn Khanh; còn Công ty CP TVXD 888 đảm nhận trách nhiệm tại khu TĐC Khe Ná - Khe Gỗ. Dù những đơn vị này đã được chủ đầu tư trả 226 triệu đồng để thực hiện công tác giám sát. Và, tại sao chủ đầu tư lại “sơ suất” một cách đáng ngờ như vậy?! Phải chăng có gì khuất tất, bất minh sau câu chuyện này?

Phó ban Chuyên trách bồi thường hỗ trợ TĐC công trình Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang - Phạm Thanh Bình viện dẫn lý do: “Sức ép tiến độ khiến chúng tôi yêu cầu các nhà thầu phải đáp ứng đủ nước cho người dân”. Tuy nhiên, ông Bình cũng thẳng thắn thừa nhận: “Cho đến nay, những loại máy này chúng tôi cũng không rõ… nguồn gốc; và rằng, mới chỉ thanh toán số tiền hơn 2/3 cho các nhà thầu”. Có vẻ như những khuất tất này cứ thế bị lãng quên và người dân phải gánh chịu nỗi khổ kéo dài nếu không bị ngành chức năng phát giác. Các nhà thầu tìm mọi cách “lấp liếm” bằng việc thay thế lại máy mới chính hiệu Korea. Thời điểm chúng tôi có mặt tại hiện trường (27/6/2014), 60 máy tại Hói Trung và 101 máy tại Khe Ná - Khe Gỗ đã được thay thế!

Câu hỏi được đặt ra là: “câu chuyện” những chiếc máy bơm “đểu” ở các khu TĐC Hói Trung, Khe Ná - Khe Gỗ nếu không bị phát giác thì sẽ đi về đâu? Băn khoăn này xin gửi đến chủ đầu tư và các ngành chức năng trên địa bàn.

Đọc thêm

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.
Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh tiếp nhận đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu được chi trả tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 và xã phải đứng ra làm bìa đỏ cho gia đình ông. Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi nhận thấy các yêu cầu của ông Duẩn là không có căn cứ.