Vì sao 3 năm triển khai, dự án nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà vẫn “dẫm chân tại chỗ”?

(Baohatinh.vn) - Dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn nhất huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) chậm tiến độ vì chưa giải phóng được mặt bằng (GPMB).

Nhiều hạng mục đang “nằm trên giấy”

Năm 2017, dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản có quy mô gần 70 ha trên địa bàn 2 xã Mai Phụ và Hộ Độ (huyện Lộc Hà) với chi phí hơn 61,3 tỷ đồng được triển khai xây dựng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư.

Dự án gồm các hạng mục chính: kênh thoát nước chính 1.679m; kênh thoát nước nội vùng 1.428m, 6 tuyến giao thông có tổng chiều dài 4 km, đường điện dài 1.025m và 5 trạm biến áp...

Vì sao 3 năm triển khai, dự án nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà vẫn “dẫm chân tại chỗ”?

Đồng muối bỏ hoang hơn 10 năm được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản ở xã Mai Phụ và Hộ Độ, huyện Lộc Hà.

Đây được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn trong đầu tư nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và góp phần chuyển đổi các vùng đất làm muối kém hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương…

Thế nhưng, đến thời điểm này, mọi thứ vẫn đang ngổn ngang dù thời gian kết thúc dự án đã đến (từ 2017 - 2020). Theo đó, hệ thống đường giao thông và mương thủy lợi (trị giá 45,7 tỷ đồng) chỉ mới thi công được 1 km kênh thoát nước chính, ước đạt 25% khối lượng xây lắp của cả dự án. Còn tất cả các hạng mục còn lại hiện đang "nằm trên giấy”.

Vì sao 3 năm triển khai, dự án nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà vẫn “dẫm chân tại chỗ”?

Cầu Mai Phụ - Hộ Độ xong đã nhiều năm nhưng chưa có đường dẫn.

Ông Tô Huy Phương - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hà Mỹ Hưng (đơn vị thi công đường giao thông và mương của dự án) cho biết: “2 năm qua, chúng tôi chỉ mới thi công được gần 1 km mương trên nền cũ, các hạng mục còn lại đều ngưng trệ vì vướng mặt bằng”.

Mức hỗ trợ thấp, người dân không đồng thuận

Để thực hiện dự án này, 300 hộ dân ở xã Hộ Độ và gần 200 hộ dân của xã Mai Phụ phải bàn giao gần 70 ha đất sản xuất muối. Toàn bộ diện tích của các hộ dân nói trên đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã bỏ hoang hơn 10 năm nay. Theo Luật Đất đai 2013, đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 2 năm không canh tác thì sẽ không được đền bù khi GPMB.

Như vậy, theo quy định, 70 ha này không thuộc diện phải đền bù.

Vì sao 3 năm triển khai, dự án nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà vẫn “dẫm chân tại chỗ”?

Theo quy định, 70 ha đất sản xuất muối không thuộc diện phải đền bù.

Tuy nhiên, để dự án triển khai thuận lợi, các nhà đầu tư đã đề xuất mức hỗ trợ 15 triệu đồng/sào cho người dân.

Điều đáng nói, trước chính sách hỗ trợ này, các hộ có đất bị thu hồi vẫn chưa đồng tình và không nhận tiền. Dù rất muốn dự án được triển khai nhưng tất cả các hộ đều muốn được nhận tiền đền bù hoặc tăng mức hỗ trợ.

Ông Lê Tiến Nhụy (thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ) cho rằng: "Chỉ có chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản mới chấm dứt được cảnh hoang hóa, lãng phí đất đai như hàng chục năm nay. Nhưng, để đảm bảo quyền lợi cho người dân thì cần phải đền bù, hoặc hỗ trợ như đất nông nghiệp (60 triệu đồng/sào), có như vậy bà con mới thuận tình giao đất thực hiện dự án”.

Vì sao 3 năm triển khai, dự án nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà vẫn “dẫm chân tại chỗ”?

Cán bộ xã Hộ Độ kiểm tra, soát xét hiện trạng đất đai trên đồng muối được quy hoạch làm vùng nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Phan Đình Hinh – Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ, mức hỗ trợ như đề xuất là quá thấp và nguyện vọng của Nhân dân cần được chia sẻ. Bởi đất muối không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thực trạng chung của cả nước và đây vẫn là tư liệu sản xuất được giao cho người dân hàng chục năm nay, thậm chí đã qua 2 - 3 thế hệ".

Đâu là hướng giải quyết?

Ông Phan Đình Hinh – Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ cho rằng: “Chúng tôi đã tập trung vào cuộc, đến tận từng nhà để tuyên truyền, vận động nhưng bà con chưa đồng thuận. Người dân cho rằng, đây là tư liệu sản xuất đã được bà con sử dụng hàng chục năm nay nên phải đền bù khi thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng, chứ không phải mức hỗ trợ thấp như hiện nay".

Vì sao 3 năm triển khai, dự án nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà vẫn “dẫm chân tại chỗ”?

Hiện dự án mới chỉ có những đoạn kênh mương đang làm dang dở.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà Phan Tiến Dũng cho biết: "Theo quy định, diện tích đất thực hiện dự án này không thuộc diện được đền bù GPMB. Đây là tư liệu sản xuất được giao cho bà con nhiều năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chúng tôi vừa đi tham khảo, nghiên cứu, học tập ở các tỉnh bạn về công tác GPMB các dự án thực hiện trên đất muối để xây dựng phương án, chính sách áp dụng phù hợp. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để Nhân dân đồng tình. Cùng với đó, năm 2021, huyện sẽ xây dựng chính sách, định mức hỗ trợ phù hợp dựa trên tinh thần vừa đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp".

Chủ đề Giải phóng mặt bằng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast