Thị trường lao động Nhật Bản (bài 2): Rộng mở cho nông dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bằng việc hỗ trợ, đào tạo tay nghề, kỹ năng làm việc, liên kết với các ngân hàng về nguồn vốn, cánh cửa xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản ngày càng rộng mở với nông dân Hà Tĩnh.

Thị trường lao động Nhật Bản (bài 2): Rộng mở cho nông dân Hà Tĩnh

Hội viên, nông dân có nhu cầu XKLĐ Nhật Bản được tạo điều kiện về chỗ ở, sinh hoạt.

Thực trạng hiện nay tại Hà Tĩnh cũng như trên cả nước cho thấy, có rất nhiều đơn vị thực hiện công tác du học, XKLĐ. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị đảm bảo năng lực, chất lượng thì cũng có nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích lợi nhuận mà không đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ) đi xuất khẩu.

Tình trạng NLĐ đi chui, đi theo đường dây môi giới cá nhân vẫn thường xảy ra, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bằng các kênh chính thống, Hội Nông dân Hà Tĩnh đã chú trọng việc liên kết với các đối tác Nhật Bản, các doanh nghiệp có chức năng môi giới lao động uy tín để tìm kiếm thị trường XKLĐ cho nông dân. Bên cạnh đó, hội còn tập trung tuyên truyền, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc cho NLĐ.

Thị trường lao động Nhật Bản (bài 2): Rộng mở cho nông dân Hà Tĩnh

Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh ghi nhận nhu cầu về ngành nghề xuất khẩu lao động của hội viên nông dân Can Lộc

Theo thống kê từ Hội Nông dân tỉnh, trong những năm qua, các cấp hội đã tổ chức khoảng 750 cuộc hội thảo, ngày hội việc làm, tư vấn tuyên truyền cho trên 34.000 lượt người tham gia; hướng dẫn hồ sơ, tư vấn, định hướng cho 853 lao động đi các nước Nhật Bản, Đài Loan, Angieri, Rumani, Malaysia (trong đó, khoảng 100 lao động đi Nhật Bản).

Thị trường lao động Nhật Bản (bài 2): Rộng mở cho nông dân Hà Tĩnh

Điều dưỡng viên Việt Nam làm việc tại Tokyo. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Ông Nguyễn Tiến Anh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh cho hay: Nhằm giúp NLĐ khắc phục khó khăn, hạn chế, đặc biệt là kỹ năng, trình độ lao động, cách thi tuyển các đơn hàng, trung tâm đã và đang tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn với những nội dung cơ bản để hội viên, con em hội viên nông dân tham gia dự tuyển đơn hàng đạt hiệu quả cao hơn. Những khóa học này đã giúp NLĐ tiết kiệm được kinh phí đi lại và chi tiêu trong thời gian chưa trúng tuyển đơn hàng mà trước đây họ phải tham gia học tập tại Hà Nội.

Thị trường lao động Nhật Bản (bài 2): Rộng mở cho nông dân Hà Tĩnh

Qua Trung tâm hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh, em Trần Thị Thực (thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng, Lộc Hà) đã đi XKLĐ thành công tại Nhật Bản, được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ cao.

Ngoài ra, trung tâm tăng thời gian tiếp xúc với học viên để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, năng lực, sở trường để từ đó định hướng họ lựa chọn đơn hàng, thị trường phù hợp với khả năng, nâng cao tỷ lệ trúng tuyển.

“Hội nông dân các cấp đã phối hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ được vay vốn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, tư pháp… để NLĐ được tiếp cận với các chính sách về XKLĐ... Với những cách làm này, gần 100% hội viên nông dân Hà Tĩnh khi có nhu cầu XKLĐ sang Nhật Bản đều đã thành công” - ông Nguyễn Tiến Anh khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Anh, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc hỗ trợ nông dân giải quyết việc làm và đồng hành cùng NLĐ, thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với các công ty XKLĐ có uy tín, đủ tư cách pháp nhân có nhu cầu tuyển lao động đi Nhật Bản lớn; mức phí đảm bảo quy định, từ đó, thẩm định chặt chẽ các đơn hàng trước khi tư vấn, hướng dẫn cho NLĐ. Đồng thời, trung tâm thường xuyên mở các lớp đào tạo kỹ năng ứng tuyển đơn hàng đi lao động Nhật Bản cho NLĐ.

Thị trường lao động Nhật Bản (bài 2): Rộng mở cho nông dân Hà Tĩnh

Những năm qua, các cấp hội đã tổ chức khoảng 750 cuộc hội thảo, ngày hội việc làm cho nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Nhân Sâm cho biết: XKLĐ ở Nhật Bản, ngoài mức lương cao, NLĐ còn có thể tiếp cận trình độ KHKT tiên tiến, nâng cao tay nghề, rèn luyện các kỹ năng, thái độ làm việc để sau khi về nước có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Đó cũng là nền tảng vững chắc nâng cao đời sống hội viên, nông dân.

“Tỉnh hội đã yêu cầu các cấp hội tiếp tục ghi nhận nguyện vọng của hội viên để có cơ sở định hướng thị trường lao động hợp pháp, phù hợp với điều kiện từng cá nhân. Bên cạnh đó, Tỉnh hội cũng sẽ tăng cường phối hợp với Ngân hàng No&PTNT; Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh quan tâm, tạo điều kiện về nguồn cho vay đi XKLĐ theo hợp đồng. Hội cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ NLĐ thi tuyển các đơn hàng đạt kết quả cao. Qua đó, góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Nhân Sâm nhấn mạnh.

Chủ đề Xuất khẩu lao động

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast