Hải sản “made in Hà Tĩnh” sẽ duy trì như thế nào sau khi được công nhận OCOP?

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với nguồn hải sản phong phú, là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm hải sản chất lượng cao, tham gia chương trình OCOP.

Hải sản “made in Hà Tĩnh” sẽ duy trì như thế nào sau khi được công nhận OCOP?

Hà Tĩnh có nguồn hải sản phong phú, chất lượng cao, là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến nước mắm, ruốc…

Mặc dù Hà Tĩnh có lợi thế về biển, tuy nhiên trong những năm gần đây, các địa phương đang chú trọng đầu tư, phát triển mạnh về đánh bắt, nuôi trồng, còn khâu chế biến, thương mại dịch vụ thủy sản sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo số liệu thống kê của các địa phương, dọc các huyện ven biển từ Nghi Xuân vào đến Kỳ Anh có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất chế biến nước mắm, ruốc, mực, cá, tôm khô… Trong đó, chỉ có chưa đến 30 cơ sở thành lập HTX.

Trong số này, số HTX chế biến nước mắm, cá, ruốc có thương hiệu cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay” như: Nước mắm Lạch Kèn (HTX Thiên Phú - Nghi Xuân); nước mắm Phú Khương (HTX Phú Khương - Kỳ Anh), nước mắm Đỉnh Miện, Ánh Hồng (Lộc Hà), nước mắm Chiến Thắng (TX Kỳ Anh)…

Các cơ sở sản xuất còn lại đang manh mún, nhỏ lẻ, mang tính truyền thống tự phát. Mặc dù chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhưng do quy mô, phương pháp tiếp cận thị trường còn yếu nên không thể phát triển, mở rộng sản xuất.

Hải sản “made in Hà Tĩnh” sẽ duy trì như thế nào sau khi được công nhận OCOP?

Sau khi tham gia OCOP, sản phẩm nước mắm Phú Khương được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác; đặc biệt là được tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh

Nước mắm Lạch Kèn (HTX Thiên Phú, Nghi Xuân) và nước mắm Phú Khương (Kỳ Anh) là 2 sản phẩm đầu tiên trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản được đưa vào đăng ký tham gia chương trình điểm “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2018 của tỉnh. Sau khi các sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chuẩn hóa hệ thống bao bì, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuỗi…

Theo bà Lê Thị Thêm – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Anh (đơn vị thực hiện lĩnh vực khảo sát, tư vấn, xây dựng và phát triển thương hiệu), sau khi hoàn thành xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, xây dựng chất lượng sản phẩm, quảng bá xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các sản phẩm điểm chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh đã có chỗ đứng trên thị trường và được thị trường biết đến, số lượng tiêu thụ, giá trị sản phẩm và doanh thu đều tăng từ 15 - 20%.

Hải sản “made in Hà Tĩnh” sẽ duy trì như thế nào sau khi được công nhận OCOP?

Tham gia chương trình OCOP, HTX Thiên Phú đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Lạch Kèn

“Sau khi tham gia OCOP, nước mắm Phú Khương được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác; được tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm đã được tiếp thị đến người tiêu dùng nhiều hơn, sản lượng tiêu thụ tăng cao. Đặc biệt, giá trị sản phẩm tăng 35% so với trước khi xây dựng sản phẩm OCOP (trước đây giá bình quân 100.000 đồng/lít, hiện tại giá bán bình quân 150.000 đồng/lít)” - Giám đốc HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) Lê Thị Khương phấn khởi cho biết.

Những hoạt động trong chuỗi hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nói chung, thủy hải sản nói riêng năm 2018 đã đạt được kết quả bước đầu khả quan. Năm 2019, Ban chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xét chọn 10 sản phẩm chỉ đạo điểm của tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm về chế biến thủy hải sản, gồm: Nước mắm Chiến thắng (TX Kỳ Anh) và ruốc kem (Lộc Hà). Đây được xem là “cú hích” cho ngành nghề chế biến hải sản Hà Tĩnh thêm cơ hội vươn ra biển lớn. Vấn đề là năng lực, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm “made in Hà Tĩnh” sẽ được duy trì như thế nào sau khi được công nhận OCOP.

Hải sản “made in Hà Tĩnh” sẽ duy trì như thế nào sau khi được công nhận OCOP?

Sản phẩm nước mắm của HTX chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Kỳ Anh) là 1 trong 2 cơ sở chế biến thủy hải sản được xét chọn sản phẩm chỉ đạo điểm chương trình OCOP năm 2019 của tỉnh

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, các chủ cơ sở sản xuất phải đi từ chính năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm truyền thống của mình. Khi đủ điều kiện tham gia OCOP mới tiếp tục nâng cấp, mở rộng qui mô sản xuất; không gò ép bằng mọi giá để được tham gia OCOP hoặc cố gắng để vượt quá năng lực thực tế của mình.

Khi đã tham gia OCOP, chính bản thân những người chủ cơ sở sản xuất đó lại là những người hướng dẫn, truyền kinh nghiệm để nhiều người khác cùng đến tham quan, học tập. Từ đó, có cơ hội quảng bá, tiếp thị sản phẩm, mở rộng qui mô sản xuất… Đặc biệt, mỗi sản phẩm tham gia OCOP trước hết quy trình, cơ sở sản xuất phải thực sự gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo qui trình khép kín, tạo thiện cảm cho khách đến tham quan, học tập.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast