“Đối thoại bằng nắm đấm” - hệ quả của thiếu nhận thức pháp luật

(Baohatinh.vn) - Cứ nghĩ rằng, những xung đột, giải quyết xung đột bằng nắm đấm chỉ xảy ra ở những người trình độ nhận thức thấp kém, năng lực nhận thức yếu, chưa có kinh nghiệm sống, nhưng đáng tiếc, nó còn xẩy ra ở những cán bộ, công nhân, viên chức, những người được coi là “có học thức” trong xã hội. Vì đâu nên nỗi?

>> Báo động “giang hồ thôn” và “Chí Phèo thời hiện đại”!

Hẳn người dân Hà Tĩnh chưa thể quên được vụ việc cô giáo ở thị xã Kỳ Anh đã chủ mưu vụ việc hành hung người gây thương tích hay vụ một chiến sỹ công an đánh người yêu cũ ở Cẩm Xuyên. Thậm chí, tại khu tập thể giáo viên của một trường học nọ, 2 thầy giáo vác dao rượt nhau chạy vòng quanh chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc rượu. Chính một bộ phận được cho là có tri thức, có học hành lại hành xử côn đồ, thiếu suy nghĩ đã góp phần làm cho bức tranh “cố ý gây thương tích” thêm ảm đạm với nhiều chuyện bi hài.

doi thoai bang nam dam he qua cua thieu nhan thuc phap luat

Một nhân viên Sở GTVT Hà Nội xô xát với nhân viên Vietnam Airlines vào tháng 10/2016

Theo luật sư Phan Duy Phong - Trưởng đoàn Luật sư Hà Tĩnh: Việc hành hung, ẩu đả, “đối thoại bằng nắm đấm” có thể là nhất thời, là phút giây thiếu kiềm chế bản thân. Nhưng gốc gác của vấn đề bắt nguồn từ quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người. Phần lớn những “kẻ gây chiến” thường có thái độ “tự đại” và “coi trời bằng vung”. Họ luôn vì cái tôi của mình, coi thường người khác, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, dễ manh động, mất kiểm soát cảm xúc khi bực tức, kể cả những việc không đáng làm to chuyện.

Có nhiều nguyên nhân quyết định quá trình hình thành nhân cách sống của mỗi cá nhân. Trước hết là môi trường gia đình, trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, nhiều bậc cha mẹ chỉ lo làm ăn, kiếm tiền chu cấp, chiều chuộng con cái mà quên đi thiên chức giáo dục, uốn nắn. Chính người viết bài này đã không ít lần chứng kiến cảnh chỉ đến khi công an gọi lên thì những người bố, người mẹ mới biết được con mình bỏ học, chơi bời lêu lổng hàng năm trời. Còn như môi trường giáo dục hiện nay, dường như nhà trường chỉ chăm lo việc dạy kiến thức để đảm bảo tỷ lệ học sinh giỏi mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức, trách nhiệm. Thế nên, khi bước vào đời, những người chưa hoàn thiện về nhân cách gặp một môi trường xã hội năng động, hối hả và chịu tác động mạnh mẽ từ những mặt trái của nó. Và khi đó, nhiều người đã không làm chủ được mình, không đủ kinh nghiệm xử lý tình huống dẫn đến xô xát, ẩu đả.

Đại úy Lê Viết Đường - Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho rằng: Có một nguyên nhân tác động không nhỏ đó là những bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, tội “Cố ý gây thương tích” được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc, do tỷ lệ thương tích thấp hoặc do thỏa thuận, người bị hại không chịu đi giám định thương tật hoặc rút đơn bãi nại nên công an phải đình chỉ điều tra. Có nghĩa là qua thỏa thuận bằng tiền, tình cảm hay thậm chí đe dọa, đối tượng gây thương tích cho người khác không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi vi phạm của mình. Năm 2016, Công an huyện Cẩm Xuyên tiếp nhận, xử lý 21 vụ, 29 đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích nhưng không truy cứu trách nhiệm hình sự.

doi thoai bang nam dam he qua cua thieu nhan thuc phap luat

Thiếu nhận thức pháp luật, ý thức đạo đức và kỹ năng sống là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều người giải quyết khúc mắc bằng các cuộc xô xát, ẩu đả.

“Mặc dù dưới góc độ nào đó, đối tượng hành hung người khác ít nhiều đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Tuy nhiên, chỉ khi vụ việc bị xử lý bằng trách nhiệm hình sự, đối tượng gây án phải trả giá bằng hình phạt thì may ra “phần người” và ý thức chấp hành pháp luật mới được hình thành. Đối với những vụ việc chỉ bị xử lý hành chính hoặc không được giải quyết đã khiến cho mâu thuẫn càng kéo dài, thậm chí, nhiều đối tượng có thái độ “coi thường pháp luật” - Đại úy Lê Viết Đường chia sẻ.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra hơn 250 vụ đánh nhau được cơ quan công an các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận nhưng không khởi tố điều tra. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi có nhiều vụ việc, sau ẩu đả, các bên “tự giải tán”, tự hòa giải hay nó chỉ được báo cáo lên công an cấp xã. Và, con số này chắc chắn sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Tìm một giải pháp giải quyết thấu đáo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này là vấn đề đau đầu của các nhà làm luật. Và có lẽ, nó phải bắt đầu từ văn hóa ứng xử, văn hóa pháp lý và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân.

Chủ đề Gây rối - Trật tự - Phá hoại

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast