Quá trình Trương Mỹ Lan "thao túng" Đoàn Thanh tra, Giám sát Ngân hàng

Đáng chú ý, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố tội “Nhận hối lộ” số tiền 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 5/3/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 5/3/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 6/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục diễn ra với phần công bố cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Trong số 86 bị cáo bị đưa ra xét xử, cùng với bị cáo Trương Mỹ Lan còn có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB, 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, ba cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ, một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Trong số đó, đáng chú ý có bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II-Ngân hàng Nhà nước bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố tội “Nhận hối lộ” số tiền 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan, theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đến nay, bị cáo Nhàn đã khắc phục 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, quá trình Ngân hàng Nhà nước thanh tra tại Ngân hàng SCB, trong hai lần thanh tra vào năm 2017 và 2018, kết quả thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra xác định thực trạng tài chính Ngân hàng SCB rất xấu, các chỉ số đều nằm trong báo động đỏ.

Để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm tại SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Trưởng đoàn Thanh tra là Đỗ Thị Nhàn; đồng thời chỉ đạo cựu Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD.

Bị cáo Lan cũng chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên Đoàn Thanh tra. Trên cơ sở đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo thành viên trong Đoàn Thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ về các sai phạm của SCB, cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Cụ thể, trên cơ sở chấp nhận bốn kiến nghị của Ngân hàng SCB, Đoàn Thanh tra báo cáo đề xuất với bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra Phụ trách Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng-Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép Ngân hàng SCB giữ nguyên nhóm nợ nhóm 1 (thực tế là nhóm nợ nhóm 4 và 5 lên tới hàng chục nghìn tỷ).

Khi Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng chưa báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xử lý bốn kiến nghị của SCB để xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra cho lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ (tháng 1/2018) thì Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo Tổ tổng hợp gồm Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh và Bùi Tuấn Khoa bỏ ngoài số liệu nợ phân loại nhóm 4 và nhóm 5 của một số dự án như: Mũi Đèn Đỏ, Dự án 6A, Dự án Royal Garden với tổng dư nợ gần 38.000 tỷ đồng, số trích lập dự phòng rủi ro gần 19.000 tỷ đồng và thoái lãi dự thu hơn 3.000 tỷ đồng…

Số liệu sau khi chỉnh sửa đã bị thay đổi, sai lệch. Theo đó, nợ xấu từ hơn 91.000 tỷ đồng (chiếm 35,8%) xuống còn hơn 51.000 tỷ đồng (chiếm gần 21%); vốn chủ sở hữu từ âm hơn 19.000 tỷ đồng lên dương hơn 2.700 tỷ đồng; lỗ lũy kế từ âm gần 32.000 tỷ lên chỉ còn âm gần 10.000 tỷ đồng…

Trong nội dung trình lên Đoàn Thanh tra có nội dung đề nghị đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, nhưng bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã yêu cầu bỏ nội dung này ra khỏi báo cáo của Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ.

Để có thông tin báo cáo Chính phủ theo yêu cầu, bị cáo Hưng đã có công văn yêu cầu Trung tâm Thông tin Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CIC) báo cáo dư nợ của nhóm 71 khách tại địa chỉ Số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh).

Mặc dù được CIC và Ngân hàng SCB báo cáo đầy đủ, nhưng Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn và Tổ tổng hợp đã không sử dụng, không báo cáo dư nợ phát sinh sau ngày 30/6/2017 của nhóm khách hàng này, không bổ sung 13 khách hàng phát sinh dư nợ sau ngày 30/6/2017 để báo cáo tại phiên họp Chính phủ (tháng 3/2018), báo cáo kết quả thanh tra gửi Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sáng 5/3/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sáng 5/3/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Không những vậy, sau đó Đoàn Thanh tra còn điều chỉnh kế hoạch thanh tra không theo chỉ đạo của Chính phủ, mà theo hướng có lợi cho SCB.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn đã chỉnh sửa bổ sung số liệu để giảm nợ xấu từ gần 21% thời điểm 30/6/2017 xuống còn 6,8% tại thời điểm 30/4/2018.

Tương ứng với nợ xấu của SCB giảm được hơn 73.000 tỷ đồng, giữ nguyên nợ nhóm 1 cho SCB.Ngoài Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD, cáo trạng xác định 16 bị cáo khác tại Ngân hàng Nhà nước nhận tiền, quà của Trương Mỹ Lan.

Với hành vi phạm tội của mình, các bị can này bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nhóm cán bộ ở cấp đơn vị, chi nhánh cho vay, tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng Giám đốc, cán bộ giúp việc cho Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định; kiểm tra, kiểm soát hoạt động Ngân hàng SCB và những người ở cấp đơn vị, chi nhánh tham gia hạch toán liên quan đến tiền giải ngân đối với các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan đều là những người lệ thuộc, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt; đều thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo SCB.

Với Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB), Cơ quan công tố xác định đã tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định của ngân hàng, giúp cho bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội để sử dụng, chiếm đoạt tiền trái phép của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, Nguyễn Phương Hồng và Nguyễn Tiến Thành đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự. Có năm bị cáo trốn truy nã sẽ bị xét xử vắng mặt gồm: Đinh Văn Thành và Nguyễn Thị Thu Sương (cùng là cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB), Trầm Thích Tồn (thành viên Hội đồng Quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc SCB Chi nhánh Bến Thành).

Theo hồ sơ, năm người này đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can, không xác định được đang ở đâu nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Bộ Công an đã ra quyết định truy nã.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.