Quân dân Hà Tĩnh với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

(Baohatinh.vn) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch này, cùng với quân dân cả nước, Hà Tĩnh đã huy động tối đa sức người, sức của, “tất cả cho tiền tuyến”, góp phần vào thắng lợi “Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”…

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch này, cùng với quân dân cả nước, Hà Tĩnh đã huy động tối đa sức người, sức của, “tất cả cho tiền tuyến”, góp phần vào thắng lợi “Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”…

Giữa năm 1953, sau gần 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp ngày càng rơi vào thế bị động. Để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp đã điều tướng Na-va sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Na-va đã cho ra đời kế hoạch quân sự với cốt lõi là xây dựng quân chủ lực cơ động mạnh, từng bước giành lại quyền chủ động tiến tới giành thắng lợi quyết định, buộc ta phải đầu hàng, hoặc chấp nhận kết thúc chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho Pháp.

Trước âm mưu của địch, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng đã chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 nhằm phá vỡ âm mưu chiến lược mới của địch, giành thắng lợi quyết định. Giữa tháng 11/1953, phát hiện Đại đoàn 316 của ta hành quân lên Tây Bắc, Na-va lập tức đưa 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống chốt giữ Điện Biên Phủ và quyết định xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh hòng thu hút và tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, nhanh chóng đưa số quân chiếm đóng lên tới 12.000 người, trở thành nơi tập trung quân lớn thứ hai của Pháp ở Đông Dương.

Tháng 12/1953, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chất chiến lược nhằm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Trước hành động của quân Pháp, Đảng ta đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng quán triệt nguyên tắc “đánh chắc thắng”, “cơ động, linh hoạt”, phát huy tinh thần tích cực, chủ động, khi thời cơ xuất hiện sẽ nhanh chóng tập trung lực lượng chủ lực, tiêu diệt sinh lực địch, làm thay đổi cục diện chiến tranh. Quá trình chỉ đạo triển khai các hướng tiến công chiến lược đập tan kế hoạch Na-va cũng là quá trình Đảng ta hình thành phương án và chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định tập trung đại bộ phận quân chủ lực, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, tạo sự chuyển biến mới cho cuộc kháng chiến.

Để tập trung sức mạnh tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chỉ trong thời gian ngắn, quân đội ta đã đưa 3 đại đoàn bộ binh (308, 312 và 316), Trung đoàn Bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn Công - Pháo 351, Trung đoàn Lựu pháo 45, Trung đoàn Sơn pháo 675, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 lên triển khai thế trận tiến công. Na-va và Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp không thể ngờ ta lại có thể nhanh chóng huy động, tập trung được một lực lượng chủ lực lớn để giao chiến tại đây. Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận tiến công cứ điểm Him Lam. Qua 56 ngày đêm, với 3 đợt tấn công chiến đấu vô cùng ác liệt, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng của địch, quân và dân ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.





Đúng 17h ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam và giương cao cờ chiến thắng trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/TTXVN

Chiến thắng trên mặt trận quân sự tại Điện Biên Phủ cũng là tiền đề và điều kiện vô cùng quan trọng để chúng ta kết hợp với đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đi đến kết thúc chiến tranh. Ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào cuộc đàm phán với tư cách người chiến thắng. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, buộc Pháp phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Đây là thắng lợi quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta.

Trên phương diện quốc tế, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng to lớn, cổ vũ các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập. Chỉ riêng trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho hầu hết các nước từng là thuộc địa của họ. Đây là một cột mốc đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp nói riêng và của đế quốc, thực dân nói chung trong nỗ lực tái xâm lược các nước Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945).

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam là nhân tố đặc biệt quan trọng. Nếu không có đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, không có sức mạnh của toàn dân, của lòng dân, sự phối hợp của chiến trường cả nước thì không có chiến công vang dội đó. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX.

HÀ TĨNH ĐÃ HUY ĐỘNG GẦN 2 VẠN DÂN CÔNG, TÂN BINH, TNXP, CÔNG NHÂN KỸ THUẬT NGÀNH CƠ KHÍ; 780 XE ĐẠP THỒ, 60 CHIẾC THUYỀN...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh cùng với Thanh Hóa và Nghệ An hợp thành hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, trong đó Hà Tĩnh là tuyến đầu, là hậu phương trực tiếp chi viện sức người, sức của cho các chiến trường Quảng Trị và Trung Hạ Lào là chủ yếu. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động được hơn 200.000 người với gần 15 triệu ngày công, đóng góp trên 4.000 tấn gạo, 355 tấn thực phẩm và hàng trăm tấn hàng hóa, thuốc men. Riêng Hà Tĩnh đã huy động được gần 2 vạn dân công, tân binh, TNXP, công nhân kỹ thuật ngành cơ khí; 780 xe đạp thồ, 60 chiếc thuyền...

Quân dân Hà Tĩnh cùng cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

NHỮNG NGÀY ĐẦU XUÂN GIÁP NGỌ 1954 Ở HÀ TĨNH THỰC SỰ TRỞ THÀNH NGÀY HỘI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN. TẤT CẢ MỌI TẦNG LỚP TỪ GIÀ TRẺ, GÁI TRAI ĐỀU HƯỚNG VỀ ĐIỆN BIÊN PHỦ.

Trước đó, cuối năm 1953, sau chiến thắng Trung Lào, cùng với quân dân cả nước, quân dân Hà Tĩnh tiếp tục triển khai hàng loạt các công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”. Đúng ngày mùng 1 tết Giáp Ngọ 1954, hàng vạn tân binh, TNXP, công nhân kỹ thuật ngành cơ khí và quân giới tỉnh Hà Tĩnh đã nô nức lên đường ra mặt trận. Nhiều gia đình có cả cha con, anh chị em, dâu rể cùng ra tiền tuyến, nhiều thanh niên chưa đến tuổi tòng quân cũng hăng hái xin gia nhập bộ đội, các cụ già trên 60 tuổi và các chị em phụ nữ có con nhỏ cũng đăng ký xung phong tham gia phục vụ chiến dịch. Ở hậu phương, để có gạo đưa ra tiền tuyến phục vụ chiến đấu, Hà Tĩnh đã phát động phong trào “xay thóc”, “nhà xay thóc, làng xay thóc” sôi nổi, nhộn nhịp suốt ngày đêm, để kịp có hàng trăm tấn gạo đưa ra tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Có thể nói, những ngày đầu xuân Giáp Ngọ 1954 ở Hà Tĩnh thực sự trở thành ngày hội của quần chúng nhân dân. Tất cả mọi tầng lớp từ già trẻ, gái trai đều hướng về Điện Biên Phủ. Những người ở lại vừa động viên người ra mặt trận lập công giết giặc, vừa ra sức thi đua lao động sản xuất để cung cấp thật nhiều cho tiền tuyến. Chỉ sau một thời gian ngắn, Nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp được trên 1.000 tấn thóc, 2.500 chiếc khăn tay, 1.200 mũ lá và nhiều đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt của chiến sĩ ngoài mặt trận. Đặc biệt, có hàng ngàn lá thư từ hậu phương gửi đến các chiến sĩ Điện Biên Phủ, góp phần cổ vũ, động viên và tăng thêm sức mạnh cho các đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận.

Chiếc máy bay thứ 36 của quân Pháp bị lực lượng phòng không của Trung đoàn 367 (Đại đoàn 351) bắn rơi tại Hồng Cúm. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Tiểu đoàn 400 bộ đội Hà Tĩnh vinh dự được tham gia chiến đấu đánh địch tại cứ điểm Hồng Cúm, là một trong những đơn vị đánh vây lấn tốt nhất, được Bộ Chỉ huy chiến dịch tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Trên mặt trận vận tải, tiếp tế, dân công và TNXP Hà Tĩnh đã sát cánh với các đơn vị bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi và ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại trên đất nước ta. Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đã giành được thắng lợi vẻ vang. Đóng góp vào trang sử oai hùng đó, quân dân Hà Tĩnh tự hào có những đơn vị, cá nhân tiêu biểu như: Tiểu đoàn 290, Đại đội 55 bộ đội địa phương, Đại đội Dân công huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên, dân quân du kích xã Cẩm Nhượng; các anh hùng: Phan Đình Giót, Nguyễn Đô Lương, Nguyễn Xuân Lực và nhiều liệt sĩ khác…

Thế hệ trẻ Hà Tĩnh dâng hương tại tượng đài liệt sỹ Phan Đình Giót ở xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên). Ảnh: Phan Trâm

Những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với quân dân cả nước, quân dân Hà Tĩnh tự hào ôn lại truyền thống đấu tranh yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm quật cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.

NỘI DUNG: THS. NGUYỄN TRÍ SƠN

CHỦ TỊCH HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ TỈNH HÀ TĨNH

ẢNH: PV - TƯ LIỆU

THIẾT KẾ: KHÔI NGUYỄN

Chủ đề 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói