Quốc hội thảo luận trực tuyến về gói hỗ trợ và phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng

(Baohatinh.vn) - Các chính sách tài khóa, tiền tệ trình tại Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV được kỳ vọng là các giải pháp kịp thời, hấp thụ tối đa nguồn lực, bảo đảm phục hồi phát triển KT - XH sau ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH. Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH và Nghị quyết phát triển TP Cần Thơ.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH (Chương trình) gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.

Cụ thể, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh 60.000 tỷ đồng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm 53.150 tỷ đồng; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 110.000 tỷ đồng; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển 113.850 tỷ đồng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tổng quy mô cho các nhiệm vụ giải pháp này khoảng 350.000 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Để có nguồn lực thực hiện, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023. Riêng năm 2022, Chính phủ ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề nghị cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 có thể cao hơn 25%. Ngoài ra, tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.

Ngoài ra, ngân sách Nhà nước có thể đi vay một số nguồn hợp pháp và hoàn trả khi có nguồn tăng thu hàng năm. Bộ Tài chính sẽ phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Quá trình thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình đã có hơn 365 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, và đề nghị Nghị quyết cần được ban hành càng sớm càng tốt.

Đại biểu thống nhất với quan điểm, mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; tính đầy đủ, hợp lý của hồ sơ, các tài liệu cùng với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình được chuẩn bị công phu, nghiêm túc.

Các ý kiến nhất trí với quan điểm, định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình và đề nghị bám sát quan điểm của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội để xây dựng Chương trình. Đồng thời nhấn mạnh mục tiêu phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát; việc sử dụng nguồn lực phải hiệu quả, mang tính khả thi cao, vốn phải giải ngân được ngay.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu từ điểm cầu hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng ý với quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, một số ý kiến cũng đề nghị cần đánh giá thêm tác động của Chương trình, trong đó có tác động đến tăng trưởng kinh tế (dự kiến GDP tăng 2,9% năm 2022 và 0,2% năm 2023 so với tốc độ tăng trưởng GDP).

Ngoài tác động tích cực, đề nghị đánh giá cả tác động bất lợi của Chương trình (như: lạm phát, nợ công, nợ xấu…), từ đó có các giải pháp dự phòng cho rủi ro có thể xảy ra, xây dựng kịch bản lạm phát nhất là trong bối cảnh giá dầu tăng để điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế.

Các ý kiến nhất trí với các giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình và đề nghị Chính phủ cần quan tâm để việc huy động các nguồn vay phù hợp trên cơ sở có thể trả nợ được và khả năng giải ngân của nền kinh tế, tránh lãng phí và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong quá trình triển khai...

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều nay (7/1), Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói