Quy hoạch “treo” - “Treo” cả quyền lợi của người dân!

(Baohatinh.vn) - Quy hoạch “treo” hiện đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc ở TP Hà Tĩnh. Và, việc dự án “bị lãng quên” trong nhiều năm đã và đang gây ra những phiền phức, hệ lụy như làm giảm hiệu lực quản lý của chính quyền, đặc biệt, làm đảo lộn nghiêm trọng đời sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn.

Dự án “treo”, đồng nghĩa với việc đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng GPMB cũng gặp vô vàn khó khăn. Nào là không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, không được tách thửa, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được thế chấp ngân hàng; muốn đầu tư làm ăn lâu dài cũng không xong vì không biết cụ thể thời gian giải tỏa. Và cứ thế, những người dân vùng quy hoạch luôn phải sống trong thấp thỏm, lo âu.

quy hoach treo treo ca quyen loi cua nguoi dan

Hơn 25 năm nay, quyền lợi của nhiều hộ dân 2 bên đường Nguyễn Công Trứ cũng “treo” theo dự án.

Trong căn nhà tuềnh toàng, nóng như đổ lửa, ông Lê Đăng Xuân bức xúc: “Vợ chồng tôi có cả trăm m2 đất và cũng có điều kiện để làm nhà, nhưng gần chục năm nay đất thì bỏ hoang, nhà cửa không thể sửa sang vì nằm trong vùng quy hoạch”. Nơi ông Xuân đang sống thuộc tổ dân phố 9, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, là nơi mà hàng chục hộ dân cũng đang khốn khổ vì bị “dính” phải dự án mở rộng, nâng cấp ngách 9, ngõ 9, đường Vũ Quang nối với khu đô thị Sông Đà đã “treo” gần cả chục năm nay.

Con ngõ 12 thuộc tổ dân phố 1, phường Nguyễn Du hiện có gần 20 hộ dân sinh sống. Mang tiếng ở trung tâm thành phố, song phố phường này trông khá nhếch nhác. Nguyên nhân là đã nhiều thập kỷ qua, dự án mở rộng tuyến đường song song với đường Nguyễn Du về phía Nam xuyên qua khu vực này vẫn... tắc. Được biết, tháng 3/1992, dự án quy hoạch khu nhà ở đường phố Bắc TX Hà Tĩnh (nay là khu nhà ở hai bên đường Nguyễn Du) được UBND tỉnh chính thức phê duyệt. Trong quy hoạch chung này có tuyến đường song song với đường Nguyễn Du về phía Nam, rộng 12,5m, do UBND thành phố Hà Tĩnh làm chủ đầu tư cơ bản đã thông suốt. Nói là cơ bản bởi vẫn còn khoảng 500m cuối tuyến thuộc tổ dân phố 1, phường Nguyễn Du đến nay vẫn chưa được triển khai.

Theo chính quyền sở tại, sở dĩ tuyến đường vẫn chưa thể hanh thông là bởi chưa có kinh phí đền bù, hỗ trợ GPMB. Liên quan đến khu vực “treo” này có đất đai, nhà cửa… của 16 hộ dân. Điều đáng nói ở đây là hơn 2 thập kỷ qua kể từ ngày dự án được phê duyệt, những mét đường cuối tuyến vẫn ách tắc. Hệ lụy, các gia đình trong khu vực rơi vào tình thế đi chẳng được, ở cũng không xong. Điều trái khoáy nữa, dù phần lớn những hộ dân ở đây đều có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà cửa khang trang hơn, nhưng lại luôn phải sống trong bức bí bởi nơi ở xuống cấp, nhếch nhác.

Ông Võ Tá Long (số 5, ngõ 12 - tổ dân phố 1, phường Nguyễn Du) cho biết: “Cũng vì nằm trong vùng quy hoạch “treo” nên nhiều năm nay, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường sá, mương cống thoát thải gần như không được đầu tư, chỉ một trận mưa vừa là nước ngập đến tận đầu gối. Khốn khổ hơn, nhiều hộ dân nhà cửa đã xuống cấp nghiêm trọng, muốn làm mới, nâng cấp, sửa chữa, thậm chí là bán để tìm nơi khác cũng không thể vì vướng phải quy hoạch”. Sống mòn mỏi nhiều năm trời, nguyện vọng của người dân chỉ là một tuyên bố chính thức của các cơ quan hữu quan. “Nếu quy hoạch thì phải triển khai, ít nhất cũng phải cho dân biết khi nào làm, làm bao giờ xong? Còn không thì công bố hủy bỏ dự án để khôi phục quyền lợi cho người dân” - ông Long tha thiết.

quy hoach treo treo ca quyen loi cua nguoi dan

Quy hoạch "treo" khiến tuyến phố này luôn trong tình trạng chật chội, lộn xộn và nhếch nhác... Ảnh: Trung Dân

Ông Trịnh Xuân Ninh - đại diện cho các hộ dân nơi đây cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần đến các cơ quan chức năng với mong muốn có lời giải đáp thỏa đáng nhưng ở đâu cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là: không thuộc cấp có thẩm quyền hoặc chờ được xem xét, giải quyết. Hơn 20 năm chờ đợi, mệt mỏi vô cùng”.

Những năm 1989, 1990, dự án mở rộng đường Nguyễn Công Trứ (đoạn nối giữa đường Phan Đình Phùng và Hải Thượng Lãn Ông) được cắm mốc quy hoạch rộng 35m. Trong đó, mặt đường rộng 14m, lề đường rộng 10,5m x 2. Hơn 25 năm nay, hiện trạng tuyến đường này vẫn y nguyên như những ngày đầu quy hoạch. Cũng vì vướng “quy hoạch” nên lâu nay những căn nhà, hàng quán dọc tuyến đường Nguyễn Công Trứ “bao nhiêu năm vẫn thế” - lụp xụp, nhếch nhác và mất mỹ quan đô thị. Thêm nữa, vì không có hệ thống thoát nước nên dọc tuyến, nước thải sinh hoạt của các hộ dân “tự do” chảy lênh láng ra mặt đường trông rất phản cảm và ô gây nhiễm môi trường...

Số liệu từ UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết, tính đến thời điểm này, thành phố đang tồn tại xấp xỉ 30 dự án “treo”. Và, gần 100% phường, xã trên địa bàn đều có sự “hiện diện” các dự án, quy hoạch “treo”. Lãnh đạo thành phố thừa nhận, không chỉ có tổ dân phố 9 phường Trần Phú, tổ dân phố 1, phường Nguyễn Du hay trên đường Nguyễn Công Trứ mà người dân nhiều nơi cũng đang khốn khổ vì quy hoạch “treo”.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết thêm: Thành phố đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng và các cấp liên quan hỗ trợ thành phố nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch “treo”, góp phần giảm bớt nỗi khổ ải mà hàng trăm hộ dân đang ngày đêm gánh chịu.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.