Rưng rưng kỷ vật của liệt sĩ mãi mãi tuổi 20 quê Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Công Hường (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lí tưởng, khao khát chiến đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc của cha anh.

Mỗi năm, cứ đến dịp Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, con cháu gia đình ông Nguyễn Công Định (thôn Sơn Hà, xã Thạch Sơn, Thạch Hà) lại sửa soạn bàn thờ và bồi hồi xem những kỷ vật của người anh, người bác - liệt sĩ Nguyễn Công Hường. Đó là những cuốn sổ tay ghi lại bài học chính trị, quân sự, lá thư gửi mẹ, dòng lưu bút gửi gắm bạn bè trước khi lên đường chiến đấu, những kỷ niệm trên chặng đường hành quân, huấn luyện, chiến đấu của liệt sĩ.

Việc thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Công Hường do người em trai Nguyễn Công Định đảm nhiệm.
Liệt sĩ Nguyễn Công Hường.

Liệt sĩ Nguyễn Công Hường sinh ngày 8/2/1952 tại thôn Sơn Hà, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà. Trong kí ức của người em trai Nguyễn Công Định, liệt sĩ Hường có dáng người cao dong dỏng và học rất giỏi.

Theo tư liệu trong sổ “Lý lịch đoàn viên”, các niên khóa từ 1960-1964 và niên khóa 1966-1967, học sinh Nguyễn Công Hường đều được các trường học (cấp 1 Thạch Sơn, cấp 2 Thạch Long) tặng giấy khen, 3 lần đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, được cấp danh hiệu “Dũng sĩ Đoàn Văn Luyện”. Những năm học Trường cấp 3 Lý Tự Trọng, anh Hường năm nào cũng đạt thành tích xuất sắc, trong diện được cử đi Liên Xô đào tạo. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cậu học trò Nguyễn Công Hường đã gác bút nghiên lên đường ra mặt trận, nhập ngũ ngày 3/1/1971, được biên chế tại đơn vị đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325.

Người đồng đội của liệt sĩ Hường là cựu chiến binh Lê Đăng Cường (thôn Đại Đồng, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) cho biết: “Sau thời gian huấn luyện ở Thanh Hóa và Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh), đơn vị được phân về Khu 9 miền Tây Nam Bộ, nơi địch ra sức thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đại đội chúng tôi được phân công về Huyện đội Kiến Văn, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tỉnh ủy, Tỉnh đội Kiến Phong”.

Với tinh thần cầu tiến, học tập nghiêm túc, vận dụng những kiến thức lí luận chính trị quân sự trong công tác, chiến đấu, Nguyễn Công Hường luôn được đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng. Anh là một tiểu đội trưởng gương mẫu, dũng cảm, hết lòng vì đồng đội, khát khao cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Ngày 23/4/1972, anh cùng một số đồng đội hi sinh tại Kênh 1, được an táng tại Kênh Phèn, xã Bình Hoàng Trung, thuộc huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) ngày nay.

Một số sổ ghi chép của liệt sĩ Nguyễn Công Hường.

Năm 1972, đơn vị liệt sĩ Hường đã trao trả các kỷ vật về cho gia đình và hiện nay người em trai liệt sĩ là ông Nguyễn Công Định đang cất giữ. Dù thời gian đã trôi đi hơn nửa thế kỷ, nhưng dòng chữ, nét mực trên từng trang viết còn nguyên vẹn, phản ánh tâm thế, ước vọng, lí tưởng, quyết tâm của người thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.

Đó là cuốn sổ lưu bút ghi chép những kỷ niệm của thời học sinh, cảm xúc, lời chúc của bạn bè trước lúc lên đường nhập ngũ; sổ công tác chính trị quân sự của lớp tập huấn cán bộ tiểu đội, sổ ghi chép, sổ bình báo công; những bức thư gửi mẹ… Nhiều trang viết được ghi chép rõ ràng, cẩn thận khắc ghi từng chặng đường, nhiệm vụ, thời điểm… huấn luyện, sinh hoạt, chiến đấu của một người chiến sĩ quân đội Nhân dân Việt Nam, người Đảng viên Đảng Cộng sản.

Những bài học chính trị, quân sự... được liệt sĩ Nguyễn Công Hường ghi chép đầy đủ, cẩn thận.

Đó là những nhận thức mới mẻ, dồi dào nhiệt huyết của tuổi trẻ trước lí tưởng cuộc đời, khát khao vươn lên cống hiến: “Tuổi thanh xuân bao giờ cũng tươi đẹp, nhưng tuổi thanh xuân chân chính chỉ thuộc về những con người cố gắng vươn lên, những con người lao động quên mình, những con người luôn khiêm tốn...!”; “Ta muốn làm cây thông trên núi cao, chẳng muốn làm cây liễu rũ ven sông, ta muốn luyện ta trong bão táp, rèn luyện trong lao khổ đấu tranh. Ta không muốn để đời ta trôi theo những ngày bình lặng”(Lôi Phong); “Sống một cuộc đời đầy đủ vĩ đại có nghĩa là phải sống vì lợi ích chung của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”(Kalunin).

Nhiều trang viết trích dẫn danh ngôn, lí luận, thể hiện nhận thức về Đảng, đạo đức, tư cách, nhiệm vụ của người đảng viên, người cách mạng, trở thành lời hiệu triệu định hướng nhận thức, hành động: “Nên coi khó khăn của người khác là khó khăn của mình và lấy niềm vui của đồng chí làm hạnh phúc của mình… lúc đấu tranh gian khổ nhất chính là lúc thắng lợi sắp đến nhưng cũng là lúc dễ dao động. Vì vậy, đó là cái cửa cho thử thách chúng ta - vượt lên thử thách, qua được thì sẽ trở thành người chiến sĩ cách mạng vinh quang”.

Hay khí thế rạo rực của lớp lớp thanh niên lên đường chiến đấu: “Hôm nay tuổi trẻ lên đường/Ra đi đánh Mỹ lòng vui rộn ràng/Cùng anh, cùng chị lên đường/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào…”

Bên cạnh đó còn có những trang viết thấm đẫm cảm xúc về tình yêu, tình bạn và những tình cảm thiêng liêng với người thân ở quê nhà: “Hường anh! Rạo rực tâm hồn khi cầm bút. Thảo vài dòng chữ lúc xa nhau. Lưu luyến dành cho giờ tạm biệt. Nghẹn ngào để lại phút chia ly. Kẻ đi người ở lòng man mác. Bịn rịn muôn phần biết nói chi. Ở đây tiếng nói thay người. Lời văn thay những nụ cười. Viết lên đây một vần thơ. Nội dung là những ước mơ tuyệt vời…”.

Những lá thư liệt sĩ Nguyễn Công Hường gửi mẹ.

Đặc biệt, dù ở đâu trên chặng đường huấn luyện, hành quân, liệt sĩ Nguyễn Công Hường cũng luôn dành niềm thương, nỗi nhớ sâu sắc, yêu thương nhất dành cho mẹ. Có bức thư được gửi về trong cơn hấp hối của mẹ, nghe xong lá thư của con trai thì mẹ ra đi. Lá thư viết cho người mẹ dấu yêu đẫm nước mắt, chất chứa nỗi niềm của người con hiếu thảo...

Những lá thư gửi mẹ chất chứa nỗi niềm của người con hiếu thảo, yêu thương mẹ hết lòng.

"Mẹ ơi, con vẫn ở giữa lòng mẹ đây - con của mẹ giờ này đang gối đất nằm sương nơi núi rừng âm u của Thanh Hóa. Con luôn luôn nghĩ tới mẹ - con thương nhớ mẹ vô cùng nhưng mẹ ơi, vì nhiệm vụ cách mạng cho nên con phải xa mẹ. Sống ở nơi đây, con rất thương mẹ, nhớ mẹ, nhớ những lúc ở nhà có sự dạy bảo của mẹ, con đã lớn khôn nhiều. Bây giờ ở đây chẳng biết làm sao - hơn nữa, con vừa bắt được lá thư người thương của con nói nhiều chuyện về mẹ - nghe bảo là mẹ khóc nhiều lắm thì phải - ôi đọc thư đến đó con không sao nén được chỉ có điều là nước mắt rơi”.

Gia đình ông Nguyễn Công Định luôn nâng niu, giữ gìn những kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Công Hường bằng niềm tự hào, biết ơn, thành kính sâu sắc.

Chị Nguyễn Thị Hoài - cháu liệt sĩ Nguyễn Công Hường cho biết: "Gia đình luôn có ý thức gìn giữ những kỷ vật này của bác bằng niềm tự hào, thành kính. Hiện nay, bác đang an nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp. Dù gia đình đã từng có ý định đưa di hài của bác về quê yên nghỉ nhưng tâm nguyện của bác là muốn được ở gần đồng đội. Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, con cháu trong gia đình đều thay nhau vào tận nghĩa trang viếng bác. Tôi cũng mong những tư liệu của bác sẽ được lan tỏa, để con cháu trong gia đình, thế hệ trẻ hiểu và tự hào hơn về lí tưởng, niềm tin, tinh thần học tập, khao khát chiến đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc của thế hệ cha anh”.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói