Những "cầu nối" đưa chính sách đến với người nghèo ở huyện Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Là địa phương có nhiều hoàn cảnh cần hỗ trợ, cán bộ chính sách huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tận tụy, làm vai trò cầu nối đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người nghèo.

A2.jpg
Trưởng thôn Nguyễn Thị Hoan kiểm tra mô hình sinh kế của anh Nguyễn Văn Đấu.

Tài sản đều ra đi theo những ngày chạy chữa cho người vợ bị bệnh nan y nên hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Đấu (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau khi nhận được sự hỗ trợ sinh kế với gần 100 con gà giống theo chính sách hỗ trợ sinh kế của huyện từ đầu năm 2023, đến nay, gia đình anh đã bắt đầu có thu nhập thường xuyên, cuộc sống dần đỡ vất vả.

Bên cạnh đó, cùng với sự đồng hành, động viên của cán bộ thôn, anh Đấu mạnh dạn vay vốn, tiếp tục đầu tư khôi phục và phát triển 7 sào chè nguyên liệu, 3 sào ruộng, trồng một số diện tích keo tràm và cải tạo lại 5 sào vườn - những tư liệu sản xuất trước đây bị bỏ bê do phải dành thời gian chạy chữa bệnh tật cho vợ.

Và mọi nỗ lực đã được đền đáp, anh Đấu đã vực dậy được cuộc sống gia đình với thu nhập bình quân bước đầu gần 10 triệu đồng/tháng. Bản thân anh cũng đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.

Theo anh Đấu, để có được cuộc sống như hôm nay, ngoài nguồn sinh kế được hỗ trợ, gia đình anh luôn nhận được sự quan tâm đồng hành, sẻ chia, động viên của các cán bộ xã, thôn, đặc biệt là Trưởng thôn Nguyễn Thị Hoan. “Nếu không có chị Hoan quan tâm chia sẻ, động viên và hướng dẫn cách làm thì gia đình rất khó để vượt qua được hoàn cảnh khó khăn để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo”, anh Đấu chia sẻ.

A3.jpg
Trưởng thôn Nguyễn Thị Hoan (thứ 2, từ trái sang), được người dân thôn Tân Tiến ví như chiếc cầu nối để họ tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Không chỉ với gia đình anh Đấu, nhiều năm qua, Trưởng thôn Tân Tiến Nguyễn Thị Hoan là người luôn quan tâm theo dõi, chia sẻ, động viên bà con gặp hoàn cảnh khó khăn; đồng thời thường xuyên tranh thủ kêu gọi các nguồn hỗ trợ sinh kế, nguồn từ thiện, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để hỗ trợ người nghèo vươn lên.

Hiện toàn thôn có 5 hộ được thụ hưởng vốn hỗ trợ sinh kế của huyện và các nguồn hỗ trợ khác. Năm 2021, thôn có trên 5% số hộ nghèo, cuối năm 2023 chỉ còn dưới 2% hộ nghèo.

A15.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Tây Nguyễn Thị Nhi kiểm tra sự phát triển của bò sinh kế tại các hộ dân sau khi được hỗ trợ.

Tại xã Kỳ Tây, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã và đang thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của các cấp, cũng như sự nhiệt tình, tận tụy của những cán bộ làm công tác giảm nghèo tại cơ sở.

Dân số gần 7.000 người, số hộ nghèo của xã Kỳ Tây hiện chiếm 5,65% (cao nhất huyện Kỳ Anh). Toàn xã có 58 nhà ở bị xuống cấp trầm trọng và có 36 hộ cần phải hỗ trợ về mọi mặt. Trăn trở với cuộc sống khó khăn của bà con cũng như công tác giảm nghèo của địa phương, Ủy ban MTTQ xã luôn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động, huy động quyên góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của xã.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Tây Nguyễn Thị Nhi cho biết: “Bên cạnh tập trung nhiệm vụ xây dựng NTM, chúng tôi luôn đặt công tác giảm nghèo lên vị trí trọng tâm, hàng đầu. Trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, bằng nhiều cách làm khác nhau, MTTQ tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, con em xa quê và người dân đóng góp vào quỹ Vì người nghèo để giúp đỡ những người yếu thế và hỗ trợ sinh kế cho người nghèo”.

A6.jpg
Chị Nguyễn Thị Hòa trong ngôi nhà chính sách vừa được xây dựng.

Từ năm 2021 đến nay, MTTQ xã Kỳ Tây đã kêu gọi quyên góp được tổng số tiền gần 2,2 tỷ đồng và tiếp nhận từ nguồn cấp trên 8,8 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ làm mới 96 nhà ở, sữa chữa 8 nhà cho người nghèo; hỗ trợ 178 mô hình sinh kế, mua 15 sổ tiết kiệm cho các đối tượng yếu thế (mỗi sổ 10 triệu đồng); mua 6 máy tính cho học sinh nghèo; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 56 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Chị Nguyễn Thị Hoà (thôn Nam Xuân, xã Kỳ Tây) vừa được MTTQ xã kết nối hỗ trợ 70 triệu đồng từ Quyết định 22 của tỉnh để xây ngôi nhà mới trị giá trên 200 triệu đồng, chia sẻ: “Nhờ cấp uỷ, chính quyền và đặc biệt là chị Nhi tích cực động viên, khâu nối nên gia đình tôi mới có căn nhà mới kiên cố. Từ khi có nhà ở, gia đình yên tâm ổn định cuộc sống để cố gắng thoát nghèo”.

A4.jpg
Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang Đinh Công Đệ (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người dân công tác xóa nghèo trên địa bàn.

Ở xã Kỳ Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang Đinh Công Đệ là một cán bộ luôn được người dân dành sự tin yêu, quý mến với sự nhiệt tình, tận tụy và trách nhiệm cao trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Mặc dù phải gánh nhiều công việc, ông Đệ vẫn luôn dành nhiều thời gian để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình chính sách, giải quyết chế độ cho họ một cách kịp thời, đầy đủ, đúng quy định... Vì vậy, trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo luôn được người dân đồng tình, ủng hộ; địa phương không có tình trạng khiếu kiện về việc giải quyết chế độ chính sách.

Hiện nay, Kỳ Giang có 33 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà mới hoặc sửa chữa nhà theo nhiều chương trình khác nhau với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng; 28 hộ nghèo được hỗ trợ gà giống sinh kế với gần 3.000 con cùng với thức ăn, vật tư chăn nuôi...

A5.jpg
Xã Kỳ Giang tổ chức trao gà sinh kế cho hộ nghèo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Dương Thị Vân Anh cho biết: "Đời sống của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, có nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ, hỗ trợ, nên bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, xây dựng NTM, huyện luôn ưu tiên thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Trong đó, đội ngũ cán bộ cơ sở chính là lực lượng quan trọng, đóng vai trò là cánh tay nối dài để các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, địa phương đến được với người nghèo và phát huy hiệu quả.

Trong giai đoạn 2021-2024, tổng số vốn chương trình giảm nghèo được thực hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh đạt 16.741 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 15.416 triệu đồng; ngân sách địa phương 1.325 triệu đồng. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện duy trì mức giảm từ 0,6% đến 1,03%/năm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 6,11%, thì đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,44%".

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Nở rộ tình trạng spa, thẩm mỹ viện không phép

Nở rộ tình trạng spa, thẩm mỹ viện không phép

Trên địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thời gian qua, tình trạng các spa, thẩm mỹ viện hoạt động thẩm mỹ xâm lấn không phép mọc lên tràn lan. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân khi sử dụng dịch vụ làm đẹp.
Sống khỏe cùng BHT: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim, cách phòng tránh

Sống khỏe cùng BHT: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim, cách phòng tránh

Suy tim là bệnh lý nguy hiểm, có tỉ lệ mắc cao và khó điều trị dứt điểm. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, bệnh suy tim càng trở nên nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng tránh? Bác sĩ Trần Văn Cường - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Vì sao đăng ký biến động đất đai tăng mạnh?

Vì sao đăng ký biến động đất đai tăng mạnh?

Những ngày qua, nhiều người dân Hà Tĩnh đổ xô đi làm thủ tục đăng ký biến động đất đai tại các trung tâm hành chính công, dẫn tới tình trạng quá tải. Vậy đâu là nguyên nhân?
Cùng con chắp cánh ước mơ xa

Cùng con chắp cánh ước mơ xa

Không chỉ các con mà những người làm cha, làm mẹ cũng đang trải qua một “kỳ thi” đặc biệt của riêng mình với đầy ắp những áp lực, lo âu, niềm tin và sự kỳ vọng.
Ngày thi đầu tiên nhiều cảm xúc của thí sinh Hà Tĩnh

Ngày thi đầu tiên nhiều cảm xúc của thí sinh Hà Tĩnh

Hơn 17.300 thí sinh tại Hà Tĩnh đã hoàn thành ngày thi đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Một ngày thi mang đến nhiều cảm xúc cho các thí sinh khi lần đầu tiên đề thi được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thức ăn chế biến sẵn - tiện lợi có đi liền tiềm ẩn rủi ro?

Thức ăn chế biến sẵn - tiện lợi có đi liền tiềm ẩn rủi ro?

Nhiều năm trở lại đây, thực phẩm chế biến sẵn được tiêu thụ ngày càng nhiều bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng và khẩu vị tương đối phù hợp với nhiều người dân Hà Tĩnh. Song, đằng sau sự tiện lợi đó liệu có tiềm ẩn những rủi ro về an toàn thực phẩm.
Thí sinh Hà Tĩnh "nhẹ nhõm" hoàn thành bài thi môn Ngữ văn

Thí sinh Hà Tĩnh "nhẹ nhõm" hoàn thành bài thi môn Ngữ văn

Những nụ cười, ánh mắt rạng rỡ… tạo nên bức tranh tươi sáng sau môn thi đầu Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dù phía trước vẫn còn những thử thách nhưng niềm tin sau môn Ngữ văn sẽ là động lực để sĩ tử bước tiếp bằng tâm thế tích cực và quyết tâm.