Sân vận động huyện thành nơi... chăn thả gia súc!

(Baohatinh.vn) - Những thập niên trước, hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Tĩnh đều đầu tư xây dựng sân vận động (SVĐ) để phục vụ hoạt động thể dục, thể thao và một số sự kiện của địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên nhiều SVĐ hiện không phát huy hiệu quả, gây lãng phí quỹ đất...

san van dong huyen thanh noi chan tha gia suc

Sân vận động Đức Thọ xuống cấp, cỏ mọc lút sân

SVĐ trở thành nơi... chăn thả gia súc!

Nằm ở trung tâm thị trấn, SVĐ huyện Nghi Xuân được đầu tư xây dựng khá hoành tráng với diện tích khoảng 4 ha. Ngày trước, mọi hoạt động TDTT của huyện đều được tổ chức tại đây nhưng từ khi xây dựng Nhà văn hóa Nguyễn Du thì SVĐ này gần như bị bỏ hoang.

Đến SVĐ này, chúng tôi nhiều lần chứng kiến hàng trăm con trâu bò đang “vô tư” gặm cỏ. Chị Quyên - một người dân sống trong khu vực cho biết: “Lâu lắm rồi không thấy hoạt động gì tại SVĐ, chỉ thấy người dân đưa gia súc vào chăn thả”. Ngay dưới chân bức tường bao quanh sân, người dân phá một phần cột trụ để xây dựng kênh mương thoát nước; hệ thống tường bao cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong sân, ngổn ngang gạch đá, cỏ mọc um tùm...

Không còn hoạt động như trước, giờ đây, SVĐ thị xã Hồng Lĩnh đã “biến” thành sân bóng đá mini. Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao thị xã Trần Ngọc Châu cho biết: SVĐ này có “tuổi đời” gần 20 năm, nhưng chỉ hoạt động được khoảng 10 năm. Hiện, trung tâm đang cho người dân thuê một góc nhỏ làm sân bóng đá mini. Phần diện tích lớn còn lại do không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nên hạ tầng xuống cấp, chẳng hoạt động gì, cỏ lút mặt sân.

SVĐ huyện Đức Thọ được xem là công trình lớn nhất tỉnh được đầu tư với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng. Đi vào hoạt động từ năm 2005, hiện tại, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, hệ thống thoát nước đã bị sập, các dãy ngồi bằng bê tông ở khu vực khán đài A hầu hết bị nứt nẻ, hệ thống lan can, cầu môn, cửa ra vào đã bị tét rỉ; rêu phong phủ kín cả khán đài… Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện cho biết: Hàng năm, SVĐ chỉ tổ chức giao nhận quân nhân nhập ngũ và một vài hoạt động thể thao khác; 4 năm một lần tổ chức đại hội TDTT. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, sân chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, khi nào có sự kiện diễn ra thì mới thuê người đến cắt cỏ mặt sân, sau đó đâu lại vào đấy.

sớm có giải pháp phát huy hiệu quả hệ thống SVĐ

Rõ ràng, do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những yếu tố khách quan trong quá trình phát triển nên các SVĐ cấp huyện không đáp ứng được xu thế, nhu cầu thực tiễn. Ông Bùi Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng: Sau khi Nhà văn hóa Nguyễn Du của huyện được xây dựng trên diện tích lớn, bề thế và ngay trước UBND huyện cũng đã có một SVĐ nên mọi sự kiện lớn về văn hóa, TDTT hàng năm trên địa bàn huyện đều diễn ra tại đây, dẫn đến “thừa” SVĐ huyện.

san van dong huyen thanh noi chan tha gia suc

Sân vận động Nghi Xuân xuống cấp nghiêm trọng.

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện Đức Thọ: “Ngay tại SVĐ của huyện hiện đã có 4 sân bóng đá mini nhân tạo và đang có xu hướng phát triển thêm. Điều này cũng phù hợp với quy luật phát triển dẫn đến SVĐ của huyện hoạt động cầm chừng, chưa tương xứng với quy mô, kinh phí đầu tư xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho rằng: Hiện nay, hầu hết các phường, xã, thị trấn đều có sân bóng đá hoạt động rất hiệu quả. Trong khi đó, tất cả các SVĐ huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều nằm ở vị trí “đẹp”, chiếm quỹ đất lớn, nhưng mỗi năm chỉ diễn ra vài sự kiện, thậm chí có nơi không có hoạt động nào. Vấn đề này, sở đã nhiều lần đề cập và có văn bản đề nghị các huyện chỉ đạo các đơn vị có phương án để khai thác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa có giải pháp, thiếu kinh phí dẫn đến SVĐ ngày càng xuống cấp, lãng phí về quỹ đất.

Cũng theo ông Hạnh, những SVĐ nào còn hoạt động thì nên duy tu, chỉnh trang sạch sẽ, tạo thẩm mỹ để thu hút người dân vào tập TDTT hàng ngày; còn những sân nào đã bỏ hoang thì cũng nên chuyển đổi, thu hút xã hội hóa đầu tư để xây dựng các công trình khác phù hợp, hiệu quả hơn nhưng phải gắn với hoạt động văn hóa, thể thao…

Xã hội hóa đầu tư SVĐ thành trung tâm thể thao, giải trí đa chức năng là cách làm của huyện Nghi Xuân. Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, Công ty Trường Đoán đã được tỉnh chấp thuận đầu tư, phê duyệt dự án và cho thuê đất tại SVĐ huyện để đầu tư nhà hàng tiệc cưới, sân cỏ mini nhân tạo, bể bơi... “SVĐ mà luôn đóng kín cửa thì rất lãng phí quỹ đất, vì vậy, cần phải xã hội hóa đầu tư thì mới đáp ứng được nhu cầu, mục đích của sự phát triển…” - ông Hùng nhấn mạnh! Thiết nghĩ, đây là một cách làm hay mà các địa phương có thể tham khảo, nghiên cứu.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.