Sản xuất nông nghiệp 2023: Hà Tĩnh khắc phục khó khăn, tiếp đà tăng trưởng

(Baohatinh.vn) - Năm 2023, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, dịch bệnh… Vì thế, Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp linh hoạt, đảm bảo sản xuất thắng lợi.

Cùng với các đợt ra quân phá bờ vùng, bờ thửa hình thành cánh đồng lớn, nông dân xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) tập trung làm đất lần 1 cho sản xuất lúa vụ xuân 2023.

Phấn đấu sản lượng lúa vụ xuân đạt trên 33,51 vạn tấn

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh, thời điểm xuống giống các trà lúa vụ xuân cơ bản trùng với tiết đại hàn - lập xuân khả năng sẽ gặp rét đậm, rét hại. Giai đoạn lúa trổ bông vào đầu tháng 3 âm lịch nguy cơ gặp gió mùa đông bắc đe doạ đến sự phát triển, năng suất của cây.

Công ty THNN MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh ra quân làm thủy lợi nội đồng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt phù hợp. Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng loại giống, yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân tuân thủ bắc mạ trong khung thời vụ từ 20/12/2022 - 8/02/2023 để bố trí lúa trổ tập trung từ 25 - 30/4.

Khuyến cáo 100% diện tích mạ phải được phủ ni lông đúng kỹ thuật, đồng thời căn cứ vào dự báo thời tiết ngắn hạn để chỉ đạo thời điểm ngâm ủ giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, bám nắm cơ sở, để chỉ đạo, bổ cứu sản xuất. Toàn tỉnh tập trung cao nhất để phấn đấu sản lượng lúa vụ xuân đạt trên 33,51 vạn tấn (năm 2022 đạt hơn 33,4 vạn tấn)".

Người dân thôn Hà Phong (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) ra quân xây dựng cánh đồng lớn trên diện tích 68 ha.

Thời điểm này, các địa phương đang tập trung làm đất lần 1 cho sản xuất lúa vụ xuân (hơn 59.000 ha). Cùng với đó, phong trào ra quân phá bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi, tập trung ruộng đất được đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao đất thực địa cho người dân.

Ông Trần Văn Tuấn (thôn Sơn Hà, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) cho biết: “Nhờ xây dựng cánh đồng lớn trên 30 ha nên hệ thống kênh mương được cải tạo đảm bảo dẫn nước tốt, mặt đất ruộng được máy móc đã san ủi bằng phẳng. Chúng tôi đang chờ thông báo của thôn để tiếp tục làm đất lần 2 và tiến hành gieo cấy. Bà con rất mong chờ và phấn khởi khi lần đầu tiên được sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung, hạ tầng đồng bộ”.

Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, ngành nông nghiệp khuyến cáo 100% diện tích mạ phải được phủ ni lông đúng kỹ thuật. Ảnh tư liệu.

Để vụ xuân thắng lợi, các đơn vị, công ty cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn đang khẩn trương chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu của bà con nông dân.

Theo bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty Giống cây trồng Hà Tĩnh: "Công ty luôn đảm bảo về số lượng, chất lượng và nguồn giống dự phòng cho thị trường toàn tỉnh. Chúng tôi đã làm việc với các địa phương để cân đối đơn đặt hàng phù hợp; nhóm giống lúa chủ lực cho thị trường năm nay là Khang Dân 18, Xuân Mai 12, Nếp 98, Nhị ưu 838, TH3-3…”.

Bên cạnh đó, nguồn nước cung ứng cho sản xuất khá thuận lợi do mực nước và dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản đạt thiết kế, đảm bảo phục vụ sản xuất. Dự kiến, diện tích tưới đạt trên 55.190 ha (trong đó, doanh nghiệp tưới 29.215 ha, địa phương tưới 25.975 ha).

Duy trì đà tăng trưởng của các sản phẩm chủ lực

Cùng với sản xuất lúa, Hà Tĩnh cũng tập trung phát triển hoạt động chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi liên kết có hiệu quả, bền vững để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Trang trại lợn của anh Nguyễn Tiến Mạnh (xã Đức Giang, Vũ Quang) được xây dựng trên công nghệ hiện đại của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh phấn đấu đưa tổng đàn lợn đạt trên 405.000 con, bò 171.000 con, gia cầm 10,3 triệu con. Để thực hiện mục tiêu này, ngành chú trọng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học; tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý nghiêm các hộ/cơ sở vi phạm.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Huyện xác định phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng nuôi có kiểm soát, an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao. Ngoài ra, cán bộ cơ sở theo dõi để kiểm soát, quản lý chặt chẽ dịch bệnh tại địa phương”.

Mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn cho hiệu quả kinh tế cao, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết được xây dựng ở xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh ưu tiên xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống có chất lượng, triển khai thực hiện đề án sản xuất cho các đối tượng nuôi, từng vụ nuôi cụ thể.

Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật quản lý địa bàn, trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi (cải tạo, chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh,…); xây dựng và nhân rộng những mô hình, vùng nuôi sử dụng chế phẩm sinh học để phát triển bền vững.

Đối với sản xuất lâm nghiệp, các địa phương thực hiện trồng rừng theo hướng tăng diện tích thâm canh; áp dụng các biện pháp chuyển hóa gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đặc biệt, hình thành chuỗi liên kết giữa các nhà máy (nhà máy gỗ MDF, HDF, nhà máy chế biến lâm sản) với các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, nhân rộng mô hình cấp chứng chỉ quản lý bền vững (FSC).

UBND huyện Can Lộc và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên Huế) đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT, bên cạnh duy trì, phát triển sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm có thế mạnh, tỉnh sẽ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu gắn với chuyển đổi số nhằm mở rộng thị trường thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Các địa phương cũng cần tranh thủ lồng ghép các nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư các dự án mới, phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; khuyến khích ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm...

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh) toàn tỉnh ước đạt trên 13.828 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% so với 2021; giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích ước đạt trên 96 triệu đồng/ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 61,8 vạn tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% giá trị sản xuất nông nghiệp… Sản xuất lúa vụ xuân và hè thu đạt kết quả khá; trong đó, năng suất lúa vụ xuân đạt 55,99 tạ/ha; vụ hè thu đạt 50,27 tạ/ha; các cây trồng cạn, rau màu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch.

Đặc biệt, các mô hình dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất phát triển mạnh, cho hiệu quả rõ nét, tạo phong trào lan tỏa và được Nhân dân đồng tình cao. Đến nay, tổng diện tích dồn điền đổi thửa, tích tụ toàn tỉnh đạt trên 6.336 ha (tăng thêm trên 1.960 ha so với năm 2021).

Tình hình chăn nuôi cơ bản phát triển tốt, các địa phương đã kiểm soát an toàn các ổ dịch phát sinh, tăng tỷ lệ chăn nuôi lợn hình thức trang trại (trên 60% tổng đàn). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 55.000 tấn…

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói