Mặc dù diện tích không lớn nhưng nhờ tận dụng triệt để quỹ đất, khu vườn ông Hoàng Văn Hạnh ở thôn Hồ Vân Giang (xã Kỳ Đồng) vẫn cơ cấu được khá nhiều loại cây trồng có giá trị như: Đậu bắp, ớt cay cao sản, rau khoai lang siêu đọt và nhiều loại rau đậu khác.
Đặc biệt, có đầu ra ổn định nhờ thị trường của xã ven đô, hằng ngày, ông thu nhập đều đặn hàng trăm nghìn đồng từ mảnh vườn nhỏ này.
Khu vườn nhỏ của ông Hạnh có thu nhập thường xuyên với nhiều loại cây trồng
Ông Hạnh cho biết: “Sản xuất rau củ quả vụ đông nói chung ở đây thường gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, khi đưa vào sản xuất trong vườn, cây trồng phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn làm tập trung ngoài đồng, do thuận lợi trong việc chăm sóc và thu hoạch”.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Đồng cho biết: Những năm gần đây, cùng với phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, vườn hộ phát triển, sản xuất vụ đông của địa phương từng bước đem lại hiệu quả cao hơn.
Khoai lang siêu đọt là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân xã Kỳ Đồng trồng trong vườn nhà
Bên cạnh mở rộng diện tích sản xuất vụ đông tập trung, người dân đã biết kết hợp quy hoạch và trồng rau màu trong vườn nhà để nâng cao thu nhập. Đến thời điểm này, toàn xã xây dựng được 24 vườn mẫu; cải tạo 115 vườn hộ, trong đó có khoảng 10 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng, hàng chục mô hình cho thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/năm.
Bên cạnh phát triển mạnh diện tích vụ đông tại vườn nhà, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Chỉ hơn một sào đất, vườn nhà của ông Dương Xuân Lý (thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn) vẫn cho thu nhập thường xuyên với đa dạng các loại cây rau màu
Tại xã Kỳ Văn, sản xuất rau củ quả nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng đang được các chi hội phụ nữ phát triển với vai trò kết nối đầu ra của Hội Phụ nữ xã. 11 CLB “Nhà sạch, vườn đẹp” với hơn 400 thành viên tham gia đang tích cực xuống giống các lứa rau ngắn ngày.
“Sản xuất rau củ quả trong vườn nhà vừa có hiệu quả kinh tế lại vừa làm đẹp cảnh quan. Đặc biệt, nhờ có tổ chức hội phụ nữ quan tâm hướng dẫn, động viên và giúp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nên gia đình có thu nhập thường xuyên; sản phẩm không đủ bán” - ông Dương Xuân Lý ở thôn Đại Đồng (xã Kỳ Văn) phấn khởi chia sẻ.
Với điều kiện thời tiết “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lũ” như ở địa bàn huyện Kỳ Anh thì trồng rau trong nhà lưới, nhà màng là cách làm giúp người dân sản xuất thích ứng với điều kiện khí hậu, nhất là trong thời điểm thời tiết thất thường của vụ đông.
Người dân Kỳ Giang tận dụng diện tích vườn nhà để rau màu vụ đông
Từ 26 mô hình trong năm 2017, nhờ có chính sách hỗ trợ tích cực của huyện, đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng được 40 mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhà màng. Vụ đông trong điều kiện thời tiết không thuận lợi là thời điểm mà rau nhà lưới được thường đắt hàng, được giá.
Gia đình ông Cao Ngọc Đồng ở thôn Sơn Hải (Kỳ Khang) đầu tư sản xuất rau củ quả trong nhà màng. Với việc đảm bảo an toàn cho cây trồng khi mưa cũng như nắng, ngay từ đầu vụ đông này, gần 2 sào nhà màng của gia đình có thu nhập với các sản phẩm như: các loại rau củ quả, rau gia vị…
Mô hình trồng rau củ quả trong nhà màng của gia đình ông Cao Ngọc Đồng ở thôn Sơn Hải (Kỳ Khang)
Đến thời điểm này, toàn huyện Kỳ Anh có 235 vườn mẫu đạt chuẩn và hàng chục ngàn vườn hộ, trong đó phần lớn đã được cải tạo.
Theo ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, đây chính là nguồn tư liệu sản xuất quan trọng để huyện tiếp tục chỉ đạo phát triển cây rau màu hàng hóa, đặc biệt hỗ trợ sản xuất vụ đông hàng năm.
Hiện huyện Kỳ Anh có 40 mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhà màng
“Đến thời điểm sau tiết sương giáng, các vùng sản xuất tập trung trong vụ đông mới triển khai đại trà. Hiện nay, sản xuất vụ đông đang được động viên, khuyến khích ngay từ vườn nhà gắn với phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển vườn hộ, xây dựng vườn mẫu rộng khắp trên toàn huyện nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân” - Trưởng phòng NN&PTNT Lê Văn Trọng khẳng định.