Sáng 20/8: 6 tỉnh, thành phố 14 ngày không có ca mắc mới

Đến sáng 20/8, Việt Nam đã ghi nhận 312.611 ca COVID-19, trong đó 120.059 bệnh nhân đã khỏi. Có 6 tỉnh, thành phố đã 14 ngày không có ca mắc mới. Tại TP Hồ Chí Minh có hơn 1.900 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 308.559 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 06/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình.

+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc COVID-19 cao là TP Hồ Chí Minh (164.542), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Bắc Giang (5.802).

Sáng 20/8: 6 tỉnh, thành phố 14 ngày không có ca mắc mới

Bác sỹ nỗ lực điều trị bệnh nhân COVID-19

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- 5.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 19/8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 120.059 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 660 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 19/8 là 7.150 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 201.443 xét nghiệm cho 643.418 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.878.290 mẫu cho 25.762.113 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Trong ngày 18/8 có 398.031 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.922.537 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.359.868 liều, tiêm mũi 2 là 1.562.669 liều

Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận khoảng 210,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,4 triệu người tử vong.

Đến thời điểm hiện tại, hơn 188,4 triệu người đã bình phục, hơn 17,5 triệu người vẫn đang được điều trị, trong đó gần 109 nghìn ca bệnh nặng.

Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, chiếm 1/5 số ca nhiễm (hơn 38 triệu ca) và 1/7 số ca tử vong (hơn 641.000 ca). Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện đã hơn 571.000 ca, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với hơn 32,3 triệu ca.

Châu Á đã vượt xa các khu vực khác về số ca nhiễm, hiện gần 67 triệu ca. Châu Âu đứng thứ hai đang có hơn 53,7 triệu ca.

Con số này của Bắc Mỹ là 45,5 triệu và Nam Mỹ là 36,4 triệu ca. Số ca tử vong của châu Á cũng đã vượt Bắc Mỹ, hiện lên tới hơn 982.000 ca trong khi Bắc Mỹ là hơn 966.000 ca.

Tuy nhiên, châu Âu và Nam Mỹ đứng đầu thế giới về số ca tử vong, lần lượt là 1,15 triệu ca và 1,11 triệu ca.

Thai phụ khỏi COVID-19 sau gần một tháng nguy kịch

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân L.T.H., 23 tuổi, trú tại Diễn Châu, Nghệ An là nhân viên y tế làm việc tại TP Hồ Chí Minh, trở về quê tại Nghệ An và được cách ly ở trạm y tế địa phương.

Ngày 19/7, H. xuất hiện triệu chứng sốt 38,5 độ C, khó thở, ho tăng dần và đau mỏi người. Kết quả xét nghiệm của chị dương tính với SARS-CoV-2. Khi đó, chi H. đang mang thai 36 tuần và phải điều trị đái tháo đường thai kỳ.

Sau khi được chuyển tới bệnh viện tuyến cơ sở điều trị, bệnh nhân tiếp tục khó thở, được mổ lấy thai và cho thở oxy kính, kháng sinh, chống viêm, chống đông máu.

Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của chị vẫn diễn biến nặng dần, phải thở oxy dòng cao (HFNC) và chuyển tới khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).

Một ngày sau, bệnh nhân bị tụt huyết áp, suy tuần hoàn. Chị được đặt catheter động mạch và theo dõi sát sao.

Tới ngày 29/7, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển rõ rệt, chỉ số chức năng phổi tăng, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Các bác sĩ quyết định rút ống nội khí quản, bỏ máy thở và cho bệnh nhân thở oxy kính.

Tuy nhiên, ngày 30/7, H. lại đột ngột có biểu hiện suy hô hấp, đau tức ngực và may mắn được cấp cứu kịp thời. Ngay sau đó, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính ngực để tìm nguyên nhân. Sau khi thăm khám, H. được chỉ định điều trị theo hướng tắc mạch phổi.

Ngày 8/8, bệnh nhân tự thở tốt, cơ lực khá, toàn trạng ổn định. H. cũng được ngừng thở oxy kính và tích cực vận động, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng, nâng cao thể trạng.

Đến ngày 19/8, sau 26 ngày chăm sóc tích cực, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định và được xuất viện.

TP Hồ Chí Minh có hơn 1.900 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19

Tính đến 19/8, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 33.202 người, trong đó có 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi (5,8%), 2.302 bệnh nhân nặng đang thở máy (6,9%) và có 16 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.

Trước đó, ngày 17/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ra công văn khẩn số 5722 về việc tiếp nhận, chăm sóc, đảm bảo an toàn trong điều trị đối với trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 .

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể được hướng dẫn cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện theo quy định.

Nếu người bệnh không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ liên hệ chuyển đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 (do Bệnh viện Nhi đồng thành phố phụ trách), Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 11 (do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách) hoặc Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách).

Đối với trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 có diễn tiến nặng sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố hoặc Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Công bố 98 cơ sở y tế trực cấp cứu 24/7 trong tuần tại Bình Dương

Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 1899/SYT-NVY yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh phải mở cửa cấp cứu 24 giờ/7 ngày trong tuần.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu, điều trị cho dù là người mắc COVID-19 hoặc không mắc. Qua đó, bảo đảm trực cấp cứu theo đúng quy định, trong đó nhân viên trực cấp cứu mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ trong suốt ca trực.

Đặc biệt, Sở Y tế Bình Dương đề nghị các đơn vị không được yêu cầu người bệnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hay dương tính mới tiếp nhận bệnh nhân. Tất cả các bệnh viện dành ít nhất 40% giường bệnh để thu dung, quản lý điều trị COVID-19 khi dịch lan rộng.

Các bệnh viện chuyển đổi công năng một phần theo mô hình bệnh viện tách đôi phải có buồng cấp cứu sàng lọc COVID-19. Về quy trình sau tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân, nếu kiểm tra xác định ca bệnh mắc COVID-19 sẽ chuyển sang khu cách ly, điều trị COVID-19. Trường hợp người bệnh thông thường cần chuyển sang khu điều trị dành cho bệnh thông thường.

Theo SKĐS

Đọc thêm

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.