Sẽ còn mãi, ca trù…

(Baohatinh.vn) - Cô bạn nhà văn đã thốt lên như thế khi theo tôi đến gặp những ca nương, kép đàn trên miền đất hát Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đó là một buổi chiều mùa đông nắng đượm, tiếng hát vang lên trong từng khúc cầm phổ, dìu dặt, khoan thai rồi đổ dồn, níu kéo, da diết… như tiếng gọi từ quá vãng vàng son của ca trù…

Đã bao nhiêu năm rồi, mỗi lần tôi trở lại đi nghe hát ca trù, vẫn gặp chừng ấy gương mặt. Thế nhưng, người ca nương không chỉ ca chừng ấy bài hát, cũng không chỉ cất lên tiếng hát của mình bằng cảm xúc cũ.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Những nghệ nhân ca trù hát bằng chính niềm say mê trong trẻo thuở ban đầu, hát bằng niềm tin rằng ca trù sẽ mãi mãi được lưu giữ, bảo tồn, được phát huy trong đời sống.

Tôi nhớ lần đầu tiên, khi tôi theo chân họ đến từng lớp học hát của những nghệ nhân thời giáo phường Ty Cổ Đạm (nhà Nguyễn), lúc ấy, họ hát bằng tất cả niềm say mê trong trẻo. Sau này, khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, họ đã hát không chỉ bằng niềm đam mê mà còn bằng trách nhiệm với tiền nhân. Và bây giờ, khi ca trù đã qua giai đoạn được quan tâm “sục sôi”, họ vẫn lặng lẽ hát, hát bằng chính niềm say mê trong trẻo thuở ban đầu, hát bằng niềm tin rằng ca trù sẽ mãi mãi được lưu giữ, bảo tồn, được phát huy trong đời sống.

- Em còn nhớ chị không?

Khi tôi đang loay hoay tìm khung cảnh để ghi lại hình ảnh chiếu hát của các ca nương thì một giọng nói thanh thoát cất lên từ phía sau. Tôi ngoảnh lại nhìn: Chị Xanh!

- Em nhớ chứ, chị là nhân vật trong nhiều bài viết của em, từng đưa em đi đến nhà các cố nghệ nhân ở làng Cổ Đạm, từng mang về bao nhiêu huy chương danh giá cho ca trù Hà Tĩnh, sao em có thể quên được.

- Năm đó, khổ quá, chị phải đi xuất khẩu lao động, sang đó, ngày đi làm thì thôi chứ đêm về là chị lại nhớ nhà, nhớ chiếu hát cùng những nông dân trong làng.

- Chị về lâu chưa ạ?

- Chị về 3 năm rồi, về nước là chị đi hát trở lại!

Tôi bất giác giật mình, 3 năm rồi, mình mới có dịp trở lại với các chiếu hát ca trù trên mảnh đất Nghi Xuân…

“Non xanh xanh, nước xanh xanh/ Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa/ Ấy ai tháng đợi năm chờ/ Mà người ngày ấy bây giờ là đây!” - chị Xanh khẽ cất tiếng hát, một bài hát chị đã từng hát trên nhiều sân khấu lớn nhỏ. Thời gian không làm phai phôi những tuyệt kỹ ca trù mà chị đã học được, ngược lại, lại tô đậm thêm sự sang trọng trong làn hơi, sự điêu luyện khi đổ hột, ngân rung, luyến láy, làm cho lời hát trở nên tinh tế và biểu cảm cao hơn.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Nghệ nhân Dương Thị Xanh và chồng là kép đàn Trần Văn Đài luôn nuôi dưỡng niềm đam mê để gắn bó với ca trù.

Chị Dương Thị Xanh là một trong những ca nương đầu tiên trong phong trào khôi phục ca trù Cổ Đạm. Chị cùng chồng là kép đàn Trần Văn Đài và các ca nương, kép đàn khác ở Nghi Xuân từng bước đưa các làn điệu ca trù từ các cố nghệ nhân còn sót lại ở làng Cổ Đạm; diễn xướng các thể cách đó trên sân khấu và làm cho nhiều người biết đến các chiếu hát, hiểu hơn về di sản của cha ông. Họ cứ hát say mê như thế, trách nhiệm như thế, khó khăn quá thì tìm thêm việc khác kiếm sống…

- Không mấy ai mà từ bỏ rồi lại quay trở lại như chị Xanh đâu em, cũng không mấy ai bền bỉ với ca trù như các nghệ nhân Thùy Vân, Văn Đài, Thanh Tuấn… đâu em!

Một tiếng nói vang lên từ ngoài cổng đền Nguyễn Công Trứ khi tôi đang trò chuyện cùng vợ chồng anh Trần Văn Đài. Hóa ra là chị Trần Thị Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân. Chị Cảnh cũng là một trong những người gắn bó lâu dài, bền bỉ nhất với ca trù Nghi Xuân. Trong vai trò của mình, chị là một trong những người tâm huyết, đóng góp nhiều công sức để giúp ca trù được khôi phục và phát huy trong đời sống!

Sẽ còn mãi, ca trù…

Cổ Đạm xưa có cả giáo phường ca trù, Cổ Đạm nay vẫn còn đó những đào nương chân lấm tay bùn, ngày cày cấy trên ruộng đồng bờ bãi, tối lại quây quần hát cho nhau nghe và truyền dạy cho con cháu trong làng.

- Chế độ cho những ca nương, kép đàn ở các CLB bây giờ như thế nào chị? - Tôi hỏi

- Ngoài những người thuộc biên chế của Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện, hiện nay, các ca nương, kép đàn hợp đồng được trả mỗi tháng 1.490.000 đồng/người, còn các thành viên khác của CLB thì sinh hoạt bằng niềm đam mê và trách nhiệm thôi em - chị Cảnh cho hay.

Tôi lặng người nhìn lên mái ngói thâm nâu huyền hoặc trong màn sương chiều buông. Tôi nhớ đến những hình ảnh ca trù thời hoàng kim trong quá khứ. Bao nhiêu đào nương, kép đàn đã từng được vời vào cung biểu diễn phục vụ vua chúa, đã từng là nguồn cơn sáng tạo cho bao văn nhân tài hoa…

Cổ Đạm xưa có cả giáo phường ca trù, Cổ Đạm nay vẫn còn đó những đào nương chân lấm tay bùn, ngày cày cấy trên ruộng đồng bờ bãi, tối lại quây quần hát cho nhau nghe và truyền dạy cho con cháu trong làng. Tất cả họ đều không coi việc hát ca trù là nghề kiếm sống nên việc có thu nhập hay không có thu nhập từ chiếu hát đối với họ không mấy quan trọng. Thường xuyên, mỗi CLB đều có 8-10 người tham gia sinh hoạt và các thành viên là lao động tự do đều tự tìm cách mưu sinh để trang trải cuộc sống, nuôi dưỡng niềm đam mê đó.

- Có lẽ ca trù là nghiệp và cũng là sứ mệnh mà tiền nhân trao gửi cho chúng tôi. Vì thế, dẫu còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn luôn động viên nhau cố gắng. Không chỉ thực hành các thể cách, chúng tôi còn dày công sưu tầm, khôi phục các thể cách khó của ca trù rồi truyền dạy cho các thế hệ trẻ - ca nương Đặng Thị Thùy Vân tâm sự.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Các nghệ nhân Đặng Thị Thùy Vân (bên trái) và Dương Thị Xanh thuộc thế hệ ca nương đầu tiên trong phong trào khôi phục ca trù Cổ Đạm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, hoạt động của các CLB ca trù có được quan tâm hơn trước, mỗi năm, mỗi CLB đều có 30 triệu kinh phí hoạt động từ Nghị quyết 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo). Nhờ đó, sênh phách hư hỏng đã được thay mới, trang phục cho các nghệ nhân cũng mới được mua sắm, các hoạt động truyền dạy có thêm kinh phí trang trải.

- Phách trong ca trù có vai trò như thế nào ạ? - bạn tôi bất giác hỏi nghệ nhân Dương Thị Xanh.

- Để hát được ca trù, trước hết, ca nương phải thuần thục 5 khổ phách. Các khổ phách đó nghe thì đơn giản nhưng nó được ví như một lực cân bằng bên ngoài nhằm giữ nhịp cho tiếng hát của ca nương. Hơn thế nữa, khi ca nương đạt đến độ điêu luyện còn sử dụng phách một cách biến hóa, sáng tạo, khiến cho nhịp phách tựa như tiếng hát phụ, làm bật lên giọng hát chính của ca nương - chị Xanh nói rồi cầm tay bạn tôi dạy cách gõ phách.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Các nghệ nhân ca trù hướng dẫn khách nghe hát cách gõ phách.

- Vậy các nghệ nhân có thường xuyên biểu diễn ở các sự kiện không? - bạn tôi vừa cầm phách gõ vừa quay sang hỏi chị Cảnh.

- Thời gian qua, nhằm tạo động lực cho các nghệ nhân, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện cũng đã nỗ lực kết nối với các hoạt động du lịch, các sự kiện trên địa bàn để đưa các tiết mục ca trù vào biểu diễn. Tuy thu nhập không đáng kể nhưng những “sân chơi” đó phần nào khẳng định sức sống của ca trù. Hy vọng, trong tương lai du lịch trải nghiệm được khai thác sâu hơn, ca trù sẽ trở thành một thành phần của các tour du lịch trên địa bàn.

** *

“Năm ngoái, liên hoan ca trù do huyện tổ chức đã thu hút hơn 80 gương mặt tham gia, trong đó, xuất hiện thêm nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng và có nhiều cháu đã sinh hoạt thường xuyên ở CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ như Phan Thị Trâm, Lê Thị Hồng Hạnh, quan viên nhí Phùng Anh Nguyên… Đó là điều chúng tôi rất mừng và là động lực để chúng tôi gắn bó bền bỉ hơn với các chiếu hát”, anh Bùi Thanh Tuấn - Chủ nhiệm CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ nói với tôi khi đang sửa soạn trải chiếu để mở cuộc hát buổi chiều trên sân đền Nguyễn Công Trứ.

“Tùng chi tùng chi tiến phẩm tân kỳ, lan quế huệ trương, nguyện nhất chi, nhất chi, nhất chi…” - tiếng hát cất lên, ngay lập tức tiếng đàn, tiếng trống chầu hòa thanh hưởng ứng.

Tôi nhìn gương mặt có phần cương nghị của kép đàn Trần Văn Đài mà nghĩ về những ngày anh vất vả tìm thầy học đàn đáy. Loại nhạc cụ chỉ có duy nhất ở Việt Nam này có thanh âm trầm đục, sâu lắng mà nền nã, chỉ có 3 dây thôi mà học mãi mới thành.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Đàn đáy là loại nhạc cụ chỉ có duy nhất ở Việt Nam, đàn có 3 dây với thanh âm trầm đục, sâu lắng mà nền nã.

Bây giờ anh Đài đã trở thành kép đàn xuất sắc với những ngón nghề điêu luyện. Người nghe ca trù tinh thông sẽ nhận biết được rất rõ điều này, bởi anh không chỉ theo từng hơi, từng chữ, từng hồi đổ hột của ca nương mà trong những “cơn lên đồng” trên sân khấu, tiếng đàn của anh còn tách ra, “via” trước mở đường dẫn lối cho tiếng ca, có khi “lẩy” một khúc dài rồi chờ đợi, tạo ra khoảng “lưu không” để cho đào nương thả sức ngân rung, đổ hột hoặc nghỉ hơi trong những thể cách dài.

Chiều đông trên sân đền Nguyễn Công Trứ, các thể cách ca trù như liêu trai hơn, tưởng như bao nhiêu suối nguồn dân tộc tuôn chảy trong từng hồi đổ hột, trong từng tiếng phách giòn tan, trong những ngón đàn điêu luyện, trong từng tiếng chầu dứt khoát mà đầy say mê… Giữa thanh âm đó, nhọc nhằn của cuộc sống cũng như được phủ lấp.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Với các ca nương, tiếng trống chầu cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cảm xúc trong giọng hát.

Ca trù tuy đang gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cùng nhịp sống đương đại nhưng tôi tin, với tâm huyết, với trách nhiệm của các nghệ nhân, không chỉ ngày càng có nhiều thể cách ca trù được khôi phục, thực hành mà công tác truyền dạy, biểu diễn cũng sẽ tìm được những hình thức phù hợp, hiệu quả hơn. Để rồi, trong nhịp đời mới, những tuyệt kỹ ca trù qua cách ngân rung, đổ hột của ca nương, qua tiếng lia, tiếng vẩy trầm đục, ấm áp của kép đàn, qua thanh âm giòn sắc của sênh phách và tiếng tán dương tom chát của trống chầu vẫn còn vang mãi... Như lời bạn tôi đã thốt lên như vậy trong phút đầu gặp gỡ những nghệ nhân ca trù trên sân đền thờ Uy Viễn Tướng công.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!