Sẽ triển khai dự án cảng hàng không Long Thành thận trọng, minh bạch

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời các câu hỏi của đại biểu về dự án bồi thường, tái định cư CHK Long Thành.

se trien khai du an cang hang khong long thanh than trong minh bach

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời các câu hỏi của đại biểu về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Xây Long Thành là đòi hỏi rất cấp thiết

Phát biểu giải trình các câu hỏi và góp ý của đại biểu Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành sáng nay (13/11), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: "Trong buổi thảo luận Tổ, có rất nhiều ý kiến ĐBQH đề xuất các giải pháp để thực hiện dự án tốt hơn. Thông qua các ý kiến của 19 tổ đại biểu, Ban soạn thảo đã tiếp thu và giải trình toàn bộ 73 vấn đề".

“Hôm nay, trong phiên thảo luận tại Hội trường, có thêm 18 ý kiến của ĐBQH. Điều này cho thấy các ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao với dân, với dự án”- Bộ trưởng nói và nhấn mạnh 18 ý kiến đều thống nhất cao rằng đây là dự án bức xúc, cấp bách, quan trọng quốc gia cần nhanh chóng triển khai. Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ, rà soát từng vấn đề để giải trình cụ thể tới các đoàn ĐBQH.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng. Vào những ngày cao điểm, giờ cao điểm, sân bay này thường xuyên ùn tắc, không chỉ trên trời mà cả dưới đất, không chỉ trong sân bay mà còn ùn tắc trầm trọng ở hệ thống giao thông tiếp cận. Việc hỗ trợ, nâng cấp sân bay giúp Tân Sơn Nhất thực hiện sứ mệnh lịch sử cũng hết sức khó khăn.

“Nếu chúng ta thực hiện tốt thì cũng phải đến năm 2025 mới có thể đưa giai đoạn 1 CHK Long Thành vào khai thác. Điều này cũng có nghĩa là trong 8 năm tới, ngành GTVT và UBND TP.HCM sẽ phải rất khó khăn để giải quyết những vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất.

Vì sao không bố trí 15 nghìn tỷ cho dự án CHK Long Thành?

Liên quan đến vấn đề vốn, có ý kiến cho rằng việc đề xuất bố trí 15 nghìn tỷ đồng (trong số 80 nghìn tỷ đồng bố trí cho các dự án trọng điểm quốc gia chưa được giải ngân) cho 4 dự án của ngành đường sắt và các dự án của đường bộ bị đình, giãn hoãn là chưa hợp lý đồng thời đề nghị chuyển số vốn này cho dự án sân bay Long Thành.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, vốn trung hạn nhiệm kỳ này tập trung chủ yếu vào đường cao tốc nên đường sắt và một số công trình đường bộ dở dang không phải cao tốc đang gặp rất nhiều khó khăn.

Có công trình đã có cầu mà chưa có đường, nếu không bố trí vốn làm trong nhiệm kỳ này sẽ dẫn đến lãng phí cũng như gây bức xúc cho người dân. Do đó Chính phủ mới đề xuất bố trí nguồn vốn thực hiện 10 công trình quốc lộ đang bức xúc. Cũng như vậy, đường sắt Bắc – Nam là tuyến huyết mạch nhưng hiện có 4 công trình cầu yếu, cần phải sửa chữa, nâng cấp nếu xảy ra sự cố thì hết sức khó khăn.

“Riêng cơn bão số 12, tại Phú Yên đã sạt lở một đoạn dài 35m, sâu 30m, rộng 10m. Chúng ta đã tốn hơn 100 tỷ để khắc phục mà đến thời điểm này vẫn chưa xong. Tuyến đường sắt Bắc – Nam dù lạc hậu nhưng vẫn là thế mạnh của chúng ta, nếu đường sắt có vấn đề thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế”, Bộ trưởng chia sẻ. Ông nói thêm: "Đường cao tốc chúng ta làm chưa xong, vẫn có thể phát huy hiệu quả được một số đoạn. Nhưng đường sắt mà tắc, dự án đường bộ dở dang mà để kéo dài thì bức xúc xã hội rất lớn".

“Với 15 nghìn tỷ này, nếu Chính phủ sử dụng không đúng mục đích, mục tiêu sẽ có Quốc hội giám sát, đoàn đại biểu, nhân dân giám sát. Để hài hoà phát triển vận tải, rất mong QH đồng ý với đề xuất của Chính phủ”, Bộ trưởng đề nghị.

Có cơ chế đặc thù mới giải quyết được cơ chế, chính sách cho dân

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong đó có cơ chế đặc thù như Chính phủ trình.

“Có cơ chế đặc thù này, việc đền bù GPMB, thực hiện chế độ chính sách cho người dân mới đúng”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị trong Nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ thực hiện những công việc còn lại như quy mô đầu tư, những vấn đề liên quan đến thủ tục, chuyên ngành…

“Chúng tôi xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều hộ dân nên sẽ rất thận trọng khi làm. Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc sẽ thực hiện, lên phương án triển khai sao cho công khai minh bạch” – Bộ trưởng nói đồng thời bày tỏ niềm tin vào kinh nghiệm GPMB của UBND tỉnh Đồng Nai.

Theo Báo Giao Thông

Đọc thêm

“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

2024 tiếp tục là năm thắng lợi của Hà Tĩnh khi được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tin tưởng “rót vốn” đầu tư các dự án quy mô lớn. 22 dự án có tổng vốn gần 25.000 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư là “cú hích” tạo niềm tin và động lực tăng trưởng bền vững cho tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.