Hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, đức tính trung thực và liêm khiết của Bác Hồ luôn được ngành KBNN Hà Tĩnh chú trọng giáo dục đến cán bộ toàn ngành. Đặc biệt đối với đội ngũ làm công tác kiểm ngân kho quỹ, thường xuyên phải tiếp xúc với tiền mặt thì đức tính đó phải đi sâu vào ý thức và hành động cụ thể.
Thường xuyên phải tiếp xúc với tiền mặt, cán bộ kiểm ngân của KBNN luôn trau dồi đức tính trung thực
Trả lại những món tiền thừa, dù ít, dù nhiều được cán bộ kiểm ngân KBNN Hà Tĩnh xem như là một nhiệm vụ chuyên môn. Với các anh chị, điều này cũng chỉ là một “việc tử tế” trong vô vàn các “việc tử tế” luôn tồn tại trong cuộc sống. Thế nên, cán bộ kiểm ngân rất ngại nói về mình, về công việc khi “trách nhiệm của cán bộ kiểm ngân là phải mắt sáng, lòng trong và bàn tay sạch".
Những món tiền khách nộp thừa so với bảng kê chỉ vài ba triệu đồng, nhưng cũng có khi ở mức hàng trăm triệu đều có thể nằm gọn trong túi của cán bộ kho quỹ mà khách hàng không hề hay biết, hoặc sẽ khó biết phải tìm từ đâu bởi các chứng từ sổ sách đều ăn khớp. Thế nhưng, theo thống kê của KBNN Hà Tĩnh, trong suốt 5 năm qua (2015 -2019), cán bộ kiểm ngân toàn hệ thống đã trả lại 210 món tiền thừa cho khách hàng, với số tiền gần 675 triệu đồng.
Từ 2016 đến nay, chị Hoàng Thị Huệ (cán bộ thủ quỹ, kiểm ngân KBNN Can Lộc) đã trả lại 4 món tiền thừa cho khách hàng với số tiền 121 triệu đồng.
Từ năm 2016 đến nay, chị Hoàng Thị Huệ (cán bộ thủ quỹ, kiểm ngân KBNN Can Lộc) đã trả lại 4 món tiền thừa cho khách hàng với số tiền 121 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2016, chị đã trả lại cho một cán bộ thủ quỹ xã trên địa bàn huyện số tiền 100 triệu đồng.
Vẫn nhớ như in buổi chiều hôm ấy, chị Huệ kể: Món tiền mà anh thủ quỹ xã lên nộp chỉ có trị giá 210 triệu đồng nhưng lại nộp dư đến 100 triệu với hai xếp tiền 500 nghìn đồng. Lúc nhận tiền, chị đếm đi đếm lại nhiều lần vì không nghĩ khách hàng có thể nộp thừa số tiền lớn như vậy. Sau khi bình tâm để kiểm tra chính xác, chị trao đổi với khách hàng để họ kiểm tra lại và liên hệ với ban lãnh đạo để chứng kiến, xử lý sự việc.
“Đặt mình ở vị trí của người nộp thừa để thấy rằng, họ mất tiền cũng như mình mất, mình đau khổ như thế nào thì người khác cũng thế. Đấy là còn chưa kể đến việc tiền đó là tiền của ngân sách nên chắc chắn người nộp thừa sẽ phải đền, vậy là sẽ ảnh hưởng đến công việc và kinh tế của cả một gia đình” – chị Huệ trải lòng.
Hình ảnh người cán bộ “tay hòm chìa khóa” gần gũi, thân thiện luôn được chú trọng xây dựng trong toàn hệ thống.
Chị Huệ nhớ lại: Lúc đó anh ấy chỉ chực khóc, anh nói rằng, nếu làm mất tiền chắc phải bán trâu, bán bò để đền cho cơ quan. Sau này, có mấy món chị cũng trả lại, dù nhỏ hơn, có khi 5 triệu, khi 10 triệu đồng nhưng lần nào cũng thế, những lời cảm ơn gan ruột của khách hàng là niềm vui vô bờ để thấy rằng, mình đã làm được việc ý nghĩa đến cho người khác."
Bên cạnh chị Hoàng Thị Huệ, KBNN Hà Tĩnh cũng xuất hiện nhiều nhân tố điển hình trong phong trào “Người cán bộ kiểm ngân liêm khiết” như chị Trần Thị Thu Thơm (KBNN tỉnh), chị Trần Thị Lam Hồng (KBNN Đức Thọ), anh Nguyễn Quốc Thịnh (KBNN Hương Khê)…
Dù công việc chỉ có quẩn quanh với thu, chi, con số, nhưng cũng chính ở đó họ tìm được niềm vui...
“Ngồi trên tiền, ăn trên tiền mà lòng không nghĩ đến chuyện tơ hào”, “Sống giữa bạc tiền mà lòng không vướng gợn…” những câu hát ấy được các cán bộ đảm nhận trọng trách “tay hòm chìa khóa” của KBNN Hà Tĩnh thuộc nằm lòng để làm “kim chỉ nam” trong hoạt động chuyên môn. Dù công việc chỉ có quẩn quanh với thu, chi, con số, nhưng cũng chính ở đó họ tìm được niềm vui để làm đẹp thêm hình ảnh người cán bộ kiểm ngân liêm khiết.