Đừng mang ưu phiền về cho mẹ

(Baohatinh.vn) - Tôi ngồi bên hàng hiên của một cái quán cafe cóc quen thuộc nghe bài hát “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu: “Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè. Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về” mà cay cay khóe mắt.

Đừng mang ưu phiền về cho mẹ

Tôi càng nhận ra bao nhiêu tiền cũng không đủ để mua lại một ngày thơ bé sau xe cha rong ruổi mỗi chiều… (ảnh minh họa từ internet).

Giữa những ngày này lòng ngổn ngang nỗi buồn, tôi không muốn về lại ngôi nhà của mình vì sợ phải chạm vào cả những đủ đầy xưa cũ. Thời gian đã cuốn đi rất nhiều thứ để đến bây giờ khi ba mẹ tôi đã già, tôi càng nhận ra mình càng dễ dàng yếu đuối. Tôi càng nhận ra bao nhiêu tiền cũng không đủ để mua lại một ngày thơ bé bên nồi bánh mẹ nấu hay sau xe cha rong ruổi mỗi chiều…

Chúng tôi đã cùng sống trong căn nhà thơ ấu của mình cho đến khi đi lấy chồng, mẹ tôi vẫn giữ lại tất cả những đồ đạc của từng phòng vẹn nguyên như cũ. Phòng chị cả, phòng em út gọn ghẽ gần như chỉ có một cái bàn học và giường ngủ. Phòng tôi lắm sách vở, quần áo lại là nỗi lo của mẹ nhiều hơn vì sợ lâu ngày lũ mối mọt nên thi thoảng mẹ lại lên nằm cho có hơi người.

Từ ngày ba tôi đau, căn nhà như lạnh hơn. Chúng tôi ở viện nhiều hơn ở nhà. Lúc đầu bỡ ngỡ, riết rồi quen, lâu dần tôi nhận ra, rốt cuộc chính ba mẹ mới là ngôi nhà của chúng tôi. Ba mẹ ở đâu là ngôi nhà của chúng tôi ở đó, luôn muốn về đó, cho dù đó là một nơi tận cùng của nỗi sợ hãi và ám mùi ê te và chất khử khuẩn.

Ba tôi bị K. Khối K thực quản đang ngày ngày gặm nhấm sức khỏe của ba một cách đau đớn. Ai đã từng trải qua những ngày lao đao vì có người nhà bị bệnh này rồi mới hiểu được tận cùng nỗi khổ của những ngày sống vật vờ hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Người bệnh khổ đã đành, người chăm càng trăm nỗi khổ, hàng vạn nỗi lo không bao giờ ngon giấc. Hôm nào ít bệnh nhân còn đỡ, mẹ được kê một chiếc giường xếp ngủ cạnh giường ba, còn đa phần, tấm trải lót giữa nền nhà lạnh lẽo là nơi mẹ thường đặt lưng nằm xuống.

Đừng mang ưu phiền về cho mẹ

Mẹ chỉ muốn chúng tôi có một cuộc đời bình lặng, an nhiên… và đừng mang ưu phiền đến cho người. (ảnh minh họa từ internet).

Mẹ tôi chả bao giờ kêu la một lời. Có kêu cũng chỉ là giọng điệu đầy lo lắng cho ba tôi mỗi đêm cơn đau làm thức giấc. Mỗi lần chúng tôi bận việc không vào được, gọi điện mẹ lại hỏi ngược mọi điều ở nhà xem chúng tôi có ổn không, lũ trẻ có được ăn uống đủ chất khi không có bà ở nhà hay không, rồi lại chỉ “kết luận”: “Mẹ là mẹ lo mi nhất, trở trời trái gió là ốm” hay “Bây cứ lo việc đi. Ba ổn, mẹ ổn”.

Tôi đã tự hỏi lòng mình: Có bao giờ mẹ tôi không ổn không? Câu hỏi đó chỉ thực sự cho tôi câu trả lời chính xác nhất khi tôi được trải nghiệm một ngày sống ở bệnh viện thay mẹ. Ba tôi dường như cả đêm không ngủ. Cơn mê sảng và sốt vật vã khiến tôi ngồi cạnh bên cả đêm, lưng đau nhừ, đến khi rón rén đến để nằm trên chiếc giường xếp võng lên võng xuống tôi mới thấy thèm những ngày chăn êm nệm ấm. Nằm trên chiếc giường xếp này như nằm trên một chiếc võng gai đu đưa chòng chành mỗi khi trở mình… Và bữa ăn nguội ngắt tạm bợ trong chiếc hộp giấy nhờ người ta mua hộ lúc xế trưa đã làm tôi tủi thân bật khóc. Tôi chỉ mới trải qua một ngày mà đã thấy mình như bị vắt kiệt hết sức lực đến nỗi không chịu đựng nổi.

Ấy vậy mà mẹ tôi đã trường kỳ theo ba tôi trong hành trình giành giật sự sống đầy gian nan trong suốt một năm qua từ Nam ra Bắc. Mẹ đã ngủ bao nhiêu đêm vật vờ như thế, đã ăn không biết bao nhiêu bữa trong nỗi cô đơn nơi xứ lạ, đã phải một mình chăm ba tôi và làm rào chắn đỡ cho những câu chặc lưỡi: “Ủa thế nhà này không có con à?”, “Ôi giời! Rồi cũng chỉ có ông bà chèo kéo với nhau mà thôi, như nhà tôi đây này, trai gái đủ cả, ấy vậy mà rồi cũng chỉ còn ông và bà”, rằng: “Không không, con tôi đứa nào nó cũng thương ba nó hết trơn á, gọi suốt, nhưng công chức Nhà nước, bao việc… mình còn sức thì tránh làm phiền con, còn gắng thay chúng được ngày nào hay ngày đó cho chúng yên tâm công tác…”.

Tôi lặng lẽ khóc. Có điều gì giấu kín đằng sau con người bé nhỏ và mạnh mẽ của mẹ nếu không phải vì chúng tôi. Vì chúng tôi mà mẹ phải giấu hết cả mọi tâm tư của mình. Mẹ chưa bao giờ nói mình mệt, chưa bao giờ nói tủi thân, cũng chưa bao giờ nói mình hết hy vọng về sự hồi sinh kỳ diệu của ba để gia đình còn đoàn tụ. Lạc quan là thế (có ai nhận ra nỗi buồn đầy nước mắt của mẹ?).

Ai cũng bảo chúng tôi chỉ cần học mẹ lạc quan, học mẹ để mạnh mẽ đối mặt với mọi việc trong cuộc sống… thế nhưng, có một sự thật rằng: mẹ tôi mãi mãi không muốn chúng tôi phải gồng mình lên như mẹ, phải kiên cường như mẹ, phải mang một gánh nặng sứ mệnh trên vai như mẹ… mẹ chỉ muốn chúng tôi có một cuộc đời bình lặng, an nhiên… và đừng mang ưu phiền đến cho người.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast