Tết ông Công, ông Táo trong tâm thức người Việt

(Baohatinh.vn) - Lễ cúng ông Công, ông Táo (hay còn gọi là tết Táo quân) từ lâu đã trở thành một tục lệ, một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Tiễn ông Táo về chầu trời, người dân gửi gắm nhiều điều ước vọng để đón một năm mới bình an, hạnh phúc.

Có nhiều câu chuyện kể về tục cúng ông Công, ông Táo nhưng có lẽ trong tâm thức của người Việt, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là vị thần trông coi chuyện bếp núc.

Tết ông Công, ông Táo trong tâm thức người Việt

Người Việt quan niệm, ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, Táo quân sẽ lên Thiên đình báo cáo mọi việc của gia chủ trong năm. Ảnh: internet

Đây là những vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi, ghi chép những việc diễn ra trong năm và đến ngày 23 tháng Chạp, các thần sẽ cưỡi cá chép lên chầu thiên đình, báo cáo công việc của gia chủ. Cũng vì quan niệm đó mà với người Việt, ông Công, ông Táo là những vị thần định đoạt điềm may, điềm rủi cho gia đình. Lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm đã trở thành một nghi thức không thể thiếu của phần lớn các gia đình người Việt.

Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và phong tục của từng vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo sẽ được tổ chức theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều mang một sự tôn kính, trang trọng và thể hiện được lòng thành của gia chủ.

Tết ông Công, ông Táo trong tâm thức người Việt

Ngoài lễ vật hương hoa, mâm cúng Táo quân thường có các món ăn truyền thống như xôi gà, chả nem...

Thông thường, mâm lễ cúng tiễn các vị thần về chầu thiên đình sẽ có hương thơm, nến, vàng mã, hoa tươi, mâm ngũ quả. Gia đình nào có điều kiện thì có thể chuẩn bị mâm lễ mặn, mâm chay với đầy đủ xôi, gà, nem giò, canh măng miến...

Và để chuẩn bị “phương tiện” đi lại cho các vị thần, người dân cũng không quên cúng lễ vật mô phỏng hình cá chép hoặc phóng sinh cá chép. Phóng sinh cá chép ngày tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn thể hiện sự từ bi, hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Tết ông Công, ông Táo trong tâm thức người Việt

Người dân thường phóng sinh cá chép vào ngày tết ông Công, ông Táo. Ảnh: internet

Lễ cúng thường được tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp bởi dân gian quan niệm, sau thời khắc này, các vị thần đã lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng. Tiễn ông Công, ông Táo, người dân gửi gắm mong muốn các vị thần mang đi những vất vả, muộn phiền trong năm cũ để chuẩn bị tâm thế nhẹ nhàng bước vào một năm mới an lành, hạnh phúc.

Cũng chung quan niệm tâm linh đó, người dân Hà Tĩnh cúng tiễn ông Công, ông Táo rất trang trọng, chu đáo. Năm nay, tết Táo quân không trùng vào ngày nghỉ nên chị Hoàng Thị Quyên (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) đã chuẩn bị lễ vật từ mấy ngày trước. Cũng như các năm trước, ngoài lễ vật là hương hoa, chị Quyên còn chuẩn bị một mâm cỗ mặn với những món ăn truyền thống đơn giản.

Tết ông Công, ông Táo trong tâm thức người Việt

Dịch vụ làm mâm cỗ cúng Táo quân ở Hà Tĩnh khá phong phú.

Chị Quyên chia sẻ: “Cúng ông Công, ông Táo đã trở thành nghi lễ không thể thiếu với gia đình tôi. Từ ngày tôi chưa lấy chồng, mẹ đã dạy tôi về ý nghĩa tâm linh và những thủ tục cần thiết cho ngày tết này nên sau khi có gia đình riêng, tôi vẫn giữ thói quen đó. Tôi quan niệm lễ vật không quá cầu kỳ nhưng phải đủ đầy, thể hiện được sự thành tâm của gia chủ”.

Hiện nay, các loại dịch vụ đều đáp ứng nhu cầu của người dân và dịch vụ chuẩn bị đồ lễ cho tết Táo quân cũng không nằm ngoài xu thế đó. Xôi gấc, xôi ngũ sắc, gà luộc, chè trôi nước, chả lụa hình cá, cá chép thạch... là những lễ vật được đông đảo người tiêu dùng ưa thích lựa chọn.

Tết ông Công, ông Táo trong tâm thức người Việt

Cá chép cúng Táo quân làm bằng thạch được nhiều người lựa chọn.

“Với ưu điểm thực đơn phong phú cùng cách chế biến, bày biện bắt mắt, tiết kiệm được thời gian nên những năm gần đây, tôi đều lựa chọn dịch vụ đặt mâm cỗ cúng ở địa chỉ tin cậy. Năm nay, gia đình tôi sẽ cúng cá chép thạch thay vì tham gia tục phóng sinh cá như mọi năm để hạn chế việc tập trung đông người, tránh nguy cơ dịch bệnh” - chị Nguyễn Thị Mai (thị trấn Thạch Hà) chia sẻ.

Một năm mở đầu bằng tết Nguyên đán và kết thúc bằng tết Táo quân vào 23 tháng Chạp. Tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, mong rằng những vất vả, muộn phiền của năm cũ sẽ qua đi, một năm mới bình an, tốt lành sẽ đến với mọi người.

Chủ đề Hội nghị văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast