Náo nức tháng Chạp

(Baohatinh.vn) - Như đã hò hẹn với lòng người, đất trời đã chuyển sang tháng Chạp. Bước chân tháng Chạp cũng là sự luân chuyển thời gian bình thường như mọi tháng trong năm, nhưng cảm giác sao vội vã, gấp gáp, náo nức, thúc giục.

Trong ký ức tôi, tháng Chạp xưa hầu như là những ngày rét mướt, có năm tạnh ráo, cũng có năm lắc rắc mưa. Vậy nhưng, tháng Chạp chỉ được đo đếm bằng tâm trạng náo nức xen lẫn lo toan, bằng bàn tay bấm đốt từng ngày, bằng bàn chân băng đi mọi ngả, quên cả rét mướt.

Náo nức tháng Chạp

Từ 20 Chạp trở đi, người người, nhà nhà náo nức sửa soạn đón tết. Ảnh Huy Tùng

Càng gần hết tháng Chạp, mỗi ngày trôi đi càng nhanh, tưởng thời gian lướt đi vội vã. Cách tính ngày chuyển sang âm lịch từ lúc nào không ai biết. Tất cả vì hướng tới ngày 30 tết và đón giao thừa, tết Nguyên đán. Trên đồng, bà con nông dân tranh thủ từng ngày xuống giống, cấy cho xong dảnh mạ xuân để kịp hoàn tất việc đồng áng trước lúc chuẩn bị mọi thứ cho một cái tết tươm tất trong tâm thế thoải mái nhất.

Cánh đàn ông tranh thủ vào rừng tìm lá dong về gói bánh chưng và đem ra chợ bán, rồi lo mổ lợn, mổ bò, lo quét vôi mộ tổ tiên, sửa sang nhà cửa, bàn thờ gia tiên. Các bà, các chị lo chăm đàn gà cho béo mượt, rồi nếp đỗ, giò chả, bánh trái, dưa hành, mứt kẹo… Bao nỗi lo toan đè nặng giấc ngủ của các ông bố, bà mẹ, để gia đình có một cái tết no đủ, để họ mạc, gia tiên có được mâm cỗ cúng đàng hoàng và nhất là để đám trẻ con có áo quần mới đi chơi tết, có tiền mừng tuổi.

Náo nức tháng Chạp

Gần cuối Chạp, người nông dân hối hả hoàn tất việc đồng áng.

Tôi không thể nào quên những phiên chợ tết của mẹ. Buôn thúng bán mẹt quanh năm, những phiên chợ tết là sự gửi gắm và mong chờ của mẹ. “Cả năm ăn nhờ một tháng, một tháng ăn nhờ mấy ngày”. Đó là cách mẹ nói về tháng Chạp. Từ tinh mơ, mẹ đã dậy quảy hàng ra chợ, sau này là đi bộ ra quầy hàng ở chợ để mua bán.

Phiên chợ tỉnh 26 tết là phiên đông nhất của tháng Chạp vì khởi đầu cho chợ tết, những ngày sau đó cho đến ngày 29 tháng Chạp, là chợ tết nên ngày nào cũng đông. Hàng hóa cơ man đủ thứ trên rừng, dưới biển đổ về chợ tỉnh. Nhưng hàng quần áo, giày dép bao giờ cũng đông nghẹt người, rồi kế tiếp là hàng bánh kẹo. Những đứa trẻ theo mẹ đi mua quần áo tết từ các xã lân cận của huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, các xã ngoại thị, đứa nào cũng háo hức, vui sướng, bên cạnh gương mặt còn vương nỗi lo âu của người mẹ.

Tháng Chạp còn có một cái mốc đáng nhớ với phong tục của người Việt: lễ tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 âm lịch và cúng ông Công. Người Việt quan niệm ông Táo từ trời xuống ở trong nhà mình, theo dõi mọi hoạt động của gia chủ, sau một năm, ngày 23 ông về trời tấu trình với Ngọc Hoàng về những việc làm của gia chủ. Ông Công là thổ công, thổ địa, một năm cai quản việc nhà cửa, đất đai, ngày tết cần được hậu đãi.

Náo nức tháng Chạp

Người Việt có truyền thống cúng tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 âm lịch. Ảnh minh họa từ internet

Lễ cúng ông Công, ông Táo là “tết con”, tuy không thịnh soạn như mâm cỗ tất niên và giao thừa nhưng cũng phải đủ lễ, trong đó không thể thiếu cá chép. Thời hiện đại, bên cạnh cá chép bằng giấy còn có cá chép hồng để phóng sinh, thể hiện nét nhân văn của người Việt.

Tháng Chạp được dồn nén vào ngày cuối cùng: 30 tết. Tất cả lo toan, đợi chờ, thương nhớ, vui mừng, hạnh phúc… đều được hội tụ trong cỗ cúng gia tiên và bữa cơm tất niên. “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày 30 tết thịt treo trong nhà”. Câu ca dao châm biếm thầy bói nhưng toát lên quan niệm của người Việt xưa: giàu hay nghèo, sang hay hèn, xa hay gần, ngày 30 tết cũng phải đủ lễ, tối thiểu là có “thịt treo trong nhà” để trước là cúng tổ tiên, ông bà, sau là để con cháu ăn. Phong tục thờ cúng ngày tết thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt khi họ luôn cảm thấy ông bà, tổ tiên, cha mẹ đang về cùng gia đình trong 3 ngày tết.

Náo nức tháng Chạp

Phong tục gói bánh chưng của người Việt đến nay vẫn được nhiều gia đình gìn giữ. Ảnh minh họa từ internet

Sự biến đổi thời tiết đã khiến cho tháng Chạp những năm gần đây khác trước. Cũng có năm nắng như đầu hè, không cần áo ấm, có năm rét nhẹ. Theo sự phát triển của xã hội và kinh tế thị trường, sự lo toan phấp phỏng cho tháng Chạp ngày nay đã mang màu sắc khác. Cái việc “no ba ngày tết” không còn là nỗi lo của nhiều gia đình mà thay cho việc làm đẹp, làm sáng ngôi nhà, khu vườn, ngõ phố mình ở.

Hàng hóa dồi dào, không cứ đi chợ phiên ngày tết mới có. Mua bán, giao dịch điện tử chiếm ưu thế, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh hàng ẩm thực đã “chốt đơn” cho khách hàng. Siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng cửa hiệu bày bán hàng hóa đa dạng, đủ màu sắc, kiểu dáng phục vụ nhu cầu ẩm thực và cúng lễ tết.

Chợ truyền thống ở thành thị ít người đi hơn. Sự có mặt của nhiều mặt hàng ẩm thực OCOP đã làm phong phú thêm nhu cầu của người dân. Đại dịch COVID-19 khiến cho tháng Chạp năm nay có vẻ trầm lắng hơn nhưng trong các ngôi nhà thì vẫn vẹn nguyên sự náo nức. Vẫn là các cỗ cúng và mâm cơm tất niên, nhưng sự nhẹ nhàng, tiện lợi đã giảm đi những vất vả cho nhiều bà nội trợ. Việc đi lại bị hạn chế nên việc sắm sanh áo quần mặc đẹp ngày tết có phần giảm sút. Mừng thọ, lễ lạt, tiệc tùng gọn nhẹ thích ứng với “thời COVID”.

Náo nức tháng Chạp

Khi cam chín đỏ là thấy tháng Chạp đã trở về...

Bước chân tháng Chạp năm nay rõ nhất có lẽ là trên những vườn hoa, vườn cam, cây cảnh ở khắp các làng quê, đồi núi và trên các phố phường Hà Tĩnh. Các làng hoa ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân, các đồi cam Khe Mây (Hương Khê), cam Vũ Quang, Thượng Lộc (Can Lộc), cam bù Hương Sơn... rộn ràng vào vụ tết ngay từ những ngày đầu tháng Chạp.

Dẫu dịch bệnh nhưng mỗi nhà vẫn cố gắng sắm cho mình ít chậu hoa hồng, hoa lan, cành đào, cây mai để đón tết và mua sắm “ngũ quả” thờ cúng ông bà tổ tiên. Càng gần tết, hoa và cây cảnh các tỉnh đổ về càng nhiều, đủ chủng loại, kiểu dáng, màu sắc. Thú chơi hoa, cây cảnh không chỉ làm tâm hồn người vui tươi, náo nức cùng mùa xuân mà còn rất thích hợp với sự giãn cách “thời COVID”.

Ẩn sâu sau tháng Chạp trầm lắng “thời COVID” là một sự gấp gáp và ấm áp bởi những tấm lòng sẻ chia, yêu thương. Bên cạnh các đoàn của lãnh đạo tỉnh chúc tết các bậc lão thành cách mạng, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rất nhiều tổ chức, cá nhân khắp nơi trong, ngoài tỉnh đã và đang gấp rút triển khai các hoạt động quyên góp, tặng quà tết cho các gia đình có cảnh ngộ éo le, gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các trẻ mồ côi, học sinh nghèo...

Đồng quà, gói bánh đều rất quý và quý hơn nữa là những tấm lòng sưởi ấm, động viên những người khó khăn vươn lên, làm cho tết thêm đậm đà tình dân tộc, xuân nồng thắm nghĩa đồng bào.

Tháng Chạp cận kề tết cũng là dịp mừng Đảng, mừng xuân. Phố phường, làng quê Hà Tĩnh lung linh đèn hoa, thắm tươi màu hoa xuân, cây cảnh, rực rỡ màu cờ. Đi qua một năm đầy gian lao, khó nhọc, đất trời quê hương chuẩn bị bước sang xuân mới căng tràn niềm tin, nhựa sống. Nghe bước chân tháng Chạp đang gấp gáp để rồi nhẹ nhàng chuyển sang mùa xuân ấm êm, phơi phới, như giai điệu quê hương quen thuộc mà say lòng: Xuân xuân ơi! Xuân đến rồi/ Cánh én bay về cho tim mình náo nức/ Xuân xuân ơi! Xuân đến rồi/ Những đóa mai vàng chào mừng xuân sang...

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.