Gói mở cùng tháng Chạp

(Baohatinh.vn) - Tháng Chạp - chỉ cần cất lên vậy thôi là tưởng như năm cũ đã gần qua và lòng người lại chộn rộn cùng những gói mở để đón chào năm mới với những niềm tin yêu, ước vọng tốt lành.

Gói mở cùng tháng Chạp

Những vườn cam bù bắt đầu chín đỏ, báo hiệu tết đã cận kề...

Sáng nay, lật giở cuốn lịch để bàn, một cảm xúc không mới lại trở về thật lạ lẫm. Đó vừa là một chút mừng vui, một chút luyến tiếc, một chút chơi vơi, chút náo nức… Tôi chưa bao giờ đi tìm sự lý giải về tên gọi tháng Chạp trong lịch âm của người Việt, tôi muốn nghĩ về nó như một điều thật đặc biệt, thật hiển nhiên mà cũng thật nhiều bí ẩn.

Cha ông ta có câu: “Học ăn học nói, học gói học mở”. Và, tháng Chạp chính là thời điểm để người ta thực hành việc gói mở ấy cho chính mình, cho cộng đồng. Nhất là năm nay, tháng Chạp còn được người dân Hà Tĩnh chờ đợi hơn bao giờ hết bởi nỗi kỳ vọng về một sự kết thúc những khó khăn, gian khổ đằng đẵng cả năm trời chiến đấu với thiên tai, dịch bệnh.

Năm nay, tháng Chạp bắt đầu bằng những tia nắng ấm áp sau chuỗi ngày dài lạnh giá. Đi qua những khó khăn, con người Hà Tĩnh kiên cường, chất phác, cần cù, nhẫn nại vẫn nỗ lực để mang đến cho đời sống đầy đủ sắc vị của tháng cuối năm. Những vườn đào, vườn mai vẫn cùng người nông dân len chặt vào thân mình dưỡng khí để âm thầm sinh chuyển sau lớp vỏ ngụy trang xù xì, khô khốc.

Gói mở cùng tháng Chạp

Những nụ đào hé nở như một dự báo tốt lành. Ảnh Internet

Và trong một sớm mai hồng, người nông dân lại hân hoan chứng kiến những nụ mầm bật lên, hé mở như một dự báo tốt lành hoặc giả là họ cũng đã gửi vào đó biết bao niềm tin yêu, hy vọng về những ngày tháng mới an hòa. Tôi nhìn sâu vào những hanh hao và đã thấy những kiên trì ươm ủ, ngắm nhìn những rạng rỡ trong mắt người để tự hào về tinh thần lạc quan của người dân quê tôi.

Nắng mới về cùng tháng Chạp đã ngời lên nỗi hân hoan trong mắt người. Người ta có thể tạm ngưng những sửa soạn vui chơi để tranh thủ thuận lợi mà gieo mầm xanh trên ruộng đồng, bờ bãi. Tưởng như trong mỗi nhát cuốc bổ xuống luống đất cũng nghe được niềm háo hức, đợi mong; tưởng như mỗi lần hé mở những tấm ni-lông che rét cho đám mạ chờ mùa cấy cũng chứa chan tình yêu thương.

Gói mở cùng tháng Chạp

Trong rét ngọt tháng Chạp, người nông dân cũng gửi vào công việc của mình thật nhiều yêu thương.

Tưởng như mỗi viên gạch, mạch vữa được đặt lên trên những công trình cũng trở nên thật rộn rã. Và những quả cam, quả bưởi cũng đang tranh thủ hấp thu thật nhiều nắng ngọt để nuôi sắc, nuôi vị thật đượm nồng. Tất cả đều đang tìm cách gói lại để rồi mở ra giữa cuộc đời những tươi mới, ngọt ngào. Bởi thế, tháng Chạp vừa như muốn ngưng lại trong bước chân thời gian, vừa như thật hối hả trong những biến chuyển của thiên nhiên, của lòng người.

Tháng Chạp, mẹ tôi thường đưa tay ra tính tháng, tính ngày, tính luôn cả những sắm sanh, lễ lạt. Hôm qua vừa tính, hôm nay lại tính. Tôi nhìn thấy ở mẹ bao nhiêu là phong tục, tập quán của quê hương. Ấy là thói quen mua và đốt lên những cây hương trầm ấm áp, là những chuẩn bị lễ vật cho cha cúng lễ nhà thờ, đi tảo mộ, những sửa soạn quà cáp thăm người già, chia sẻ với họ hàng còn túng thiếu…

Và trong những sắm sanh của mẹ không thể thiếu gạo nếp, lá dong, dưa hành để chiều 29 tết, cả nhà lại quây quần cùng gói bánh chưng, cùng nhóm lửa canh nồi bánh cho kịp ngày 30 trên mâm cúng tất niên đã có bánh chưng xanh, trong lễ tạ ơn tổ tiên ở nhà thờ cũng đã có món ăn truyền thống của dân tộc. Bao nhiêu năm qua rồi, dẫu bây giờ dịch vụ gói bánh tràn ngập nhưng mẹ tôi vẫn giữ gìn phong tục gói bánh ấy.

Mẹ nói, khi ta gói bánh là gửi cả những nguyện cầu tới tổ tiên, tới đất trời và khi ta mở bánh cũng chính là lúc ta thụ hưởng những ân hưởng ấy. Cứ nghĩ như thế thì ăn chiếc bánh sẽ không thấy nhọc nhằn, ăn miếng bánh mới thấy được đầy đủ vị ngon.

Gói mở cùng tháng Chạp

Tháng Chạp như ngưng lại trên những sinh chuyển của cỏ cây, như nén lại để chào đón tết...

Tháng Chạp năm nay cũng trở nên đặc biệt hơn khi những người Việt ở nước ngoài phải tính toán ngày về sao cho hoàn thành thời gian cách ly vừa kịp để đón tết cùng gia đình. Đâu đó, những người con xa quê cũng nén lại nỗi nhớ nhà mà đón tết nơi quê người để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Tháng Chạp vốn dĩ là thời điểm của những sum vầy, hội ngộ lại có thêm một phiên khúc của những nhớ nhung, lo lắng… Dẫu vậy, cả người ở và người đi đều động viên nhau, gieo vào nhau niềm lạc quan, tin tưởng…

Khi tôi ngồi viết những dòng này, ngoài kia, trên những thửa ruộng hôm nào ngập sâu trong nước lũ đang xôn xao tiếng nói cười; trong những làng quê hôm nào người dân đợi chờ cứu trợ, bao công trình nhà cộng đồng, nhà dân sinh tránh lũ đang được khởi công. Tháng Chạp vẫn trôi đi mà như thể đang ngưng lại trong những ân tình trên miền quê giàu nghĩa ấm.

Gói mở cùng tháng Chạp

Người dân tranh thủ nắng ấm ra đồng, lạc quan gieo lên một mùa tin yêu mới...

Một tháng Chạp nữa lại sắp qua đi và người người, nhà nhà đang viết lên những ngày tháng cuối cùng của năm Canh Tý những bài ca đẹp đẽ nhất của niềm tin yêu, của niềm hy vọng.

Tôi bước ra hiên nhà, lặng ngắm nụ hồng mới hé, chợt nghĩ đến những hoa mai, hoa mận trong bức vẽ của người bạn họa sỹ. Bạn có thể đã vẽ lên bao nhiêu sắc màu để kể câu chuyện về một năm nhiều “giông bão” nhưng vẫn “dọn lòng” để sắp đặt lên bức tranh mùa xuân những sắc màu tinh khôi nhất. Phải chăng đó cũng là cách gói mở đẹp đẽ của đất trời, của lòng người mà bạn tôi đã khái quát thật giản dị, thật lắng sâu giữa những ngày tháng Chạp…

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.