Sửa đổi Thông tư 30: Giáo viên đồng tình, phụ huynh ủng hộ

(Baohatinh.vn) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung 13 điều trong tổng số 20 điều của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Theo đó, khi đánh giá thường xuyên về học tập, ngoài nhận xét, giáo viên (GV) có thể dùng lời nói. Cùng với đó là sẽ thực hiện đánh giá định kỳ bằng điểm số. Phần lớn GV trên địa bàn Hà Tĩnh đều cho rằng, sự sửa đổi, bổ sung này là hợp lý, giúp cho việc đánh giá rõ ràng, thuận lợi hơn.

Đánh giá học sinh theo 3 mức

Để khắc phục cách đánh giá nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu của HS (theo Thông tư 30 - PV), Thông tư 22 đã đưa ra 3 mức đánh giá: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Thầy Trần Hậu Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD&ĐT cho biết: “Xét về tâm lý tiếp nhận, 3 mức đánh giá này giúp GV nhìn nhận rõ hơn kết quả phấn đấu của HS. Phụ huynh cũng sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình, từ đó, phát hiện những chỗ thiếu hụt để GV và HS cùng điều chỉnh hoạt động dạy học”.

sua doi thong tu 30 giao vien dong tinh phu huynh ung ho

Những đổi mới của Thông tư 22 giúp xác định mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Ảnh: Sỹ Ngọ

Thông tư 22 cũng quy định việc lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành 3 mức: tốt, đạt, cần cố gắng (trước đây, Thông tư 30 chỉ quy định 2 mức đạt và chưa đạt). Việc lượng hóa này cho phép GV, cán bộ quản lý, cha mẹ HS xác định mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của HS sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó, GV, nhà trường có giải pháp kịp thời giúp HS khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực, ngày một tiến bộ hơn.

Thông tư 22 còn quy định thêm về các bài kiểm tra giữa kỳ môn Tiếng Việt và Toán đối với khối 4 và khối 5, nhằm giúp GV, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của HS với 2 môn học này. HS cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra, đánh giá của bậc học tiếp theo.

Anh Lê Viết Dũng (phụ huynh HS ở Lộc Hà) cho biết: Sự sửa đổi này tôi thấy rất hợp lý, bởi nó giúp phụ huynh dễ dàng theo dõi kết quả học tập của con. Các con cũng nhìn sự đánh giá ấy để có động lực hơn hoặc biết cố gắng hơn trong học tập, rèn luyện”.

“Cùng với việc đánh giá, quy định khen thưởng HS trong Thông tư 22 cũng cụ thể hơn. Căn cứ vào đó, GV và nhà trường dễ dàng tiến hành khen thưởng mà vẫn đảm bảo yêu cầu, không gây áp lực cho HS, phụ huynh và hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục”, thầy Trần Trung Bộ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Trà (Hương Khê) chia sẻ.

Giảm áp lực cho giáo viên

Bắt đầu triển khai từ ngày 6/11/2016 để thay thế Thông tư 30, ngay từ khi mới ban hành, Thông tư 22 đã thực sự tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ GV tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh. Cô Nguyễn Thanh Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: “Thay vì ghi nhận xét vào sổ theo dõi hàng tháng ở các môn học, nay các GV chỉ ghi nhận xét vào vở HS khi cần thiết. Như thế sẽ giảm bớt áp lực sổ sách, tránh những lời nhận xét chung chung, trùng lặp đối với nhiều HS”.

sua doi thong tu 30 giao vien dong tinh phu huynh ung ho

Thực hiện Thông tư 22, giáo viên sẽ có nhiều thời gian hơn để quan tâm, hỗ trợ học sinh

Thực tế, trong 2 năm thực hiện Thông tư 30, nhiều GV tỏ ra rất áp lực vì sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng thời gian giảng dạy. Giải quyết vấn đề này, Thông tư 22 quy định thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời, không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá HS. GV được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi chép những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Cô Nguyễn Thị Hòa - GV Trường Tiểu học Thạch Long (Thạch Hà) cho biết: “Thông tư sửa đổi giúp GV giảm áp lực về sổ sách, ghi chép nhận xét, thay vào đó, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để quan tâm, hỗ trợ HS”.

Sự ra đời của Thông tư 22 được xem là phát huy, kế thừa và cụ thể hóa tinh thần nhân văn của Thông tư 30 với niềm tin sẽ mang lại diện mạo mới cho giáo dục tiểu học và đặc biệt sẽ góp phần tăng niềm tin của xã hội vào những chủ trương đổi mới của ngành.

Thông tư 30 quy định bỏ chấm điểm thường xuyên HS tiểu học ra đời năm 2014. Thay vì dùng điểm số, GV sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS tiểu học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, văn bản này đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của GV và phụ huynh. GV cho rằng, có quá nhiều sổ sách phải nhận xét, tạo thêm áp lực cho họ; phụ huynh thì không đánh giá được con mình học hành ra sao, tiến bộ thế nào, bởi cách nhận xét chung chung của thầy cô.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh khép lại năm 2024 với những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức. Nỗ lực của thầy và trò đã đơm hoa, kết trái bằng những thành tích ấn tượng trên mỗi sân chơi kiến thức.