Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

(Baohatinh.vn) - Cứ đều đặn mỗi ngày, bằng lòng yêu thương và tinh thần trách nhiệm, những người cán bộ luôn tận tụy chăm sóc các thương, bệnh binh, người có công đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm điều dưỡng người có công ở tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.

Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

Chị Hoàng Thị Nhung và các cán bộ, nhân viên chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người có công đang được chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh.

Là người đã gắn bó gần 12 năm với Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh, chị Hoàng Thị Nhung - cán bộ điều dưỡng đã chứng kiến biết bao thay đổi nơi đây. Chị Nhung cũng là người hiểu rất rõ việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công không chỉ đơn giản là bữa cơm hằng ngày mà còn cần đến những “liều thuốc tinh thần”.

“Những thương, bệnh binh được nuôi dưỡng tại trung tâm, đa phần đã lớn tuổi, cơ thể còn nhiều vết thương nên các cán bộ, nhân viên trung tâm luôn phục vụ ân cần, chu đáo với phương châm để những người có công có giấc ngủ ngon, ngủ sâu, bữa ăn hợp khẩu vị... hy vọng bù đắp phần nào những mất mát của họ, cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã có nhiều đóng góp, cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay” - chị Nhung cho biết.

Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

Mỗi khi người có công ốm đau, mệt mỏi, cán bộ y tế Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh đều kịp thời thăm khám, điều trị.

Không chỉ là người tận tụy hằng ngày nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, các cán bộ trung tâm còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của các thương, bệnh binh đang lâm vào tình cảnh khó khăn do bệnh tật. Sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành là ngọn lửa gắn kết các cán bộ, nhân viên tại trung tâm và các thương, bệnh binh. “Chúng tôi coi trung tâm như là nhà của mình và các bác như người thân của chúng tôi vậy” - chị Nhung chia sẻ

Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

Y sỹ Dương Minh Tuân - Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh hằng ngày theo dõi sức khỏe và ghi chép diễn biến, phác đồ điều trị cho từng đối tượng đang bị ốm đau.

Hằng ngày, bằng tình thương và tấm lòng của mình, đội ngũ cán bộ trung tâm luôn làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các thương, bệnh binh. Anh Dương Minh Tuân - y sỹ (Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Các bác thương, bệnh binh tuổi đã cao, có người có nhiều loại bệnh nên việc chăm sóc, điều trị rất khó khăn. Nhiều khi xảy ra tình trạng kháng thuốc nên phải thay đổi phác đồ điều trị, trường hợp nặng phải kịp thời chuyển lên bệnh viện tuyến trên để có điều kiện điều trị tốt hơn”.

Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

Bà Lê Thị Xanh (bìa trái) và những người “bạn già” đang sống ở Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh

Hiện Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh đang nuôi dưỡng, chăm sóc 110 đối tượng, trong đó có 14 thương, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ. Bà Lê Thị Xanh – thương binh ¾ đã gắn bó với trung tâm gần 20 năm chia sẻ: “Từ lâu trung tâm đã trở thành ngôi nhà ấm áp nghĩa tình của tôi cũng như các thương, bệnh binh ở đây. Hằng ngày, tôi luôn nhận được sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài các chế độ được hưởng đúng, đủ, tôi còn được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kịp thời, chu đáo”.

Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

Nhân viên điều dưỡng dọn dẹp phòng ở cho các thương, bệnh binh đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An (huyện Nghi Lộc) hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 25 thương, bệnh binh nặng và đặc biệt nặng quê Hà Tĩnh. Do là thương, bệnh binh nặng, bị tổn thương nặng về trí tuệ cũng như cơ thể nên các cán bộ trung tâm phải phục vụ từ ăn, tắm, ngủ nghỉ đến uống thuốc. Nhiều bác do vết thương quá nặng, đội ngũ điều dưỡng tại trung tâm hằng ngày phải bón từng thìa cơm, miếng nước, như người ông, người cha.

Ông Trần Đức Công - Trưởng phòng Hành chính, tổng hợp (Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An) cho biết: “Ngoài công việc chăm sóc thương, bệnh binh hằng ngày tại trung tâm, những lúc các bác ốm đau, bệnh tình diễn biến phức tạp, đơn vị không đủ điều kiện điều trị thì phải chuyển lên bệnh viện tuyến và cắt cử cán bộ đi theo để chăm sóc”.

Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

Cán bộ điều dưỡng của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An thường xuyên trò chuyện với các thương, bệnh binh...

Với các thương, bệnh binh ở đây, việc sinh hoạt đôi lúc có những bất tiện do ảnh hưởng của bệnh tật, việc chăm sóc họ đòi hỏi phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả sự kiên nhẫn. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, các cán bộ trung tâm vẫn luôn bên cạnh, trở thành những đứa con có hiếu giúp các thương, bệnh binh có thể hòa nhập, phần nào xóa đi những ký ức, nỗi đau về thể xác và tinh thần.

Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

... và hỗ trợ các thương, bệnh binh trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

Chị Nguyễn Thị Hương Trà - cán bộ điều dưỡng của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An chia sẻ: Chăm sóc những người bình thường đã khó, chăm sóc những thương binh nặng còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Nhiều bác thương tật nặng nên rất khó tính".

“Tuy vậy, chúng tôi ở đây bằng tấm lòng và tâm huyết, ai cũng nghĩ rằng các bác đã hy sinh cả cuộc đời nơi chiến trường, giành độc lập cho dân tộc nên đều cố gắng hết sức chăm sóc tốt cho các bác”.

Tâm tình của những người chăm sóc thương binh nặng

Ông Trần Quốc Tế, thương binh 1/4, quê xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh: "Tôi ở đây đã 40 năm, giờ chẳng muốn rời xa”.

Khi được hỏi về cảm xúc của mình đối với các cán bộ tại trung tâm, ông Trần Quốc Tế, thương binh 1/4, quê xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh chia sẻ: “Với tôi, các cán bộ trung tâm là thành viên trong gia đình, là con cháu. Mọi sinh hoạt của tôi đều có sự lo lắng, chăm sóc tận tình của các cán bộ trung tâm. Ở đây chẳng có gì ngoài tình thương. Tôi ở đây đã 40 năm, các cháu lúc nào cũng chăm sóc, trò chuyện với mình hằng ngày, giờ chẳng muốn rời xa”.

Tháng 7 - tháng tri ân người có công. Đạo lý tốt đẹp của dân tộc được cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh và Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An kế thừa, tiếp tục để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần thể hiện sự trân trọng của lớp người đi sau với thế hệ cha anh đã cống hiến cho Tổ quốc.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng sẽ được đại biểu bàn thảo tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh.