Năm 2016, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu gây nắng nóng kéo dài, song nhờ có sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, công tác BVR, PCCCR đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, tổng kinh phí để phục vụ cho công tác BVR, PCCCR khoảng 16 tỷ đồng, chưa kể các chủ rừng, các xã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tu sửa, làm mới các trang thiết bị, dụng cụ, công trình, máy móc. Công tác BVR, PCCCR được tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ trên các nội dung: bảo vệ rừng tại gốc; PCCCR; khai thác lâm sản; các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn; xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác sử dụng rừng của các chủ rừng Nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát 126 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện giao đất, giao rừng với diện tích 42.988 ha.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Lợi báo cáo công tác BVR, PCCCR năm 2016 tại hội nghị trực tuyến.
Năm 2016, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, chủ rừng đã phát hiện, xử lý 269 vụ vi phạm lâm luật, giảm 59 vụ so với năm 2015; tịch thu trên 517 m3 gỗ các loại, 96 kg động vật, 26 phương tiện, tang vật; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng.
Năm 2016, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 17 vụ cháy rừng; Can Lộc là huyện có nhiều vụ cháy rừng nhất tỉnh, với 6 vụ, thiệt hại 22,3 ha rừng...
Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng đầu nguồn.
Bên cạnh những ưu điểm trên, công tác BVR, PCCCR năm 2016 cũng còn nhiều hạn chế, như: ý thức của một số người dân đối với công tác này chưa cao; chất lượng phương án BVR, PCCCR của một số xã, chủ rừng chưa sát đúng với tình hình thực tế; việc kiểm tra, giám sát các chủ rừng thực hiện các nội dung phương án BVR, PCCCR không thường xuyên; một số chủ rừng chưa thực hiện nghiêm BVR tại gốc; công tác phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan chức năng, chủ rừng trong tuần tra, phát hiện và huy động 4 tại chỗ không quyết liệt, chưa nghiêm; tình trạng xẻ phát, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp vẫn còn xẩy ra...
Tại hội nghị, lãnh đạo địa phương, chủ rừng cũng đã báo cáo tình hình, công tác BVR, PCCCR trong năm 2016; đề xuất chính quyền, ngành chức năng đồng ý cho địa phương, chủ rừng thực hiện những giải pháp BVR, PCCCR phù hợp, sát đúng với tình hình; bổ sung phương tiện, kinh phí, con người cho các địa phương, lực lượng kiểm lâm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam Đỗ Trọng Kim đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo và kết quả mà Hà Tĩnh đạt được trong thực hiện công tác quản lý, BVR, PCCCR năm 2016; đề nghị tỉnh triển khai quyết liệt, tiếp tục tặng cường sự phối hợp liên ngành; rà soát lại các vùng trọng điểm để kịp thời ngăn chặn, xử lý; lên danh sách các đầu nậu để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cương quyết, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi mục đích rừng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ BVR, PCCCR năm 2016.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, nhiều nơi chính quyền, chủ rừng vẫn để xảy ra tình trạng xẻ phát, lấn chiếm, khai thác rừng và đất rừng; thiệt hại do cháy rừng vẫn còn cao; công tác phối hợp chưa tốt; ý thức người dân chưa cao...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, chủ rừng... chủ động triển khai theo phương án BVR, PCCCR đã xây dựng; rà soát các vùng trọng điểm; triển khai nghiêm túc Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng tăng cường bám địa bàn, phối hợp nhất là lực lượng vùng giáp ranh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm lâm luật...
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu