Tâm huyết phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ
Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm thăm mô hình trồng lúa hữu cơ liên kết với bà con nông dân ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: Công ty truyền thông Quế Lâm.
Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm gắn liền với hành trình nhẫn nại, tâm huyết của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Lam (SN 1948) với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Ông là một trong những người đầu tiên của Việt Nam tiếp cận với công nghệ vi sinh và cùng cộng sự tạo dựng nên hệ sinh thái Quế Lâm với 14 đơn vị thành viên.
Trong đó, 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, cung cấp hàng trăm nghìn tấn phân bón mỗi năm cho mọi miền đất nước và thị trường Campuchia, Lào; các công ty sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công ty nông sản chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, hệ sinh thái của Quế Lâm còn vươn cánh tay dài đến tận người dân để xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông sản sạch gồm: lợn, lúa, cây ăn quả, chè; sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và chuỗi cửa hàng nông sản hữu cơ nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp cộng đồng.
Hiện, Quế Lâm có 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, cung cấp hàng trăm nghìn tấn phân bón mỗi năm cho mọi miền đất nước và thị trường Campuchia, Lào. Trong ảnh: Công ty TNHH MTV phân bón Quế Lâm Miền Trung ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế).
Đặc biệt, năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã ra mắt “Tổ hợp dự án chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer)” tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là mô hình nông nghiệp tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam, trở thành bước tiến mới trong hành trình theo đuổi mục tiêu nông nghiệp tuần hoàn của doanh nghiệp (DN).
Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm về việc làm nông nghiệp tử tế, từ đó xây dựng nền tảng, triết lý, luôn sáng tạo và phát triển nhằm không chỉ đưa lại hiệu quả sản xuất cho người dân, DN mà còn cho cả cộng đồng và môi trường sinh thái. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc ra đời tổ hợp 4F nhằm xây dựng mô hình hạt nhân về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, không bỏ đi thứ gì và không bỏ lại ai; từ đó thay đổi tư duy của người sản xuất, tiêu dùng, hướng đến phát triển xanh, bền vững”.
Mô hình 4F được đầu tư 700 tỷ đồng xây dựng tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học trên diện tích 15 ha gồm: nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học, men vi sinh theo công nghệ Nhật Bản với công suất 50.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi 100.000 tấn/năm; trang trại chăn nuôi an toàn sinh học có quy mô gần 10.000 con lợn thịt và hàng trăm lợn nái; nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (100.000 tấn/năm)... Mô hình trở thành “đầu kéo” quan trọng cho phát triển kinh tế hộ, xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn, hữu cơ khép kín, đưa lại sinh kế cho người sản xuất và sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lịch - Giám đốc HTX Thanh Trà Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thu lãi hơn 400 triệu đồng mỗi năm nhờ thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Ông Nguyễn Văn Lịch - Giám đốc HTX Thanh Trà Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, gia đình nuôi 20 con lợn nái, 300 con lợn thịt. Chất thải từ chăn nuôi được xử lý làm phân bón hữu cơ vi sinh cho 3 ha cây thanh trà và bưởi da xanh, mỗi năm thu lãi hơn 400 triệu đồng. HTX đã mở rộng liên kết với 30 hộ chăn nuôi trên địa bàn để lan tỏa hơn nữa tư duy nông nghiệp tuần hoàn đến bà con nông dân.
Chung tay “gieo mầm” nông nghiệp xanh trên đất Hà Tĩnh
Nhiều lần Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã tâm sự rằng, điều ông mong muốn nhất chính là trở về quê hương, cùng chia sẻ, đồng hành với chính quyền và bà con nông dân làm nông nghiệp sinh thái, hữu cơ để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như trả nghĩa cho mảnh đất nơi mình sinh ra. Từ năm 2021, những mô hình nông nghiệp hữu cơ Quế Lâm đầu tiên ở Hà Tĩnh được hình thành ở Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Lộc Hà...
Từ chỉ 5-7 con lợn/hộ, vài chục cây cam/mô hình hay vài ha lúa hữu cơ, đến nay, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đang là “bà đỡ” liên kết 10,25 ha cây ăn quả, chè và lúa; 12 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 82 con lợn nái, 591 con lợn thịt theo hướng hữu cơ gắn với tuần hoàn, sinh thái tại các địa phương. Cùng đó, phối hợp với tỉnh, địa phương xây dựng 4 cơ sở kinh doanh và giới thiệu các sản phẩm hữu cơ với đa dạng các mặt hàng nông sản như: gạo, thịt lợn, bánh đa, các loại trái cây. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đều được tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, thiết kế tư vấn cửa hàng và bán hàng chuyên nghiệp.
Mô hình chăn nuôi lợn liên kết hữu cơ Quế Lâm tại hộ ông Trương Xuân Hà, xã Cẩm Minh.
Ông Trương Xuân Hà (xã Cẩm Minh - Cẩm Xuyên) cho biết: “Từ tháng 5/2022, gia đình tham gia liên kết triển khai mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, sử dụng 100% thức ăn hữu cơ của Quế Lâm và dùng đệm lót sinh học, men vi sinh xử lý phân lợn làm phân bón trong trồng trọt.
Quy trình sản xuất tuần hoàn, hữu cơ giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí đầu vào, chuẩn hóa quy trình sản xuất để tạo đầu ra sản phẩm tiêu dùng an toàn cho người dân. Hiện nay, mô hình chăn nuôi có quy mô 80-100 con lợn nái và 2.000-3.000 con lợn thịt/năm. Chúng tôi cũng vừa khai trương cửa hàng nông nghiệp thực phẩm an toàn Ngân Hà tại TP Hà Tĩnh, sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín tuần hoàn để nâng cao hiệu quả”.
Đoàn cán bộ, hộ nông dân huyện Can Lộc tham quan Công ty TNHH MTV phân bón Quế Lâm Miền Trung ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế).
Điều quan trọng hơn nữa là cùng với sự hỗ trợ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, hàng nghìn lượt cán bộ chuyên môn ở các địa phương và người nông dân được tiếp cận, “mắt thấy, tai nghe”, học tập quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và lan tỏa phương thức sản xuất tử tế này đến đại bộ phận người nông dân, DN; góp phần cùng tỉnh xây dựng nền tảng sản xuất nông nghiệp mới - nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Vụ xuân 2024, xã Cẩm Vịnh thí điểm sản xuất lúa DT39 hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm gắn với áp dụng máy cấy trên diện tích 5ha, mở ra định hướng sản xuất mới đưa lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Thời điểm bắt đầu xây dựng các mô hình tại Hà Tĩnh, chúng tôi may mắn vì nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương tiên phong. Sự thành công bước đầu của các mô hình sẽ tiếp tục lan tỏa để xây dựng chuỗi nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, phát triển bền vững, đưa lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, DN và cho cả cộng đồng.
Hà Tĩnh đang hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với những mục tiêu cụ thể gắn với xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, cung ứng vật tư đầu vào đến chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm. Đây sẽ là bước ngoặt lớn cho sản xuất, thu hút DN và thúc đẩy sự phát triển hàng hóa giá trị cao. Chúng tôi mong muốn trở thành “mắt xích” trong chuỗi phát triển ở Hà Tĩnh, cùng chính quyền và người dân chung tay vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững; hướng tới mục tiêu vì người nông dân và người tiêu dùng