Chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

(Baohatinh.vn) - Hội nghị là cơ hội tốt để Hà Tĩnh và các tỉnh được nghe những chia sẻ về thành tựu khoa học - công nghệ; làm rõ hơn về vai trò và giải pháp để nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời đại 4.0.

Sáng 11/4, tại TP Thanh Hóa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng DN, HTX, nông dân vì nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn”.

Dự hội nghị có đồng chí Phan Xuân Dũng, Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; các đồng chí nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Cao Đức Phát, Nguyễn Xuân Cường; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Về lãnh đạo các địa phương có Phó Bí thư Thường trực tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên cùng đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Đoàn Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tham dự.

Chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp cách mạng của nước ta.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương, đặc biệt là sự chỉ đạo, hỗ trợ rất lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và sự đồng hành, hợp tác của các doanh nghiệp, ngành NN&PTNT của các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phát huy được tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tài nguyên đa dạng sinh học; từng bước tạo chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp.

Chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng phát biểu chào mừng hội nghị.

Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn” là cơ hội để các tỉnh được nghe những chia sẻ về những thành tựu của khoa học và công nghệ; làm rõ hơn về vai trò và giải pháp để nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời đại 4.0.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trường trung học phổ thông hiểu rõ hơn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nông nghiệp; tăng cường hỗ trợ, trao đổi thông tin, liên kết đào tạo các chuyên gia đầu ngành theo lĩnh vực, ngành hàng; đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp về kỹ năng đàm phán, pháp lý, phân tích thị trường, quản lý sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thông minh.

Chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Lãnh đạo các địa phương, đơn vị liên quan chủ trì phiên thảo luận.

Hội nghị cũng nghe chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam về chủ đề của hội nghị và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời đại 4.0. Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện Học viện đang tổ chức tại một số địa phương trên cả nước với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh trung học phổ thông; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời đại 4.0

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Lan nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung là rất cần thiết. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển cũng là vấn đề quan trọng. Đây là những nội dung mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, bà con nông dân, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả.

Chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Cường tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: thành tựu khoa học và công nghệ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam; đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu và nhu cầu phát triển nền nông nghiệp xanh; kinh nghiệm khởi nghiệp và kinh doanh nông nghiệp từ Hàn Quốc và Canada; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho khu vực nông nghiệp, nông thôn…

Chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu: Việc đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp cần phải có kế hoạch rõ ràng; khảo sát về thế mạnh của từng vùng, địa phương và năng lực của các HTX, DN, người nông dân theo từng khu vực; từ đó có định hướng cho việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu khẳng định: Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh luôn tập trung cao cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm, đặc sản nông nghiệp của tỉnh đã được cả nước biết đến như: bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, nhung hươu…

Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới và nhiệm vụ thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, vấn đề về nông nghiệp tăng trưởng xanh, nông nghiệp hữu cơ là điều Hà Tĩnh luôn trăn trở.

Theo đó, nguồn nhân lực trong nông nghiệp giai đoạn mới cần đảm bảo đủ số lượng, đảm bảo chất lượng nhằm ứng dụng tốt các tiến bộ KHKT, nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo ra những chuỗi giá trị tăng trưởng cao trong nông nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: việc đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp cần phải có kế hoạch rõ ràng; khảo sát về thế mạnh của từng vùng, địa phương và năng lực của DN, HTX, người nông dân theo từng khu vực để có định hướng cho việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Trong đó, cần giải quyết các vấn đề như: tạo điều kiện sản xuất cho người dân nông thôn, hạn chế việc nông dân không ly hương; phân luồng, phân nhóm học sinh để đào tạo ngành nghề phù hợp; khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên…

Chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với các Sở GD&ĐT, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Chiều nay (11/4), các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận chuyên đề các nội dung liên quan đến hội nghị.

Hà Tĩnh hiện có 668 trường từ bậc mầm non đến THPT với 24.000 giáo viên và hơn 330.000 học sinh, trong đó khối THPT và giáo dục thường xuyên là 56 trường.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Nghị quyết của HĐND tỉnh về phân luồng học sinh, năm học 2021 - 2022 Hà Tĩnh đạt tỷ lệ phân luồng học sinh vào THPT là 72%; năm học 2022 - 2023 đặt mục tiêu là 70% và tiếp tục giảm theo lộ trình với mục đích phân luồng đối tượng học sinh. Hiện nay, tỉnh đang áp dụng nhiều mô hình nhằm hỗ trợ định hướng hướng nghiệp cho các em ngay từ bậc THPT như thí điểm THPT và học nghề trong trường THPT...

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Hà Tĩnh có trên 1.624 ha cây trồng các loại (tương ứng với 243 cơ sở lĩnh vực trồng trọt) được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 14 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 16 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 10 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP, ISO và 23 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận.

Hà Tĩnh cũng đang chỉ đạo các địa phương, ngành thực hiện nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, một số mô hình có hiệu quả bước đầu như: liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm; sản xuất lúa hữu cơ liên kết với Công ty KC Hà Tĩnh; mô hình thâm canh vườn cam, bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Hương Khê, Vũ Quang; mô hình sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ tại xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh)...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.