Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa thay mặt UBND tỉnh ký ban hành công điện khẩn gửi các đơn vị, địa phương về việc tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn.
Trong 24 giờ qua (từ 8h ngày 24/5 đến 8h ngày 25/5), trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất to gây ngập lụt tại một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa vụ xuân ngoài đồng chưa thu hoạch, công tác bảo quản lúa đã thu hoạch về nhà. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng ở khu vực vùng trũng thấp.
Dự báo trong ngày 25/5, Hà Tĩnh tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy từ 10 - 25mm, có nơi trên 50mm.
Qua kiểm tra tình hình mưa lũ thực tế tại các địa phương của lãnh đạo UBND tỉnh và thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công điện số 3243-CĐ/TU ngày 25/5/2025 và của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 09/4/2025 về công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2025.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung huy động tối đa lực lượng, phương tiện của địa phương, phân công cán bộ xuống từng xã, từng thôn, bám sát địa bàn để hỗ trợ Nhân dân thu hoạch diện tích lúa vụ xuân còn ngoài đồng. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương thì báo cáo UBND tỉnh để có kế hoạch điều động hỗ trợ.
Khẩn trương liên hệ với các chủ cơ sở sấy lúa để tổ chức sấy kịp thời số lúa đã bị ướt cho bà con nông dân, hướng dẫn người bảo quản số lượng lúa đã thu hoạch chưa bị ướt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Tập trung túc trực để vận hành tiêu thoát lũ tại các trục tiêu, nhất là các trục tiêu lớn để tiêu thoát nhanh cho các vùng đang bị ngập sâu và vùng có lúa, hoa màu chưa thu hoạch.
Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông, cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như ngầm qua suối, đường bị ngập sâu, bến đò ngang, đò dọc…; nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn.
Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng chức năng, trường học, địa phương có giải pháp đảm bảo an toàn, tránh đuối nước và các nguy có thể xảy ra do mưa lũ cho học sinh.
Tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thuộc phạm vi quản lý của địa phương, nhất là các hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao, các tuyến đê xung yếu, các công trình đang thi công.
Bố trí lực lượng tuần tra canh gác, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Triển khai lực lượng tổ chức rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu. Phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh triển khai lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu theo tình hình thiên tai; tổ chức đảm bảo an ninh trật tự và chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai đã được phê duyệt; phối hợp với các cấp chính quyền huy động cán bộ, chiến sỹ giúp Nhân dân nhanh chóng thu hoạch thu hoạch diện tích lúa vụ xuân còn ngoài đồng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các công ty TNHH MTV thủy lợi, các địa phương thường xuyên kiểm tra, tổ chức vận hành các công trình tiêu thoát lũ kịp thời chống ngập úng, triển khai các phương án đảm bảo an toàn các hồ, đập thủy lợi; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Các đơn vị được giao quản lý các công trình hồ đập, thủy lợi, thủy điện, đê điều tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các hồ chứa đang thi công, sửa chữa và các tuyến đê xung yếu, đê, cống qua đê đang thi công.
Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ đầu; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.
Đối với các hồ chứa có cửa van, đơn vị quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là tình hình mưa từ các cơ quan khí tượng thủy văn, để chủ động vận hành, nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du và tích đủ nước phục vụ sản xuất. Đối với các cống tiêu, thoát lũ phải cử người thường trực thường xuyên để vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.
Các tổ chức đoàn thể tổ chức vận động các đoàn viên, hội viên giúp Nhân dân nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa vụ xuân còn ngoài đồng.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Báo Hà Tĩnh thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể khác theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai đảm bảo hiệu quả.
Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, mưa lũ, kịp thời tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo, ứng phó.