Tây Ban Nha, Ireland, Na Uy công nhận nhà nước Palestine

Ba nước châu Âu công nhận nhà nước Palestine và mô tả động thái nhằm hướng tới hòa bình, dù bị Israel chỉ trích gay gắt.

"Chúng tôi vốn muốn công nhận Palestine khi kết thúc tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, Ireland quyết định thực hiện động thái này bây giờ, cùng lúc với Tây Ban Nha và Na Uy để duy trì phép màu hòa bình", Thủ tướng Ireland Simon Harris ngày 28/5 cho hay.

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide ca ngợi động thái công nhận là "ngày đặc biệt đối với quan hệ Na Uy - Palestine".

Sau khi nội các Tây Ban Nha có động thái tương tự, Ngoại trưởng Jose Manuel Albares cho biết "vẫn còn chặng đường dài phía trước, và Tây Ban Nha sẵn sàng bước đi ở làn dành cho mình trên con đường đưa đến hòa bình".

Ngoại trưởng Albares sẽ tiếp Ngoại trưởng các nước Jordan, Qatar, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ tại Madrid ngày 28/5 để đánh dấu việc Tây Ban Nha công nhận nhà nước Palestine.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng việc công nhận là "cần thiết" cho hòa bình, nhấn mạnh động thái này "không chống lại bất kỳ ai, kể cả Israel" và là cách duy nhất để đảm bảo tương lai của hai quốc gia cùng chung sống "trong hòa bình và an ninh".

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu tại quốc hội ngày 22/5. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu tại quốc hội ngày 22/5. Ảnh: Reuters

Theo ông, quyết định này cũng cho thấy Tây Ban Nha dứt khoát bác bỏ Hamas, nhóm phản đối giải pháp hai nhà nước. Thủ lĩnh Hamas hồi năm 2017 Khaled Meshaal đã tuyên bố Hamas không công nhận nhà nước Israel.

Kế hoạch công nhận nhà nước Palestine được ba nước công bố tuần trước, khiến Israel lập tức phản ứng dữ dội và triệu hồi đại sứ để tham vấn khẩn cấp, đồng thời làm trầm trọng thêm căng thẳng ngoại giao, đặc biệt với Tây Ban Nha.

Đại sứ Palestine tại Madrid, Husni Abdel Wahed, cảm ơn ba quốc gia đã thực hiện "bước rất quan trọng". Ông kêu gọi các nước châu Âu khác ủng hộ giải pháp hai nhà nước "chứng minh cam kết và hành động phù hợp với các giá trị của họ".

Tuy nhiên, việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine đã gây ra bất đồng gay gắt trong Liên minh châu Âu (EU). Trong nhiều thập kỷ, sự công nhận chính thức đối với nhà nước Palestine được coi là dấu chấm hết cho nền hòa bình dựa trên cơ sở đàm phán giữa Israel và Palestine.

Động thái của Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland đồng nghĩa sẽ có 145 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và 10 trong số 27 nước EU công nhận nhà nước Palestine. Năm 2014, Thụy Điển trở thành thành viên EU đầu tiên công nhận nhà nước Palestine.

Hầu hết các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, tuyên bố sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine, song phải vào thời điểm sau khi đạt được thỏa thuận về các vấn đề nan giải như biên giới cuối cùng và tình trạng của Jerusalem. Chiến sự đang diễn ra ở Gaza khiến xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi công nhận nhà nước Palestine.

vnexpress.net

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.