Ngôi nhà của Mẹ Chìu nằm cuối con ngõ của thôn Hoa Tân, xã Kỳ Hoa. Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Chìu năm nay đã bước sang tuổi 88. Mẹ đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu nhưng trong ánh mắt ấy vẫn chất chứa nỗi buồn.
Nhắc về những người thân thương là chồng và đứa con trai duy nhất hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nước mắt mẹ lại rơi.
Cũng như nhiều phụ nữ trên mảnh đất gió lào bỏng rát, sinh ra, lớn lên, cô thôn nữ Đào Thị Chìu không biết nhiều về chữ nghĩa; làm nghề nông bám đất, bám ruộng mà sinh sống. Đất nước binh đao thì đàn ông ra trận, phụ nữ ở nhà làm thay việc đồng áng, cấy cày. Năm 17 tuổi, cô gái Đào Thị Chìu kết duyên cùng anh lính Mai Quang Tâng cùng quê và lần lượt sinh được 5 người con (1 trai, 4 gái). Người con trai đầu lòng là Mai Văn Thành (SN 1952).
Tấm Bằng Tổ quốc ghi công đã nhuốm màu thời gian.
Chồng mẹ Chìu lúc đó trực chiến ở khu vực Đèo Ngang cách nhà gần 30 cây số, nên cũng có điều kiện về thăm nhà. Những tưởng giữa lúc chiến tranh, cuộc đời mẹ như thế cũng gọi là yên ả ở vùng quê nghèo… Nhưng, một ngày tháng 8/1972, trong một trận càn của địch, người chồng hy sinh khi đứa con gái út vừa tròn 7 tháng tuổi. Nhận tin, mẹ ngất lịm. “Ông ấy hẹn sau trận này, chỉ huy sẽ cho phép về thăm nhà một ngày. Vậy mà, ông ấy không giữ lời hứa!” - mẹ khóc khi chạm đến nỗi đau như còn nguyên vẹn dẫu đã cách nửa thế kỷ.
Cũng trong năm 1972, khi người cha vừa ngã xuống vì đất nước, anh Mai Văn Thành - người đàn ông còn lại của gia đình viết đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Tiễn con ra chiến trường, lòng mẹ Chìu quặn thắt, và chỉ tròn 1 năm sau, điều mà mẹ lo sợ nhất đã trở thành sự thật. Tấm giấy báo tử của con trai chỉ mấy dòng ngắn ngủi nhưng chẳng khác nào hàng ngàn vạn mũi dao làm tan nát trái tim của mẹ. Liệt sỹ Mai Văn Thành hy sinh tháng 7/1973 tại chiến trường Quảng Trị.
Không chỉ vào những ngày lễ lớn, chính quyền, đoàn thể các cấp thường xuyên động viên, thăm hỏi mẹ Chìu.
Hôm nay, mẹ lại thắp hương nói chuyện với chồng và con trai mình. Mẹ kể: “30/4 - ngày kỷ niệm thống nhất đất nước năm nào mẹ cũng thắp hương để cả nhà được đoàn tụ. Hai cha con hy sinh trước ngày giải phóng nên ngày lễ đất nước cũng mong cả hai được hưởng trọn thời khắc lịch sử đó…”. Lần giở trong mấy lần bọc nylon, mẹ đưa cho chúng tôi xem những tờ giấy có dòng chữ “Tổ quốc ghi công” úa màu vì thời gian - đó là tất cả những gì mẹ có về người chồng và con trai thân yêu của mình.
Tháng tư lại về, mẹ nói, còn không biết sống thêm bao nhiêu lần tháng tư nữa, nhưng nghĩa cử trọn tình, trọn nghĩa của Đảng, Nhà nước mẹ luôn ghi tạc trong lòng. Mỗi lần có các đoàn đến thăm vào các ngày lễ tết, mẹ thường nói rằng, các con thăm mẹ, nhớ mẹ tức là vẫn nhớ về chồng và về con của mẹ. Năm 2014, mẹ Đào Thị Chìu được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngôi nhà của mẹ luôn ấm tiếng cười của con cháu.
Ngôi nhà cấp 4 vừa mới được sửa sang của mẹ bây giờ luôn ấm tiếng cười của con cháu. Bà Mai Thị Dương, con gái thứ 2 của mẹ cho biết: “Thời gian gần đây, sức khỏe mẹ đã yếu hơn nên con cháu luôn thay phiên túc trực bên mẹ. Mẹ còn được sự động viên của bà con hàng xóm, sự quan tâm của chính quyền địa phương nên cũng vui hơn”.
Ông Hoàng Minh Tâm - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa chia sẻ: “Năm 2021, mẹ Chìu được Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn nhận phụng dưỡng suốt đời. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình có công với đất nước cũng được địa phương đặc biệt quan tâm để tri ân sự đóng góp, hy sinh của mẹ Chìu cùng gia đình”.
Mẹ Chìu vui khi nhận được sự quan tâm của chính quyền, các đoàn thể và bà con.
Tháng tư này, trên bàn thờ của chồng và con của mẹ Chìu, những bông cúc thắm được mẹ và con cháu đặt trang trọng cạnh di ảnh, nén hương thơm ấm căn nhà cầu mong ở nơi cõi xa chồng và con tìm về đoàn tụ trong ngày đất nước toàn thắng. Không chỉ những người con cháu ruột thịt, những ngày này, các bạn đoàn viên thanh niên, thành viên các tổ chức đoàn thể cũng như bà con làng xóm thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ, tri ân những cống hiến, hy sinh của mẹ, của gia đình cho đất nước, quê hương. Nỗi đau còn đó nhưng mẹ ấm lòng hơn khi tháng tư về…