Từ khi Công ty TNHH TM&DV Tổng hợp Tiến Minh thành lập công đoàn cơ sở, công nhân lao động thêm yên tâm, phấn khởi.
Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vẫn luôn là mảng “gai góc” trong các mặt hoạt động công đoàn, nhất là khi doanh nghiệp (DN) nhà nước dần thu hẹp, các DN ngoài nhà nước gặp khó khăn trong SXKD. Ở tỉnh ta, DN chủ yếu quy mô nhỏ và vừa với số lượng lao động ít, thường xuyên biến động càng làm công tác này khó khăn bội phần.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh cho biết: “Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các DN. Thời gian qua, do tình hình khó khăn chung trong hoạt động SXKD nên các DN bị ảnh hưởng, cán bộ công đoàn rất vất vả trong tuyên truyền, vận động”.
Cản trở lớn nhất đối với công tác này vẫn là nhận thức của chủ DN và cả người lao động còn hạn chế, thậm chí, nhiều chủ DN còn tâm lý né tránh, không muốn thành lập CĐCS vì ngại va chạm, mất thời gian hội họp và phải trích nộp kinh phí công đoàn. Vì thế, không tạo điều kiện cho công đoàn cấp trên trực tiếp tiếp cận người lao động để tuyên truyền, vận động. Còn về phía người lao động, hiểu biết về pháp luật và công đoàn còn hạn chế nên họ chỉ mới quan tâm đến quyền lợi vật chất được hưởng khi vào tổ chức mà chưa nhận ra điểm khác biệt rõ nét giữa đoàn viên công đoàn và người lao động không phải là đoàn viên.
Những khó khăn đó càng thôi thúc cán bộ công đoàn không quản ngại khó khăn, đến từng DN nắm bắt tình hình SXKD, tâm tư nguyện vọng của người lao động và thuyết phục chủ DN thành lập tổ chức công đoàn. “Đã không ít lần chúng tôi tìm đến và ra về mà không đạt được kết quả gì do chủ DN không hợp tác, đặc biệt là DN nước ngoài. Có khi phải quay lại nhiều lần để vận động họ thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động, chúng tôi vẫn không nản”, ông Nguyễn Đức Thạch - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh chia sẻ.
Cũng theo ông Thạch, thành lập CĐCS theo phương pháp mới bắt đầu được áp dụng từ năm 2016 đã mang lại kết quả tích cực. Theo đó, người lao động phải là chủ thể vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; người sử dụng lao động có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện và không can thiệp vào quá trình đó. Quy định này đã thể hiện được tính tự nguyện khi gia nhập công đoàn; giảm bớt sự can thiệp của người sử dụng lao động trong hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết, ý thức về tổ chức đại diện cho mình; cán bộ công đoàn trong những lần tiếp xúc trực tiếp với người lao động phải tạo được thiện cảm, niềm tin thì mới tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình.
Bà Võ Thị Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn Công ty Thương mại Hoàng Lâm Bân (khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp Bắc Quý, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Công ty thành lập từ năm 2011 nhưng phải đến tháng 5/2016, chúng tôi mới thành lập tổ chức công đoàn. Do quy mô công ty nhỏ, số lượng công nhân lao động không nhiều, lại làm việc không tập trung, hơn nữa vẫn còn những e ngại đối với hoạt động công đoàn nên ban đầu công ty chưa mặn mà. Nhưng được sự tuyên truyền, vận động, giải thích cặn kẽ của các cán bộ công đoàn ngành công thương và LĐLĐ tỉnh, chúng tôi nhận thức rằng, những lợi ích thiết thực, chính đáng của người lao động sẽ được đảm bảo khi có tổ chức công đoàn”.
Không phụ công sức của những người luôn trăn trở với hoạt động công đoàn, năm 2016, toàn tỉnh có 7.251 đoàn viên được kết nạp mới (đạt 103% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao), 72 CĐCS được thành lập mới (đạt 114% kế hoạch LĐLĐ tỉnh). So với những năm trước (năm 2013, thành lập mới 25 CĐCS, kết nạp 3.214 đoàn viên; năm 2014, thành lập 29 CĐCS và 1.896 đoàn viên; năm 2015 có 38 CĐCS và 3.585 đoàn viên), kết quả của năm 2016 là rất đáng ghi nhận.
Khép lại một năm nhiều khó khăn về tình hình KT-XH, với nỗ lực không mệt mỏi, cán bộ công đoàn tỉnh đã thực hiện tốt phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, góp phần vào sự phát triển bền vững của các DN nói riêng, toàn tỉnh nói chung.