Thầy giáo dạy bơi ở Hà Tĩnh chia sẻ cách cứu người đuối nước

(Baohatinh.vn) - Mùa hè là thời điểm ở các vùng nông thôn Hà Tĩnh xẩy ra nhiều vụ đuối nước. Để giảm nguy cơ tử vong do đuối nước, ngoài kỹ năng bơi lội, việc trang bị kỹ năng cứu người đuối nước là rất cần thiết bởi sự an toàn của nạn nhân và người cứu phụ thuộc lớn vào kỹ năng này.

Thầy giáo dạy bơi ở Hà Tĩnh chia sẻ cách cứu người đuối nước

Nhờ được trang bị kỹ năng cứu đuối, em Nguyễn Văn Dương đã cứu sống hai bạn nhỏ không may bị đuối nước.

Những ngày qua, thông tin em Nguyễn Văn Dương (học sinh lớp 8D - Trường THCS Minh Lạc - huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dũng cảm cứu mạng hai bạn nhỏ không may bị đuối nước đã khiến nhiều người cảm kích.

Theo đó, khoảng 16 giờ chiều ngày 23/4, trong lúc tắm kênh N1 - hệ thống thủy lợi Sông Rác (thuộc địa phận thôn 5, xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên), 2 em Võ Thanh Anh và Lê Thanh Dũng (cùng SN 2010, trú tại thôn 9, xã Cẩm Minh) đã bị nước đẩy ra khu vực lòng kênh có độ sâu từ 2-3m.

Đang ngồi học bài gần đó, nghe tiếng kêu cứu, em Dương đã kịp thời chạy ra ứng cứu, đưa được 2 em nhỏ lên bờ. Với sự hỗ trợ của người dân, Dương đã tiến hành các bước sơ cứu tại chỗ, cứu sống nạn nhân.

Thầy giáo dạy bơi ở Hà Tĩnh chia sẻ cách cứu người đuối nước

Em Nguyễn Văn Dương được các cấp, ngành tuyên dương vì hành động dũng cảm cứu người.

Em Dương chia sẻ: “Em học bơi từ nhỏ nên bơi khá thành thạo. Trường em thường xuyên phối hợp Công an huyện tổ chức các buổi tuyên truyền phòng chống đuối nước và kỹ năng cứu đuối nên khi nhảy xuống cứu bạn, em biết cách phải làm như thế nào để an toàn cho cả hai. Khi đưa được các bạn lên bờ, em nhanh chóng thực hiện các thao tác cứu đuối đã được học trước đó”.

Hai mạng người đã được cứu sống nhờ sự nhanh trí của cậu bé dũng cảm, nhưng phải nói rằng, việc được trang bị kỹ năng cứu đuối đã góp phần rất lớn trong thành công này. Bởi trước đó, đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng mà người cứu đuối cũng trở thành nạn nhân vì không ứng cứu đúng cách.

Thầy giáo dạy bơi ở Hà Tĩnh chia sẻ cách cứu người đuối nước

Thầy Hồ Anh Bảo hướng dẫn các thao tác cứu đuối cho học sinh.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Hồ Anh Bảo - giáo viên Thể dục, Trường THCS Đại Nài (TP Hà Tĩnh) - người khá tâm huyết với việc dạy bơi, trang bị kỹ năng cứu đuối cho trẻ cho biết: “Đuối nước được định nghĩa là hiện tượng khí quản bị một chất lỏng (thường là nước) xâm nhập và dẫn tới khó thở. Hậu quả của ngạt thở lâu có thể là tử vong hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh. Ngay sau khi phần đầu bị chìm dưới nước, nạn nhân có phản xạ ngừng thở và khoảng 2 phút sau thì phải thở hít vào khiến nước tràn vào mũi, miệng. Lúc này, nạn nhân càng cố gắng thở sâu càng nguy hiểm, dần mất các phản xạ và có thể tử vong sau 4 phút”.

Chính vì vậy, thời gian “vàng” để cứu sống nạn nhân là rất ngắn và đòi hỏi phương pháp cứu đuối phải được tiến hành đúng cách mới hiệu quả.

Thầy giáo dạy bơi ở Hà Tĩnh chia sẻ cách cứu người đuối nước

Học sinh Trường THCS Kỳ Tân - huyện Kỳ Anh thực hành kỹ năng cứu đuối.

Thầy Hồ Anh Bảo khuyến cáo: “Trong trường hợp không biết bơi, tuyệt đối bạn không được nhảy xuống nước cứu người, thay vào đó hãy tìm kiếm sự trợ giúp xung quanh như gọi người ứng cứu, dùng thuyền hoặc ném các đồ vật như dây, phao, cành cây, can nhựa... cho nạn nhân bám vào”.

Hướng dẫn thao tác cứu đuối đúng cách, thầy Bảo cho biết: Khi tiếp cận nạn nhân nên tiếp cận từ phía sau, nắm vào tóc hoặc phần sau của vai, không được nắm vào tay nạn nhân vì rất dễ bị họ khống chế trong trạng thái hoảng loạn, gây nguy hiểm cho cả hai. Khi đã đưa được nạn nhân lên bờ, việc sơ cứu kịp thời cực kỳ quan trọng bởi thời gian của họ không còn nhiều. Việc đầu tiên cần làm là kiểm tra đường thở, hô hấp, tuần hoàn của bệnh nhân. Nếu nạn nhân không thở, tiến hành bắt mạch bên cổ hoặc cổ tay trong khoảng 10 giây.

Thầy giáo dạy bơi ở Hà Tĩnh chia sẻ cách cứu người đuối nước

Các thao tác cứu đuối phải được tiến hành nhanh chóng, chính xác.

Nếu không bắt được mạch, phải hồi sức tim phổi bằng cách đặt gót bàn tay (2 ngón trỏ nếu nạn nhân là trẻ nhỏ) của mình lên giữa ngực nạn nhân, ép tim 30 lần. Mỗi lần ép, ấn sâu khoảng 5 cm, để ngực trở lại bình thường và tiến hành ép với tần suất khoảng 100 lần/phút. Sau đó kiểm tra xem nạn nhân đã bắt đầu thở chưa.

Đối với kỹ thuật hô hấp nhân tạo, chỉ có thể thực hiện chính xác nếu được đào tạo bài bản về hồi sức tim phổi. Để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên kẹp mũi lại, áp miệng mình vào miệng của nạn nhân và thực hiện hà hơi 2 lần, mỗi lần 1 giây.

Thầy giáo dạy bơi ở Hà Tĩnh chia sẻ cách cứu người đuối nước

Giáo viên Trường Tiểu học 2 Tân Lâm Hương - Thạch Hà hướng dẫn thao tác hồi sức tim phổi cho học sinh.

Sau đó, cần theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Thực hiện hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi bệnh nhân tự thở được hoặc khi đã nhận sự giúp đỡ của y tế.

“Đuối nước, ngạt nước là một tai nạn rất thường gặp, tuy nhiên đây là tai nạn có thể chủ động phòng tránh được. Kỹ năng bơi là để tự bảo vệ, còn kỹ năng cứu đuối không chỉ bảo vệ mình khỏi nguy hiểm mà còn giúp cứu được mạng sống của người khác, do đó, ai cũng đều cần học những kỹ năng sống cơ bản này” - thầy Hồ Anh Bảo chia sẻ thêm.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.
Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.