Bão Trami quật đổ cây cối tại Itomnan, trên đảo Okinawa. (Ảnh: EPA)
Bão Trami đổ bộ Nhật Bản, nhiều hoạt động tê liệt: Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, bão Trami đã tràn vào tỉnh Wakayama vào lúc 20 giờ (giờ địa phương) và di chuyển hướng về khu vực miền Đông và miền Bắc nước này. Cơ quan trên cảnh báo sóng to, gió mạnh và mưa lớn sẽ xảy ra trên diện rộng của nhiều khu vực.
Cơn bão thứ 24 trong năm của Nhật Bản di chuyển với tốc độ 50km/giờ cùng sức gió lên tới 216km/giờ. Tại thị trấn Minami Osumi và Yakushima của tỉnh Kagoshima, lượng mưa mỗi giờ lên tới 120mm. Các công ty đường sắt và hàng không đã phải hủy dịch vụ tại miền Tây Nhật Bản.
Công ty đường sắt miền Đông Nhật Bản đã ngưng toàn bộ dịch vụ tại thủ đô Tokyo vào lúc 20 giờ địa phương. Sân bay quốc tế Kansai tại Osaka cũng có động thái tương tự và sẽ mở cửa lại vào ngày 1/10.
Theo đài NHK, nhà chức trách đã khuyến cáo sơ tán 1,5 triệu dân và yêu cầu người dân không nên ra ngoài. Gần 500.000 hộ gia đình tại khu vực Kyushu, miền Tây Nhật Bản đã bị mất điện.
Người dân Macedonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, ngày 30/9. (Ảnh: AP)
Macedonia tổ chức trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước: Ngày 30/9, người dân Macedonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, mở đường cho việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) thông qua việc thực hiện thỏa thuận đạt được với Hy Lạp mới đây liên quan tranh cãi về vấn đề tên nước.
Hy Lạp cũng có một tỉnh ở miền Bắc mang tên Macedonia. Tranh cãi bùng phát từ năm 1991 khi Macedonia tách khỏi Cộng hòa Nam Tư. Hy Lạp cho rằng sự trùng tên này có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ, vì vậy quốc gia thành viên EU và NATO này phủ quyết việc Macedonia gia nhập hai tổ chức này. Theo đó, Macedonia gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi tạm thời là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM).
Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 6 vừa qua, Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ chấm dứt phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và NATO. Macedonia phải sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận cũng như phải tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc này.
Chủ tịch, kiêm CEO Tesla - Elon Musk. (Ảnh: Reuters)
Elon Musk chấp nhận nộp phạt và thôi làm Chủ tịch Tesla: Tỷ phú Elon Musk sẽ từ chức Chủ tịch ban lãnh đạo công ty Tesla và nộp phạt 20 triệu USD nhằm dàn xếp vụ kiện của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) về việc đăng tải "những thông tin không đúng sự thật và gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư" trên mạng xã hội Twitter.
Trong một tuyên bố ngày 29/9, SEC cho biết theo một thỏa thuận đã được tòa án đồng ý, ông Elon Musk sẽ rời khỏi vị trí Chủ tịch ban lãnh đạo Tesla, đồng thời cá nhân tỷ phú này và Tesla mỗi bên sẽ phải nộp phạt 20 triệu USD. Cũng theo thỏa thuận, tỷ phú Elon Musk tiếp tục là Giám đốc điều hành (CEO) Tesla nhưng sẽ không thể trở lại cương vị Chủ tịch ban lãnh đạo hãng sản xuất xe ô tô điện này trong 3 năm tới. Dự kiến, một “Chủ tịch độc lập” sẽ thay thế vị trí của ông Elon Musk, trong khi hai “giám đốc độc lập” khác sẽ do Tesla chỉ định.
Ngày 7/8 vừa qua, Elon Musk đăng tải trên Twitter một thông điệp, trong đó ông tiết lộ đã "được đảm bảo tài chính" để tư nhân hóa công ty Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu. SEC khẳng định tuyên bố của vị CEO này là "sai sự thật", đồng thời nhấn mạnh "ông Musk còn chưa thảo luận với bất kỳ nguồn đầu tư tiềm năng nào, nói gì đến việc đạt được thỏa thuận về các điều khoản then chốt bao gồm giá cổ phiếu". Theo SEC, tỷ phú 47 tuổi người gốc Nam Phi đã tự đưa ra mức giá tư nhân hóa của Tesla ở 420 USD/cổ phiếu và loan báo rộng rãi trên mạng xã hội mà không thảo luận vấn đề này với các thành viên trong hội đồng quản trị, nhân viên hay các chuyên gia tư vấn ngoài công ty.
Trụ sở của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Petrobras đồng ý nộp phạt 853 triệu USD: Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras ngày 27/9 đồng ý chi trả 853 triệu USD tiền phạt để kết thúc cuộc điều tra chống tham nhũng và hối lộ đối với tập đoàn này.
80% tổng giá trị khoản tiền phạt trên, tương đương với hơn 682,6 triệu USD, sẽ được chuyển trực tiếp cho các công tố liên bang Brazil. Còn 20% số tiền phạt còn lại sẽ được chia đều cho Ủy ban Chứng khoán (SEC) và Bộ Tư pháp Mỹ với mỗi bên nhận 10%.
Thỏa thuận về khoản tiền phạt trên đạt được sau gần 5 năm lực lượng cảnh sát Brazil tiến hành điều tra, nhằm tìm ra bằng chứng về vụ tham nhũng “khủng” ở nước Nam Mỹ này.
Cuộc điều tra tham nhũng ở Petrobras cho thấy một mạng lưới tham nhũng “khổng lồ” trên thế giới, và liên quan đến cả các đương kim và cựu tổng thống cũng như nhiều quan chức cao cấp tại các quốc gia Mỹ La-tinh.
Hồi đầu năm nay, Petrobras cũng đã đồng ý chi trả khoản tiền hơn 2,9 tỷ USD cho các nhà đầu tư Mỹ - những người được cho là chịu thiệt hại từ những tác động xấu của hành động tham nhũng trên.
Thi thể nạn nhân được phủ vải xanh trong vụ động đất, sóng thần ở thành phố Palu, đảo Sulawesi, gần bờ biển sáng 29/9. (Ảnh: AFP)
Indonesia chôn cất tập thể các nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần: Người phát ngôn cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia Purwo Nugroho ngày 30/9 cho biết. "Chúng tôi sẽ tiến hành chôn cất tập thể các nạn nhân nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan".
Các nhân viên cứu hộ Indonesia đang chạy đua với thời gian và nỗ lực khắc phục cảnh thiếu thốn trang thiết bị để tiếp tục tìm kiếm người mắc kẹt dưới những đống đổ nát.
Trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra ngoài khơi đảo Sulawesi vào chiều tối 28/9, tạo ra đợt sóng thần cao tới 6 m tàn phá nhiều khu vực ven biển của thành phố Palu và thị trấn Donggala. Ít nhất 832 người thiệt mạng. Chính phủ Indonesia quyết định giải ngân 37 triệu USD để phục vụ nỗ lực cứu trợ và hỗ trợ những người sống sót.
Hàng viện trợ đã bắt đầu được đưa đến Sulawesi. Chính phủ đang điều động 6 "nhà bếp dã chiến" có khả năng cung cấp 36.000 đĩa cơm một ngày và hàng nghìn tấm nệm, chăn.