Cảnh sát Tây Ban Nha khám xét trụ sở chính quyền vùng Catalonia: Trong khuôn khổ cuộc điều tra về việc chính quyền vùng tự trị Catalonia tổ chức trưng cầu ý dân trái phép hồi tháng 10/2017, cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành khám xét trụ sở chính quyền vùng này tại thủ phủ Barcelona.
Truyền thông Tây Ban Nha cho biết cảnh sát đang tìm kiếm bằng chứng của việc chính quyền cũ ở Catalonia dùng công quỹ tài trợ cho cuộc trưng cầu ý dân trái phép hồi năm ngoái.
Cơ quan lập pháp vùng Catalonia đã bị Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy giải tán sau khi cơ quan này đơn phương tuyên bố độc lập vào ngày 27/10/2017. Kể từ đó, vùng có 7,5 triệu dân này đã phải nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương ở Madrid. Cựu Thủ hiến vùng này Carles Puigdemont đang sống lưu vong tại Bỉ nhằm tránh lệnh truy nã. (Ảnh: Cảnh sát gác bên ngoài trụ sở kinh tế của chính quyền vùng Catalonia ở Barcelonia ngày 20/9/2017. Nguồn: AFP/TTXVN)
Nga tuyên bố trả đũa Anh vụ trục xuất các nhà ngoại giao: Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/3 cho biết, nước này đang tiến hành các biện pháp trả đũa chống lại Anh sau quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga.
Trước đó, ngày 14/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh và đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripan, mà Anh cho là Nga đứng đằng sau.
Đây được xem là vụ trục xuất ngoại giao lớn nhất kể từ sau Chiến trạnh Lạnh. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Chính phủ Anh đã từ chối hợp tác với Nga nhằm điều tra vụ việc. (Ảnh: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Nguồn: Sputnik)
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thừa nhận nhận tiền từ cơ quan tình báo: Theo hãng thông tấn Yonhap, cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã thừa nhận có nhận khoản tiền 107 triệu won (tương đương 100.000 USD) từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) trong thời gian ông tại nhiệm.
Một công tố viên thuộc Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul ngày 15/3 cho biết trong quá trình thẩm vấn kéo dài 21 tiếng đồng hồ trong khuôn khổ điều tra tham những, ông Lee Myung-bak đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc, song thừa nhận một số sự việc, trong đó có việc nhận khoản tiền "ngoài luồng" từ cựu Giám đốc NIS Won Sei-hoon thông qua một trong những trợ lý tổng thống. Tuy nhiên, cựu tổng thống từ chối cho biết đã sử dụng số tiền trên vào việc gì. (Ảnh: Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Nguồn: Yonhap)
Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới: Việt Nam xếp thứ 95, sau nước láng giềng Trung Quốc (86) hay một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan (46), Philippines (71) trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 của Liên Hợp Quốc.
4 quốc gia đầu bảng đều là các nước Bắc Âu, khi Phần Lan vượt qua Na Uy trở thành quốc gia xếp thứ nhất. Đứng ở vị trí thứ 3 và 4 lần lượt là Đan Mạch và Iceland, theo Guardian.
Được LHQ thực hiện từ năm 2012, báo cáo Hạnh phúc Thế giới xếp hạng 156 quốc gia theo 6 yếu tố: tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. (Ảnh: Một thiếu nữ Phần Lan. Nguồn: Visit Finland)
Thủ tướng Slovakia từ chức để xoa dịu tình hình: Ngày 14/3 Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã đệ đơn từ chức do sức ép từ phe đối lập về cách ông giải quyết vụ phóng viên Jan Kuciak bị sát hại khi điều tra mối quan hệ với maphia của các quan chức cấp cao.
Quyết định từ chức của ông Fico được Tổng thống Andrej Kiska phê chuẩn ngày 15/3, theo Reuters.
Người đứng đầu nhà nước Slovakia cũng chỉ định Phó thủ tướng Peter Pellegrini thay thế ông Fico thành lập chính phủ mới. (Ảnh: Cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) phát biểu sau khi từ chức. Nguồn: Reuters)