Quân đội Mỹ ở Trung Đông. (Ảnh: Middle East Eye)
Quốc hội Iran xem toàn bộ quân đội Mỹ ở Trung Đông là khủng bố: Ngày 16/4, các nghị sỹ Iran đã hoàn toàn ủng hộ dự luật xem các lực lượng Mỹ ở Trung Đông là khủng bố, một ngày sau khi quyết định của Washington coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố chính thức có hiệu lực.
Kênh truyền hình quốc gia Iran đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Tướng Amir Hatami, với sự cho phép của chính phủ, đã đưa ra dự luật trên nhằm đáp trả mạnh mẽ "các hành động khủng bố" của các lực lượng Mỹ.
Luật này yêu cầu các quan chức sử dụng các biện pháp "hợp pháp, chính trị và ngoại giao" để vô hiệu hóa động thái trên của Mỹ một cách không khoan nhượng.
Theo tin trên, 204 nghị sỹ trong tổng số 207 nghị sỹ có mặt trong phiên họp cùng ngày tại Quốc hội gồm 290 ghế đã thông qua dự luật này.
Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel Aal điều hành phiên họp sửa đổi Hiến pháp. (Ảnh Al Ahramonline)
Quốc hội Ai Cập mở rộng nhiệm kỳ của Tổng thống: Quốc hội Ai Cập ngày 16/4 đã thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp năm 2014 và mở rộng giới hạn nhiệm kỳ của Tổng thống.
Các điều khoản sửa đổi đã được thông qua trong các phiên họp ngày 16/4. Trong đó, các điều khoản quan trọng nhất là tăng nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 lên 6 năm, phân bổ 25% số ghế trong Quốc hội cho các ứng cử viên nữ, lập thượng viện của Quốc hội (Thượng viện) và khôi phục chức vụ Phó Tổng thống. Các điều khoản sửa đổi sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân.
Người dân Ai Cập ở nước ngoài sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 20-21/4, trong khi khoảng 55 triệu cử tri đủ điều kiện trong nước sẽ có thể bỏ phiếu trưng cầu ý dân vào ngày 22-24/4. Nếu được phê duyệt các sửa đổi sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàn Quốc thúc đẩy tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều thứ 4: Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 16/4 cho biết Bộ này sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong chính phủ để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ tư giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra thông báo trên sau khi Tổng thống Moon Jae-in ngày 15/4 nói rằng đã đến lúc nghiêm túc thúc đẩy tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và ông muốn tổ chức ngay khi Triều Tiên sẵn sàng, bất kể cuộc gặp này sẽ diễn ra ở đâu và theo hình thức nào.
Tổng thống Hàn Quốc hy vọng nhân dịp cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo với ông Kim Jong-un sẽ thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên - đang bế tắc sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên, được tổ chức tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua, không đạt được thỏa thuận nào.
Hàng nghìn người biểu tình tập trung bên ngoài tổng hành dinh của quân đội Sudan ở Khartoum ngày 14/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng nghìn người biểu tình Sudan đòi giải tán Hội đồng quân sự: Ngày 15/4, Hiệp hội các chuyên gia (SPA) - lực lượng nòng cốt tổ chức cuộc biểu tình tại Sudan kể từ ngày 19/12 năm ngoái, đã kêu gọi giải tán Hội đồng quân sự chuyển tiếp - đang lãnh đạo đất nước kể từ khi tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11/4 vừa qua, chấm dứt 30 năm cầm quyền.
Ông Mohamed Naji, một quan chức của SPA cho biết tổ chức này mong muốn giải tán Hội đồng quân sự và thay thế bằng một Hội đồng dân sự có đại diện của quân đội. Ông Ahmed al-Rabia, một lãnh đạo khác của SPA khẳng định nếu Hội đồng quân sự vẫn tiếp tục hoạt động, SPA sẽ không tham gia vào chính phủ chuyển tiếp. Ngoài ra, SPA cũng kêu gọi bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan tư pháp Abdelmajid Idris và Trưởng công tố Omer Ahmed Mohamed.
Ảnh minh họa: The National Interest
Nga chấm dứt mọi hợp tác với NATO: Ngày 15/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksander Grushko tuyên bố Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoàn toàn chấm dứt các quan hệ hợp tác ở cả các lĩnh vực dân sự và quân sự.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti ông Grushko tuyên bố NATO đã từ chối các nội dung nghị sự tích cực trong quan hệ với Nga. Ông cho rằng hiện tại NATO chưa có nhận thức về việc thoát khỏi ngõ cụt này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho rằng hiện tại quan hệ giữa hai bên đang lặp lại tình trạng Chiến tranh Lạnh như khi NATO mới được thành lập.
Trước đó, NATO cũng đã tuyên bố đình chỉ mọi hợp tác quân sự và dân sự với Moskva vào năm 2014 sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập trở lại Nga. Thời gian gần đây, quan hệ giữa hai bên cũng chứng kiến thêm nhiều tín hiệu xấu như việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).