Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Daily Mail)
Thỏa thuận bế tắc, Thủ tướng Anh xin lùi Brexit đến ngày 30/6: Trong lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk được công bố vào đầu giờ chiều ngày 20/3 theo giờ London, Thủ tướng Anh Theresa May đề nghị Liên minh châu Âu gia hạn điều 50 Hiệp ước Lisbon để lùi thời điểm thực thi Brexit đến ngày 30/6/2019.
Trong lá thư dài 2 trang gửi cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, nữ Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà đã cố gắng làm mọi cách để Vương quốc Anh có thể rời khỏi EU một cách trật tự theo đúng thời hạn quy định là vào ngày 29/3/2019, tuy nhiên nỗ lực này của bà đã bị Hạ viện Anh ngăn cản.
Vì thế, để tiến trình Brexit không đi vào các kịch bản nguy hiểm, bà May đề nghị Hội đồng châu Âu đồng ý cho nước Anh gia hạn điều 50 Hiệp ước Lisbon thêm 3 tháng, đến ngày 30/6/2019 mới chính thức thực thi Brexit.
Để thuyết phục phía châu Âu đồng ý với việc gia hạn này, trong lá thư, bà May cũng cho biết bà vẫn sẽ không từ bỏ ý định đưa bản thoả thuận Brexit mà chính phủ của bà và EU đã đạt được vào cuối tháng 11/2018 ra bỏ phiếu một lần nữa tại Hạ viện Anh.
Đồng thời, bà May cũng cam kết sẽ tìm kiếm thêm sự ủng hộ trong nội bộ nước Anh để bản thoả thuận được Hạ viện Anh thông qua. Tuy nhiên, bà May cũng đã đề nghị phía châu Âu tái khẳng định các cam kết và nhượng bộ đã được đưa ra vào tối ngày 11/3 tại Strasbourg, liên quan đến điều khoản backstop.
Quốc kỳ Triều Tiên (trái) và Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)
Nhật Bản kéo dài lệnh trừng phạt Triều Tiên thêm 2 năm: Kênh NHK (Nhật Bản) dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này sẽ kéo dài lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên thêm 2 năm nữa.
Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm vận thương mại đối với Triều Tiên và lệnh cấm tàu thuyền của Triều Tiên đi vào các cảng biển của Nhật Bản trong thời gian 2 năm. Quyết định sẽ chính thức được thông qua tại cuộc họp nội các Nhật Bản vào tháng tới.
Thông tin đưa ra trong bối cảnh cuối tháng 2 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam mà không có tuyên bố chung do khoảng cách giữa hai bên liên quan các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và việc nới lỏng trừng phạt của Mỹ.
Kể từ sau đó, Mỹ kêu gọi thắt chặt trừng phạt Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng có những bước đi rõ ràng hơn trong việc phi hạt nhân hóa.
Ông Kassym - Jomart Tokayev tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Reuters)
Tân Tổng thống Kazakhstan tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời: Ngày 20/3, trong một buổi lễ trang trọng tại thủ đô Astana, Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời, nắm quyền điều hành đất nước sau khi Tổng thống Nursultan Nazarbayev bất ngờ từ chức trước đó một ngày.
Theo kế hoạch, Tổng thống lâm thời Tokayev, 65 tuổi, sẽ đảm nhiệm vị trí này cho đến khi Kazakhstan tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 4/2020.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, ông Tokayev đã đề xuất đổi tên thủ đô Astana thành "Nursultan" để vinh danh tổng thống đầu tiên của đất nước - ông Nursultan Nazarbayev, ghi nhận những cống hiến to lớn của ông cho Kazakhstan.
Tổng thống lâm thời đánh giá Tổng thống Nazarbayev là chính trị gia có tầm nhìn của "một nhà cải cách."
Trước đó, ngày 19/3, Tổng thống Nazarbayev đã bất ngờ tuyên bố từ chức sau gần 30 năm cầm quyền.
Nhà toán học Karen Uhlenbeck tại Princeton, New Jersey, Mỹ, ngày 18/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lần đầu tiên một phụ nữ đoạt giải thưởng Toán học Abel danh giá: Sáng 20/3 (theo giờ Việt Nam), Viện hàn lâm khoa học Na Uy đã công bố chủ nhân giải thưởng Toán học Abel 2019 - đó là bà Karen Uhlenbeck - một nhà Toán học người Mỹ, với công trình nghiên cứu về các phương trình vi phân.
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 16 năm tồn tại, giải thưởng này được trao cho một phụ nữ.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Abel Hans Munthe-Kaas nêu rõ: "Bà Karen Uhlenbeck nhận giải thưởng Abel 2019 cho công trình nghiên cứu cơ bản về giải tích hình học và lý thuyết trường chuẩn, những điều đã làm thay đổi đáng kể diện mạo toán học.
Những lý thuyết của bà đã thay đổi hoàn toàn cách hiểu của chúng ta về những bề mặt rất nhỏ, như những thứ được tạo nên từ những bong bóng xà phòng và những vấn đề vi mô tổng quan hơn trong các kích thước cao hơn."
Nhà Toán học Karen Uhlenbeck, 76 tuổi, là học giả nghiên cứu cấp cao thỉnh giảng tại trường Đại học Princeton và Viện nghiên cứu cao cấp (IAS) của Mỹ.
Phần Lan giành ngôi vị quán quân bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới hai năm liên tiếp. (Ảnh: Getty Images)
Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới: Phần Lan tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới do World Happiness Report công bố vào Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Việt Nam đứng ở vị trí 94/156, tăng một hạng so với năm ngoái.
Đây là lần thứ hai liên tiếp quốc gia Bắc Âu giành được thứ hạng cao nhất tại bảng xếp hạng. Việc thăng hạng nhanh chóng của Phần Lan dựa trên nhiều yếu tố, chủ yếu nhờ tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới, phúc lợi xã hội tốt, hệ thống cảnh sát và ngân hàng đáng tin cậy bậc nhất.
Trong khi đó, trên tổng số 156 quốc gia, đất nước Nam Sudan đã bị xếp hạng ở vị trí chót bảng, điểm trung bình chỉ đạt 2,853 trên thang điểm 10, và giá là quốc gia ít hạnh phúc nhất trên thế giới. 10 quốc gia xếp hạng cuối còn bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan, Tanzania, Rwanda, Yemen, Malawi, Syria, Botswana, Haiti và Zimbabwe.
Báo cáo được công bố đúng ngày 20/3, được Liên hợp quốc chọn làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc hằng năm.