Lãnh đạo đảng Thai Raksa Chart, ông Preechaphol Pongpanit, phát biểu với báo giới tại trụ sở đảng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 12/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tòa án Thái Lan giải thể đảng đề cử công chúa ra tranh cử thủ tướng: Ngày 7/3, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết giải thể đảng Thai Raska Chart do đảng này đề cử Công chúa Ubolratana tham gia tranh cử chức thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/3 tới.
Trong một tuyên bố, thẩm phán Twekiat Menakanist xác nhận quyết định giải thể đảng Thai Raska Chart và cấm các lãnh đạo đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 10 năm.
Xứ sở chùa Vàng chưa có một thủ tướng nào xuất thân Hoàng gia kể từ khi nước này thiết lập chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932.
Luật bầu cử của Thái Lan cấm các đảng lợi dụng hoàng gia trong các chiến dịch tranh cử. Do đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cáo buộc đảng Thai Raska Chart đã vi phạm luật bầu cử khi đề cử Công chúa Ubolratana làm ứng cử viên thủ tướng, hành động mà ủy ban này cho là "đối nghịch với chế độ quân chủ lập hiến."
Huawei chính thức kiện chính phủ Mỹ. (Ảnh: AFP)
Huawei chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ: Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei ngày 6/3 đã chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ lên 1 tòa án ở Texas.
Đơn kiện của tập đoàn Huawei thách thức tính hợp hiến của một số điều khoản thuộc Đạo luật cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia của Mỹ được Tổng thống Donald Trump ký năm 2018. Theo Huawei, đạo luật này giới hạn các cơ quan liên bang giao thương với tập đoàn này cũng như 1 tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE. Đạo luật này cũng cấm việc mua thiết bị sử dụng công cụ của các công ty Trung Quốc.
Tập đoàn Huawei cáo buộc rằng đạo luật đã vi phạm việc phân chia quyền lực giữa quốc hội và các nhánh của chính phủ Mỹ. Nhà Trắng đã chuyển vụ kiện tới bộ Tư pháp Mỹ và cơ quan này hiện chưa có bình luận nào về vụ việc.
Lễ đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) tại Bình Nhưỡng sau khi ông kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 5-3-2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Liên hợp quốc kêu gọi tăng viện trợ nhân đạo 120 triệu USD cho Triều Tiên: 120 triệu USD là số tiền Liên hợp quốc (LHQ) cần có để bổ sung quỹ viện trợ nhân đạo hỗ trợ khoảng 3,8 triệu người dễ bị tổn thương nhất ở Triều Tiên.
Báo cáo của LHQ công bố ngày 6/3 cho biết hiện có khoảng 11 triệu người, chiếm 40% dân số Triều Tiên, không được tiếp cận các thực phẩm bổ dưỡng, nước sạch hay dịch vụ vệ sinh và y tế. Theo ông Tapan Mishra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Triều Tiên, điều đáng lo ngại nhất là sản lượng lương thực năm 2018 của Triều Tiên thấp hơn 9% so với năm 2017 và là mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, nguyên nhân chủ yếu là do thiên tai, thiếu đất canh tác và máy móc nông nghiệp lạc hậu.
Trong đánh giá Nhu cầu và ưu tiên đối với Triều Tiên trong năm 2019, LHQ cho biết sản lượng lương thực của Triều Tiên trong năm 2018 chỉ đạt 4,95 triệu tấn, giảm 500.000 tấn (tương đương 9%) so với năm trước đó. Sản lượng lương thực sụt giảm đã khiến gần 11 triệu người cần trợ giúp nhân đạo. Với số người thiếu ăn trong năm 2018 tăng khoảng 600.000 người so với năm trước đó, LHQ cho rằng số người bị suy dinh dưỡng và mắc bệnh ở quốc gia Đông Bắc Á này có thể gia tăng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước lãnh đạo và chỉ huy của Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) ngày 6/3. (Ảnh: RIA Novosti)
Nga phát hiện gần 600 điệp viên nước ngoài trong năm 2018: Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/3 cho biết chỉ trong năm ngoái, các cơ quan an ninh nước này đã ngăn chặn gần 600 nhân viên tình báo nước ngoài, khẳng định các đối thủ tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp mở rộng tại Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), Tổng thống Putin cho biết: “Các cơ quan phản gián đã hoạt động hiệu quả trong năm vừa qua. Nhờ các chiến dịch đặc biệt thành công, 129 nhân viên tình báo và 465 gián điệp nước ngoài đã bị ngăn chặn”.
Tổng thống Putin cho biết thêm, các cơ quan tình báo nước ngoài "đang tìm cách tăng cường hoạt động" trên khắp nước Nga, tìm kiếm quyền truy cập thông tin về kinh tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ của đất nước.
"Như trong quá khứ, có lẽ hiện tại, họ cũng đang tìm cách tác động đến chính trị ở nước ta. Do đó, công tác tình báo phải hiệu quả, được tiến hành hàng ngày và dựa trên các phương pháp làm việc hiện đại”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Canada bác bỏ cáo buộc can thiệp chính trị trong vụ bê bối SNC-Lavalin: Tại cuộc họp báo ở thủ đô Ottawa ngày 7/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thừa nhận để xảy ra sai sót trong việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại liên quan tới cáo buộc chính phủ can thiệp vào tiến trình truy tố Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin, song khẳng định không có bất kỳ vấn đề nào vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Trudeau cho biết ông đã không nhận ra tình trạng niềm tin bị suy giảm giữa Văn phòng Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould sau mùa Thu 2018 và thừa nhận đáng ra ông phải nhận thấy điều này.
Tuy nhiên, ông khẳng định không có sự vi phạm pháp luật hay tính toàn vẹn của các thể chế. Ngoài ra, Thủ tướng Trudeau cũng phủ nhận những cáo buộc can thiệp chính trị "mang tính đảng phái" vào tiến trình truy tố Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin đang khiến chính trường Canada rơi vào khủng hoảng tồi tệ.
Sóng gió đã nổi lên trên chính trường Canada sau khi báo Globe and Mail dẫn nguồn tin giấu tên cho hay người từng đứng đầu Bộ Tư pháp Canada, bà Wilson-Raybould, đã phải chịu sức ép từ Văn phòng Thủ tướng Trudeau để không truy tố hình sự SNC-Lavalin. Tập đoàn có trụ sở tại Montreal này bị buộc tội hối lộ các quan chức Libya trong giai đoạn 2001 - 2011 để đổi lấy các hợp đồng. SNC-Lavalin muốn được nộp phạt để tránh phải hầu tòa.