Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị Thưởng đỉnh liên Triều đầu tiên. (Ảnh: Yonhap)
Hai miền Triều Tiên chốt kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng: Ngày 6/9, hãng tin Yonhap dẫn thông báo từ Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong, cho biết Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới Triều Tiên từ ngày 18-20/9 tới để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4, trong khi cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 diễn ra hôm 26/5.
Ông Chung Eui-yong, Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, cho biết thêm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3 sẽ tập trung thảo luận và đánh giá lại việc thực thi Tuyên bố Chung Panmunjom đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất, thảo luận đường hướng triển khai tuyên bố trong tương lai, cũng như những bước đi thiết thực nhằm thiết lập hòa bình lâu dài và đảm bảo tương lai thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Sputnik)
Liên minh châu Âu nhất trí gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng: Reuters đưa tin, các nhà ngoại giao và quan chức cho biết, ngày 5/9, các phái viên của Liên minh châu Âu (EU) nhất trí gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt đối với Nga, liên quan tới cáo buộc Moskva gây bất ổn tình hình ở Ukraine.
Các quan chức ngoại giao nêu rõ, danh sách đen của EU gồm 154 cá nhân và 44 thực thể sẽ chịu lệnh cấm đi lại của khối này và đóng băng tài sản. Danh sách này phần lớn là các công dân và công ty của Nga, cũng như các cá nhân Ukraine ủng hộ Moskva.
Theo các quan chức ngoại giao, quyết định gia hạn chính thức các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tại phiên tòa ngày 23/5. (Ảnh: AFP)
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị đề nghị mức án 20 năm tù: Theo Yonhap, ngày 6/9, các công tố viên Hàn Quốc đã đề nghị Tòa án quận trung tâm Seoul tuyên phạt cựu Tổng thống nước này Lee Myung-bak 20 năm tù giam về tội tham nhũng và các tội danh khác.
Ngoài ra, các công tố viên cũng đề nghị đưa ra mức phạt 15 tỷ won (13,4 triệu USD) và tịch thu 11,1 tỷ won đối với vị cựu tổng thống này.
Tòa trên sẽ công bố phán quyết trong xét xử cựu Tổng thống Lee Myung vào đầu tháng 10.
Giàn giáo xây dựng đổ sập khi bão Jebi đổ bộ thành phố Osaka ngày 4/9. (Ảnh: Kyodo News/AP)
Nhật Bản hứng bão lớn và động đất, nhiều người thương vong: Ngày 4/9, cơn bão Jebi (mạnh nhất trong 25 năm qua) đã đổ bộ vào Nhật Bản gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các địa phương, đặc biệt là tỉnh Osaka.
Tính đến ngày 5/9, đã có 9 nạn nhân tử vong và khoảng 340 người bị thương. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka cho biết, đến nay chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
Sáng sớm ngày 6/9, một trận động đất mạnh 6,7 độ richter xảy ra tại Hokkaido khiến 35 người thiệt mạng, 3 người khác vẫn mất tích và hàng chục căn nhà bị phá hủy. Chính quyền tỉnh Hokkaido cho biết tính đến chiều 8/9, đã có hơn 5.600 người phải sơ tán tới các khu nhà tạm. Sau động đất đã có hơn 130 cơn dư chấn xảy ra.
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Putin trong 1 lần gặp gỡ trước đó. (Ảnh: Sputnik)
Cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Trung Quốc diễn ra vào tuần tới: Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thành phố cảng Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga từ ngày 11-12/9.
Đây sẽ là lần đầu tiên một nguyên thủ của Trung Quốc dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông do Nga tổ chức, một diễn đàn mà Nga hi vọng sẽ khuyến khích đầu tư vào vùng Viễn Đông thưa thớt dân cư.
Trong tháng 9 này, Trung Quốc sẽ cử 3.200 binh sỹ và 900 thiết bị vũ khí tới tham gia cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga kể từ Chiến tranh Lạnh. Những năm gần đây Nga đã vượt Saudi Arabia để trở thành nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Về phần mình Trung Quốc cũng nhập của Nga khí đốt và thiết bị quân sự.
Lộ trình cuối cùng được tái hiện của chuyến bay mất tích MH370 tháng 3/2014. (Đồ họa: Sun)
Malaysia bị cáo buộc sửa dữ liệu trong báo cáo về MH370: Victor Iannello, người dẫn đầu Nhóm điều tra độc lập về bí ẩn mất tích máy bay MH370 nói rằng, ông cùng các cộng sự là Don Thompson và Richard Godfrey đã tìm thấy một số điểm bất thường trong bản báo cáo ban đầu được chính phủ Malaysia công bố vào ngày chiếc máy bay mất tích 8/3/2014 cũng như bản báo cáo được phát hành hôm 30/7/2018.
"Những bất thường cho thấy các bản ghi nhật ký liên lạc trong các bản báo cáo không đầy đủ và những gì xuất hiện trong đó đã được sửa đổi", ông Iannello quả quyết.
Iannello nói rằng nhóm của ông thực sự thất vọng khi phát hiện ra điều này, đồng thời yêu cầu chính phủ Malaysia tiết lộ các tiết lộ các dữ liệu mà họ đang che giấu cũng như cung cấp những ghi chép đầy đủ, chưa sửa đổi về tất cả các thông tin liên lạc của Hệ thống báo cáo và liên lạc cho máy bay (ACARS) thu được trên các đường dẫn. Điều này theo Iannello sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu trong cuộc họp báo tại Madrid ngày 3/8. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Tây Ban Nha đề xuất trưng cầu mở rộng quyền cho xứ Catalonia: Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 3/9 đề xuất tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân tại vùng Catalonia về khả năng mở rộng quyền tự trị cho vùng này, song nhấn mạnh không cho phép một cuộc bỏ phiếu về độc lập như yêu cầu của các lãnh đạo chính quyền vùng.
Đài phát thanh Cadena Ser dẫn lời Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh: "Đây là một cuộc trưng cầu ý dân về tự trị, không phải là tự quyết". Tuy nhiên, Thủ tướng Sanchez chưa đề cập tới thời điểm tiến hành cuộc bỏ phiếu này.
Hiện trường vụ cháy Bảo tàng Quốc gia Brazil. (Ảnh: Reuters)
Cháy lớn thiêu rụi Viện bảo tàng quốc gia 200 tuổi ở Brazil: Đám cháy bắt đầu từ tối ngày 2/9 (theo giờ địa phương) và kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ trước khi được lực lượng cứu hỏa dập tắt. Theo lực lượng chức năng, đám cháy đã lan nhanh do nhiều vật liệu dễ cháy trong bảo tàng.
Viện Bảo tàng Quốc gia 200 tuổi tại thành phố Rio de Janeiro là nơi lưu giữ bộ sưu tập gồm 20 triệu vật phẩm có giá trị khảo cổ và lịch sử.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Brazil Michel Temer đã bày tỏ sự tiếc nuối trước vụ việc, rằng “đây là một ngày đau thương của Brazil. Không thể đong đếm được mất mát về toàn bộ các hiện vật trưng bày trong bảo tàng.
Thủ lĩnh ly khai tại vùng Donetsk ở miền Đông Ukraine Alexander Zakharchenko. (Ảnh: Reuters)
Thủ lĩnh ly khai ở miền Đông Ukraine bị ám sát: Theo các thông tin ban đầu, một số đối tượng đã cài thiết bị nổ trong quán cà phê trên đại lộ Pushkin ở trung tâm Donetsk khi biết người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) Alexander Zakharchenko sẽ lui tới đây. Bộ trưởng Thuế vụ của DPR Alexander Timofeyev cũng bị thương nặng sau vụ nổ và đang được điều trị.
Không lâu sau khi ông Zakharchenko bị ám sát, giới chức Donetsk khẳng định vụ ám sát là hành động của những kẻ phá hoại đến từ Kiev. Moscow cũng có cùng quan điểm khi tin rằng Kiev đứng đằng sau vụ việc.
Tuy nhiên, cơ quan an ninh Ukraine phủ nhận bất cứ trách nhiệm nào liên quan tới vụ việc. Phát biểu trên truyền hình, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (NSS) Igor Gushkov cho rằng, ông Zakharchenko nhiều khả năng đã thiệt mạng trong các vụ giao tranh giữa các tổ chức trong khu vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dawn)
Mỹ quyết định cắt khoản viện trợ 300 triệu USD cho Pakistan: Ngày 1/9, Lầu Năm Góc thông báo đã đưa ra quyết định cuối cùng hủy bỏ khoản viện trợ 300 triệu USD cho Pakistan.
Đây là khoản viện trợ mà Mỹ đã trì hoãn trước đó do cáo buộc chính quyền Islamabad không có hành động nhằm đối phó với những tay súng ẩn náu trên lãnh thổ nước mình.
Ngoài khoản tiền trên, Mỹ cũng đã cắt một khoản viện trợ trị giá 500 triệu USD cho Pakistan vào đầu năm nay, nâng tổng số tiền viện trợ bị cắt lên tới 800 triệu USD.