Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

(Baohatinh.vn) - Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3; G20 ra tuyên bố chung thúc đẩy thương mại tự do, công bằng... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 30/6 - 6/7/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ ngày 30/6. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau lần 3: 15h46 chiều 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump bước qua gờ bê tông đánh dấu ranh giới liên Triều ở Khu Phi quân sự (DMZ), tiến 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên. Người mỉm cười bên cạnh ông Trump là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

"Thật tốt khi gặp lại ngài", ông Kim nói với ông Trump. "Tôi chưa từng nghĩ sẽ gặp ngài ở nơi này". "Khoảnh khắc lớn, khoảnh khắc lớn", ông Trump đáp.

Sau khoảng một phút đứng trên lãnh thổ Triều Tiên, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở lại giới tuyến và đi vào lãnh thổ Hàn Quốc. Cả hai trả lời ngắn báo chí trước khi vào Nhà Tự do để thảo luận riêng. Ông Trump cho biết ông sẽ mời ông Kim Jong-un tới Nhà Trắng.

Cuộc gặp Trump - Kim ở DMZ ban đầu được lên kế hoạch là một cuộc chào hỏi ngắn, không phải một cuộc đàm phán chính thức nhưng cuối cùng nó kéo dài khoảng 80 phút. Sau cuộc trò chuyện riêng khoảng 50 phút, Tổng thống Trump cho biết ông và ông Kim nhất trí cử giới chức đôi bên nối lại đàm phán hạt nhân trong 2-3 tuần nữa. Phái đoàn Mỹ sẽ tiếp tục do đặc phái viên Stephen Biegun dẫn đầu, chưa rõ phía Triều Tiên cử ai.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) phát biểu bế mạc Hội nghị G20. (Ảnh: Reuters)

G20 ra tuyên bố chung thúc đẩy thương mại tự do, công bằng: Sau 2 ngày nhóm họp, ngày 29/6, lãnh đạo G20 đã nêu rõ sự cần thiết của một chính sách thương mại tự do, công bằng và không phân biệt đối xử.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Trong Hội nghị Thượng đỉnh này, chúng tôi đã nhất trí về các nguyên tắc cơ bản ủng hộ một hệ thống thương mại tự do, đó là đảm bảo thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử và thị trường mở cũng như các điều kiện cạnh tranh công bằng.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện đã không thể đối phó với việc số hóa nền kinh tế thế giới. Tôi nghĩ rằng kết quả của hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại một luồng gió mới để cải tổ WTO."

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết, các nhà lãnh đạo cũng tìm thấy điểm chung về biến đổi khí hậu mặc dù có "sự khác biệt lớn" trong quan điểm của các thành viên. 19 thành viên G20, ngoại trừ Mỹ, đã nhất trí "không thể đảo ngược" thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận này.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Nghị sĩ đảng Xã hội Italy David Sassoli hôm 3/7 đã được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho nhiệm kỳ 2,5 năm tới. (Ảnh: Getty)

Ủy ban châu Âu có Chủ tịch Nghị viện mới: Nghị sĩ đảng Xã hội Italy David Sassoli ngày 3/7 đã được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho nhiệm kỳ 2,5 năm tới.

Ông Sassoli 63 tuổi được bầu chọn sau 2 vòng bỏ phiếu. Trước khi trở thành nghị sĩ nghị viện Liên minh châu Âu trong vòng 1 thập kỷ qua, ông từng là một nhà báo.

Trước đó, hôm 2/7, Bộ trưởng Quốc phòng của Đức, bà Ursula von der Leyen, được giới thiệu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã dành 3 ngày liên tiếp cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 kể từ sau cuộc bầu cử châu Âu để tranh luận xem ai sẽ nắm giữ các vị trí hàng đầu của khối cho đến năm 2024.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Một tàu ngầm nghiên cứu biển sâu của hải quân Nga. (Ảnh: RIA Novosti)

Tàu ngầm nghiên cứu của hải quân Nga bốc cháy, 14 người thiệt mạng: Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/7 thông báo ít nhất 14 thủy thủ thuộc hải quân nước này thiệt mạng do ngạt khói khi một tàu ngầm nghiên cứu khoa học bốc cháy gần căn cứ quân sự ở thành phố Severomorsk.

Theo bản ghi nội dung cuộc họp diễn ra hôm 4/7 tại Điện Kremlin giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, ông Shoigu đã xác nhận tàu ngầm Nga gặp nạn hôm 1/7 chạy bằng năng lượng hạt nhân. Bộ trưởng Shoigu cũng cho biết ngọn lửa bắt nguồn từ khoang chứa pin điện và lan ra xung quanh.

“Lò phản ứng hạt nhân trên tàu đã được cô lập hoàn toàn và duy trì đầy đủ khả năng hoạt động. Thủy thủ đoàn đã áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ an toàn và tránh làm rò rỉ phóng xạ”, Bộ trưởng Shoigu nói với Tổng thống Putin, theo bản ghi của Điện Kremlin.

Bộ trưởng Shoigu hy vọng con tàu có thể được sửa chữa nhanh chóng và sớm vận hành trở lại. Hiện nhà chức trách đang tiếp xúc với gia đình các nạn nhân để thực hiện mọi sự giúp đỡ cần thiết.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Mỹ tưng bừng tổ chức các hoạt động mừng Quốc khánh lần thứ 243. (Ảnh: Susan Walsh)

Mỹ tưng bừng tổ chức các hoạt động mừng Quốc khánh lần thứ 243: Người dân trên khắp nước Mỹ ngày 4/7 đã tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 243 (4/7/1776 - 4/7/2019).

Tiêu điểm của các hoạt động diễn ra tại thủ đô Washington với màn diễu binh, diễu hành quy mô, thông điệp chào mừng của Tổng thống Donald Trump, cùng với đó là lễ hội pháo hoa và âm nhạc đặc sắc.

Hoạt động kỷ niệm chính thức bắt đầu từ lúc 11h 45 phút sáng bằng màn diễu hành trên tuyến đường dài khoảng 1,5 km với sự tham gia của các đơn vị quân đội, tổ chức quần chúng, ban nhạc, đội trống và những chiếc bóng bay khổng lồ,... tạo nên bầu không khí náo nhiệt trên tuyến phố trung tâm Thủ đô.

Lễ mừng Độc lập của nước Mỹ tại Thủ đô Washington chính thức khép lại bằng màn bắn pháo hoa ngoạn mục kéo dài tới 35 phút, dài hơn 15 phút so với mọi năm.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 20/6/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn dự luật đình chỉ INF: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn dự luật đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Thông tin này được đăng trên trang web chính thức của Chính phủ Nga ngày 3/7.

Trước đó, dự luật đình chỉ thực thi INF của Nga được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn ngày 18/6 và sau đó tiếp tục được đưa lên Hội đồng liên bang (Thượng viện) để thông qua. Tổng thống Putin đã gửi dự luật cho Hạ viện từ cuối tháng Năm.

INF được Mỹ - Nga ký năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km. Mỹ rút khỏi hiệp ước với cáo buộc tên lửa mới của Nga Novator 9M729 vi phạm INF vì có tầm bay hơn 5.000 km. Washington tuyên bố rút khỏi INF trong 6 tháng trừ khi Moskva phá hủy tên lửa vi phạm cùng bệ phóng và thiết bị.

Trong khi đó, Nga đã công khai mẫu tên lửa trên, cho biết tầm bắn của tên lửa là 480 km và khẳng định không vi phạm hiệp ước. Moskva từ chối yêu cầu của Mỹ là phá hủy tên lửa. Các quan chức Nga cáo buộc Mỹ cố kiếm cớ để rút khỏi hiệp ước nhằm phát triển tên lửa mới.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Trẻ em chơi đùa tại khu vực đài phun nước ở quảng trường Schwarzenberg, Áo để tránh nắng nóng với nhiệt độ lên tới 36 độ C, ngày 26/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

OCED chỉ đích danh 6 nước khiến biến đổi khí hậu trầm trọng hơn: Trong một bài phát biểu ngày 3/7, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Angel Gurria đã chỉ đích danh Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Mexico và Australia là những nước đang khiến tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, kêu gọi các nước này cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Theo Tổng Thư ký OECD Angel Gurria, các nước nêu trên đang cản trở nỗ lực thay đổi của giới trẻ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà ông cho rằng đây là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh công nghệ hỗ trợ chống biến đổi có sẵn và chi phí liên tục giảm.

Trong bài phát biểu của mình, ông Gurria nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết hiện nay liên quan đến Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu. Ông cho biết đến nay chỉ có 12 nước trong tổng số 195 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris công bố kế hoạch chi tiết nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong văn kiện.

Theo ông, Hiệp định Paris cần phải được điều chỉnh bởi thế giới đều biết rằng thỏa thuận này không đủ để có thể đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C so với với kỳ tiền công nghiệp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Tàu của Hải quân Hoàng gia Anh (phải, phía sau) tuần tra gần tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị bắt giữ ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh, ngày 4/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh bắt tàu chở dầu Iran: Ngày 5/7, Iran đã yêu cầu Anh ngay lập tức thả tàu chở dầu của nước này bị bắt giữ ở vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh, cho rằng London đã hành động theo yêu cầu của Mỹ.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho biết nước này đã triệu Đại sứ Anh tại Tehran nhằm phản đối việc tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị phía Anh bắt giữ tại vùng lãnh thổ Gibraltar.

Một quan chức cấp cao của bộ này cho rằng hành động của Anh là "không thể chấp nhật được." Quan chức này cũng yêu cầu Anh thả ngay lập tức tài chở dầu trên và cho rằng việc bắt giữ là trái phép và được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ.

Trước đó một ngày, cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển Gibraltar với sự hỗ trợ của Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã bắt giữ tàu Grace 1 vào sáng sớm 4/7 do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) khi chở dầu đến Syria.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Hệ thống phòng không S-400 của Nga tại lễ diễu binh ở Vladivostok, Nga ngày 9/5/2019. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Nga xác nhận thỏa thuận S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ đang được thực thi: Sputniknews đưa tin người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/7 xác nhận thỏa thuận về việc chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ đang được thực thi theo đúng kế hoạch.

Bình luận với phóng viên về thông tin của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ rằng các hệ thống S-400 sẽ được đưa lên 2 máy bay vận tải vào ngày 7/7 và chở tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới, người phát ngôn Peskov khẳng định: "Tôi có thể thay mặt Điện Kremlin xác nhận rằng thỏa thuận S-400 đang được thực thi theo đúng kế hoạch."

Trước đó cùng ngày, đài truyền hình Haberturk ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đầu tiên của Nga sẽ được đưa lên máy bay vận tải trong ngày 7/7 và chở tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới. Đài truyền hình này nói thêm rằng một đội kỹ thuật của Nga chịu trách nhiệm giám sát việc lắp đặt hệ thống S-400 dự kiến sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8/7 tới.

Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau lần 3

Hộ chiếu Nhật Bản là 1 trong 2 cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. (Ảnh: Internet)

Hộ chiếu Nhật Bản, Singapore “quyền lực” nhất thế giới: Một nghiên cứu về hộ chiếu "quyền lực" do Henley & Parners Holdings Ltd. biên soạn và công bố mới đây cho biết Nhật Bản và Singapore là hai quốc gia cùng đứng đầu danh sách các quốc gia sở hữu hộ chiếu "thân thiện" nhất trên thế giới cho việc đi lại và du lịch.

Theo đó, hộ chiếu của hai nước này cùng chia sẻ vị trí đầu bảng xếp hạng chỉ số hộ chiếu Henley Passport Index với khả năng dễ dàng nhập cảnh 189 nước và vùng lãnh thổ mà không cần xin thị thực.

Cùng ở vị trí thứ hai là Hàn Quốc, Phần Lan và Đức. Công dân của 3 nước này có thể nhập cảnh 187 nước và vùng lãnh thổ. Ở phía cuối bảng xếp hạng là hộ chiếu của Afghanistan khi hộ chiếu nước này chỉ có khả năng nhập cảnh không cần thị thực vào 25 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nghiên cứu về hộ chiếu quyền lực của công ty Henley & Parners Holdings Ltd. đánh giá sức mạnh của hộ chiếu 199 nước và vùng lãnh thổ được thực hiện thông qua việc sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.