Theo dấu làng cổ Tiền Bạt…

(Baohatinh.vn) - Sẽ thật khó để tìm lại ranh giới của làng cổ Tiền Bạt xưa bởi những đổi thay về địa giới hành chính. Nhưng, nếu nhìn sâu vào những giá trị văn hóa, truyền thống, sẽ không khó để tìm lại một làng Tiền Bạt (Thạch Quý và Tân Giang- TP Hà Tĩnh ngày nay) nổi danh trong lịch sử Thành Sen.

Theo dấu làng cổ Tiền Bạt…

Làm bánh đa là một nghề nức tiếng của làng Tiền Bạt xưa

Tiền Bạt là một trong 12 thôn của xã Trung Tiết (huyện Thạch Hà trước đây), sau nhiều lần tách, nhập địa giới hành chính, làng Tiền Bạt ngày nay thuộc các tổ dân phố Tiền Giang, Tiền Phong, Tiền Tiến của phường Thạch Quý và một phần thuộc phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh). Người dân Tiền Bạt vẫn luôn tự hào làng mình là nơi hội tụ đầy đủ những nét văn hóa truyền thống của một vùng dân cư trải dài ven sông Rào Cái. Người Tiền Bạt xưa yêu lao động và không ngừng sáng tạo. Với sự năng động, nhanh nhạy của làng quê ven sông, người dân nơi đây đã tạo ra nhiều sản phẩm từ các nghề thủ công truyền thống.

Trong ký ức của nhiều người, thuở xưa, làng Tiền Bạt nhà trên, ngõ dưới rậm rịch làm bánh đa. Bánh đa của làng nức tiếng xa gần bởi bí quyết làm bánh truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Gạo được xay thủ công bằng cối xay, bột xay mịn đem trộn với nước thành một hỗn hợp đặc sánh. Lớp dưới tráng bằng bột trắng, lớp trên gia thêm ít vừng đen. Dưới bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, những chiếc bánh đều đặn, tròn trịa được bày lên các phên nứa, đem phơi.

Làm bánh đã lắm công phu, nhưng khâu quạt bánh mới khó hơn nhiều. Người quạt bánh cũng phải là người sành ẩm thực. Có như vậy mới hãm được than đúng độ để bánh không bị cháy, không bị cứng mà vừa đủ độ phồng, độ giòn. Bánh tráng vừng Tiền Bạt bao năm tháng qua đã theo chân người làng lên chợ tỉnh, theo chân thương lái đi về muôn nơi.

Theo dấu làng cổ Tiền Bạt…

Sản phẩm mộc của thợ Tiền Bạt từng rất được người tiêu dùng ưa chuộng

Cùng với nghề làm bánh tráng vừng, Tiền Bạt xưa còn nổi tiếng với nghề làm mộc. Trong ký ức của những cụ cao niên trong vùng, xưa làng có rất nhiều giếng cổ như giếng Mụ Nồi, Mụ Cổ, Giếng Đông, Hồ Dâu… Giếng nước làng Tiền Bạt sâu thăm thẳm và trong vắt, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho dân làng và những làng lân cận. Và người làm mộc làng Tiền Bạt đã làm ra những đôi thùng gỗ để phục vụ cho công việc gánh nước của người dân. Bây giờ không còn ai dùng thùng gỗ đựng nước cũng chẳng ai lưu lại đồ dùng này nhưng những trầm trồ, ưa chuộng sản phẩm của người thợ mộc Tiền Bạt vẫn còn chưa dứt trong những câu chuyện kể.

Làng Tiền Bạt xưa không có những bãi lúa, bờ dâu trù phú nhưng chỉ riêng con sông Cụt cũng đã kiến tạo nên nhiều nét văn hóa của làng. Không chỉ hình thành nghề chài lưới ven sông, sông còn là nơi giao thương hàng hóa của thuyền buôn tứ xứ. Có lẽ cũng chính nhờ lớn lên trong cảnh sắc ấy mà nơi đây đã sản sinh ra danh họa Nguyễn Phan Chánh, sớm nổi danh trong làng hội họa Việt đầu thế kỷ XX với thể loại tranh lụa độc đáo.

Theo dấu làng cổ Tiền Bạt…

Ngay nay, người dân đã chuyển sang làm nghề bánh đa nem để đáp ứng nhu cầu của thị trường

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, những làng nghề truyền thống của Tiền Bạt như rèn, mộc, tráng bánh không còn được thịnh hành như xưa. Ông Điện Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Quý cho biết: “Hiện không còn nhiều hộ làm bánh đa vừng truyền thống mà hầu hết người dân thức thời hơn, họ đã chuyển sang làm bánh đa nem. Đó là một xu thế phát triển tất yếu tuân theo quy luật cung cầu của đời sống. Tuy thay đổi về sản phẩm nhưng người Thạch Quý vẫn gìn giữ truyền thống khi sở hữu những bí quyết riêng khiến bánh đa nem Thạch Quý thành sản phẩm không thể trộn lẫn với bánh đa các vùng khác”.

Theo dấu làng cổ Tiền Bạt…

Đua thuyền trên sông Cụt là nét văn hóa truyề thống còn được dân làng lưu giữ đến ngày nay

Không chỉ làm kinh tế, người Tiền Bạt ngày nay vẫn luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng đô thị văn minh. Không những học tập, vươn lên, nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh đô thị bằng nhiều việc làm thiết thực như giữ vệ sinh môi trường, chung tay cùng thành phố xây dựng những công trình khang trang, chăm lo việc học hành cho con cái. Đặc biệt là tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như thành lập và duy trì hoạt động của CLB dân ca ví, giặm, tham gia lễ hội đua thuyền, hội cờ thẻ đầu xuân…

Với những nét văn hóa truyền thống độc đáo, Tiền Bạt (Thạch Quý và Tân Giang ngày nay) đang vươn mình, hòa chung vào nhịp độ của một thành phố trên đà phát triển.

Đọc thêm

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, lập được nhiều công trạng. Ông phụng sự trong 3 triều vua Lê (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng.
Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Với 28 năm bền bỉ gắn bó với công tác hội, chị Trần Thị Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn là người "dẫn đường" cho phong trào của chị em ở địa phương ngày càng phát triển.
Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Lễ khởi công phục dựng đền Nhà Ông ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn – Hà Tĩnh) nhằm tri ân bậc tiền nhân có công lao với quê hương và người dân trong vùng.
Gìn giữ nếp nhà

Gìn giữ nếp nhà

“Nước có quốc pháp, nhà có gia phong” - câu thành ngữ về nếp nhà ấy đang được mỗi gia đình người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng giữ gìn, phát huy, kiến tạo tổ ấm hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng.
Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Anh Hoàng Xuân Quý - Quản đốc Phân xưởng cơ điện của Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh) đã có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Tại Hà Tĩnh, ngày càng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bằng những việc làm thiết thực nhất.
Phố trong lòng sông...

Phố trong lòng sông...

Tôi vẫn thường nghĩ về sự ưu ái của thiên nhiên khi trong những biến đổi địa chất đã để lại cho thành phố Hà Tĩnh địa hình ba mặt sông bao quanh...
Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Dù không phải là lễ trọng như tết Nguyên đán nhưng từ lâu, tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) vẫn là nét văn hóa truyền thống được nhiều người dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy.