Thi công đường trục xã ở Hộ Độ: “Làm chơi, ăn thật”?!

(Baohatinh.vn) - Thi công kéo dài hơn 2 năm, tuyến đường Vĩnh Phong thuộc xã Hộ Độ (Lộc Hà – Hà Tĩnh) được “ép” cho hoàn thành, quyết toán dù một số hạng mục cơ bản vẫn còn dang dở. Những bất hợp lý này khiến người dân không khỏi bức xúc, đặt nhiều câu hỏi…

Thi công đường trục xã ở Hộ Độ: “Làm chơi, ăn thật”?!

Tuyến đường trục thôn Vĩnh Phong chưa hoàn thành đã được đưa vào sử dụng

Năm 2016, xã Hộ Độ thi công tuyến đường Vĩnh Phong (thôn Vĩnh Phong) đoạn từ cầu nhà thờ họ Nguyễn đến cầu ông Lạc), có chiều dài 575m, tiến độ thi công 6 tháng, với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường trọng yếu của xã, lưu lượng người tham gia giao thông rất đông, nhưng đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn NTM. Việc đầu tư xây dựng được người dân đồng tình hưởng ứng, nhiều hộ đã hiến đất, di dời hàng rào để mở rộng tuyến đường.

Thế nhưng, đến thời điểm này, sau hơn 2 năm thi công, dự án còn một số hạng mục chưa hoàn thành nhưng đã được chính quyền xã Hộ Độ nghiệm thu, lập hồ sơ quyết toán. Theo quan sát, các khe co giãn trên mặt đường chưa được nhà thầu thực hiện. Phía 2 đầu tuyến đường, phần kè đá vẫn chưa được thi công.

Thi công đường trục xã ở Hộ Độ: “Làm chơi, ăn thật”?!

Kè bờ 2 đầu đến thời điểm này vẫn chưa được thi công

Vì chưa hoàn thiện theo thiết kế ban đầu nên tuyến đường không đảm bảo yếu tố kỹ thuật, một số đoạn đã bị nứt nẻ, bong tróc. Đặc biệt, phần đất lề đường nhiều đoạn bị xói lở, trôi xuống mương nước.

Ông Trương Quang X. – một hộ dân trên tuyến đường này bức xúc: “Công trình có quy mô tiền tỷ mà xã làm hết sức sơ sài. Khe co giãn, kè đá không làm thì thử hỏi, chất lượng công trình làm sao bền vững được. Đó là chưa nói, những đống đá nhà thầu đổ để kè lề đường (vì có con mương chạy song song – PV) nhưng mãi không làm nên số thì người dân lấy sử dụng riêng, số thì trôi xuống mương thoát nước gây ách tắc dòng chảy”.

Thi công đường trục xã ở Hộ Độ: “Làm chơi, ăn thật”?!

Đống đá để kè 2 đầu tuyến đường để lâu không sử dụng trôi xuống mương, gây ách tắc dòng chảy

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 10/10, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Phan Đình Hinh cho biết: Các hạng mục kè 2 đầu, khe co giãn và một số cống qua đường chưa được thi công do xã không cân đối được nguồn lực, nhà thầu không đảm đương được nên phải “cắt” (trị giá hơn 154 triệu đồng). Hiện tại, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã lập biên bản nghiệm thu, đang thực hiện công tác thanh, quyết toán. Tuy nhiên, đến thời điểm này xã mới chỉ bố trí cho nhà thầu được hơn 500 triệu đồng.

Thi công đường trục xã ở Hộ Độ: “Làm chơi, ăn thật”?!

Hạng mục khe co giãn chưa được đơn vị thi công thực hiện trám chất phụ gia nên bị nứt nẻ

Đáng nói là “để tiết kiệm ngân sách”, UBND xã không thuê các đơn vị tư vấn mà giao cho ông Vũ Văn Thông – cán bộ giao thông, thủy lợi tự thiết kế, lập dự toán. Theo dự toán ban đầu, tuyến đường này có tổng mức đầu tư 982 triệu đồng (trừ nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh).

Với giá trị gói thầu dưới 1 tỷ, xã đã “chỉ định thầu” và ký hợp đồng thi công với cá nhân ông Nguyễn Thế Hiếu ở xã Hộ Độ. Sau đó, UBND xã lại lập dự toán mới, với tổng mức đầu tư lên đến 1.519 triệu đồng (được Phòng Hạ tầng huyện Lộc Hà phê duyệt) nhưng vẫn giữ nguyên nhà thầu cũ mà không tổ chức đấu thầu theo quy định.

Các biên bản giám sát, nghiệm thu đều rất sơ sài, không đầy đủ tính pháp lý, có dấu hiệu “làm cho có” để đối phó. Đặc biệt, xã không đưa ra được nhật ký, biên bản nghiệm thu giai đoạn, khối lượng của từng hạng mục công trình.

Với nhiều bất cập trong hồ sơ pháp lý, thi công, giám sát và thanh, quyết toán, nhiều người đặt câu hỏi, có hay không việc một số cán bộ xã “mượn danh”, đứng đằng sau để nhận các công trình rồi thi công theo kiểu “làm chơi, ăn thật”?!

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.