Thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung: Cần tham khảo từ các nước

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia: Tôi nghĩ, khi thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham khảo kinh nghiệm của một số nước.

thi diem day tieng nga tieng trung can tham khao tu cac nuoc

Bộ GD-ĐT đang lên kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm, bắt đầu áp dụng cho học sinh từ lớp 3 (ảnh minh họa)

Bắt đầu từ năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất (cùng với Tiếng Anh) từ lớp 3 cho đến hết lớp 12 tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM. Hiện tại, đề án này đang có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia, PGS TS Hoàng Anh Tuấn.

PV: Thưa PGS TS - Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông báo đề án dạy tiếng Nga, tiếng Trung làm ngoại ngữ thứ nhất liên tục trong suốt 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 cho đến hết lớp 12. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Tôi không hiểu xuất phát từ cơ sở nào mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có quyết định này.

Tôi nghĩ, khi chúng ta ra một quyết định lớn, có tầm vĩ mô như vậy, phải cần tham khảo kinh nghiệm của một số nước. Thông thường ở các quốc gia, một quyết định lớn, ảnh hưởng đến nhiều người như vậy cần có sự bàn thảo rộng rãi trong xã hội, đặc biệt giới học giả, cũng như quyết sách phải được ra ở tầm cao hơn.

Ở Indonesia, câu chuyện này đặt ra sau khi giành độc lập lần thứ hai từ tay đế quốc Hà Lan đầu những năm 1950. Lúc này có 2 lựa chọn: Chọn tiếng Hà Lan hay tiếng Anh. Hà Lan thống trị Indonesia nhiều năm, có ảnh hưởng lớn tại Indonesia và nhiều trí thức hàng đầu Indonesia khi đó được đào tạo tại Hà Lan. Tuy nhiên, các trí thức và giới lãnh đạo Indonesia đã quyết định chọn Tiếng Anh là ngôn ngữ số 1 dạy trong chương trình phổ thông.

Ý kiến của Bộ Giáo dục Indonesia khi đó có rất ít ảnh hưởng và chỉ mang tính chất tham khảo. Người quyết định chọn ngôn ngữ nào chính là giới trí giả, các nhà lập pháp và hoạch định chính sách cấp cao, vì họ hiểu rằng đây là vấn đề đại sự quốc gia, liên quan đến hội nhập, phát triển và tương lai của quốc gia này, chứ không chỉ liên quan đến "con nít".

Ở Indonesia, việc giảng dạy ngoại ngữ mà ở đây là tiếng Anh đối với học sinh bắt đầu từ bậc trung học cơ sở, chứ không từ bậc tiểu học như dự kiến thí điểm ban đầu từ lớp 3 như của ta.

Nhìn chung, ở Indonesia cũng như nhiều nước tiên tiến, họ không đặt nặng chương trình học đối với học sinh đầu cấp là cấp Tiểu học mà chú trọng rèn luyện thể chất. Chương trình học đối với cấp này mang tính gợi mở, còn việc học ngôn ngữ ở cấp này hầu như không được đặt ra. Tuy nhiên, chương trình học, trong đó có ngoại ngữ, tăng dần về khối lượng ở các cấp sau như Trung học cơ sở, Trung học khi học sinh trưởng thành dần cả về thể chất lẫn khả năng tiếp thu.

Quay trở lại Việt Nam, nếu bắt đầu học ngoại ngữ từ năm lớp 3, dù ở mức độ thí điểm, cá nhân tôi thấy rất khó để các em nhỏ học các ngôn ngữ tượng hình quá khó như tiếng Trung hay tiếng Nhật khi so với trình độ tiếp thu, rồi ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của các em.

PV: Thưa TS, dư luận cho rằng, việc lựa chọn những ngoại ngữ như tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Trung không chỉ khó học đối với học sinh lớp 3 mà còn chưa đúng với nhu cầu thực tế hiện nay. Ông có đồng tình với ý kiến này không?

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Theo ý kiến của tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải nghiên cứu kỹ càng. Khi đất nước hội nhập sâu với quốc tế, trở thành thành viên Cộng đồng ASEAN, chúng ta phải xác định thế nào là ngoại ngữ chính, đây có phải là ngôn ngữ làm việc phổ biến, ngôn ngữ của thời đại và ngôn ngữ có tương lai hay không.

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin đề cập trước đến các tiêu chí lựa chọn ngôn ngữ tiếng Anh của người Indonesia. Và cũng cần nhấn mạnh thêm đây là tiêu chí mà họ đã sử dụng khi chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ chính cho học sinh học tập và giảng dạy tại Indonesia từ cách đây gần 70 năm.

Một, theo họ tiếng Anh là ngôn ngữ của thời đại và của tương lai. Các quốc gia sử dụng ngôn ngữ này hầu hết là các quốc gia tiên tiến và phát triển nhất trên thế giới. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến và những tài liệu liên quan đến hầu hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là bằng tiếng Anh. Do đó, việc làm chủ ngôn ngữ tiếng Anh sẽ giúp giới tri thức của họ dễ dàng tiếp cận, nắm bắt tri thức của thời đại.

Hai là, tiếng Anh là ngôn ngữ của hội nhập. Lúc này xu hướng trí thức, chính trị, giới kinh doanh... rồi con số các ấn phẩm, số các quốc gia chọn và sử dụng tiếng Anh đang có xu hướng tăng lên, mặc dù chưa rõ nét như giai đoạn cuối 1960, đầu 1970 trở đi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Indonesia một trong những nước đi tiên phong trong việc thúc đẩy, coi tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của ASEAN, chứ không tiếng Hoa, tiếng Mã (được sử dụng rộng rãi ở cả Singapore, Indonesia và Malaysia) hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác khi tổ chức này ra đời năm 1967.

Ba là, trên quan điểm thực dụng coi tiếng Anh là ngôn ngữ để "làm giàu". Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong các giao dịch thương mại, tài chính, dịch vụ, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và là ngôn ngữ làm việc chính với các nhà đầu tư quốc tế. Học sinh ra trường nếu có tiếng Anh tốt về cơ bản dễ dàng xin việc với mức lương cao hơn các sinh viên biết các ngôn ngữ khác.

Quay trở lại câu chuyện của chúng ta, như đã nói ở trên về việc tôi chưa có thông tin đầy đủ về quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở đây chỉ xin đưa ra cảnh báo là khi cân nhắc các yếu tố mới về tiếng Anh, mức độ dễ tiếp cận, làm chủ, mức độ phổ quát cả trong hiện tại lẫn tương lai, ít nhất trong 50 năm tới, khó có một ngôn ngữ nào có thể thách thức vị trí số một của tiếng Anh. Và nếu không cân nhắc kỹ thì chúng ta có nhiều khả năng đi ngược dòng, ngược xu thế phát triển của thời đại.

Thực tế là phạm vi, mức độ phổ quát của cả 3 ngôn ngữ Trung, Nga, Nhật đều có vấn đề cần phải bàn. Tiếng Trung hiện sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, đất nước chiếm 1/6 dân số thế giới, rồi tại một số khu vực ngoại vi, cộng đồng Hoa kiều rải rác khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trên thế giới, hiện số nước coi tiếng Trung là ngoại ngữ số 1 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn 2 ngôn ngữ khác là tiếng Nga và tiếng Nhật thì mức độ phổ quát đang có chiều hướng ngày càng bị thu hẹp và không phải là những ngôn ngữ có tương lai.

thi diem day tieng nga tieng trung can tham khao tu cac nuoc

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia, PGS TS Hoàng Anh Tuấn. (ảnh: KT)

PV: Thưa TS, việc học ngoại ngữ ở Indonesia hiện nay có những thuận lợi và khó khăn nào không?

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Qua các tài liệu mà chúng tôi biết được, sau khi chọn tiếng Anh là ngoại ngữ chính, Indonesia bắt tay vào quá trình triển khai. Và cũng phải mất khoảng 20 năm, từ năm 1975 trở đi, việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Indonesia mới có nền tảng tương đối vững chắc.

Khi triển khai việc giảng dạy tiếng Anh với tư cách là ngoại ngữ số một Indonesia gặp không ít thuận lợi và khó khăn

Trước hết, phản ứng của xã hội khá tích cực và thuận lợi do quyết định lựa chọn tiếng Anh nhận được sự nhất trí cao trong giới học giả, giới tinh hoa và những nhà hoạch định chính sách từ cấp cao nhất của Indonesia. Hơn nữa, hệ thống chữ cái trong tiếng Bahasa Indonesia dùng hệ thống Alphabet tiếng Latin, tương tự như bảng chữ cái trong tiếng Việt, do đó việc học tiếng Anh cũng thuận tiện hơn. Ngoài ra, từ khi đưa tiếng Anh vào dạy phổ cập, họ thấy thuận lợi là Indonesia sau đó hội nhập tốt vào khu vực và thế giới, kinh tế phát triển, vị thế đất nước được nâng cao. Bản thân sinh viên, giới tinh hoa Indonesia nhanh chóng tiếp cận với các trí thức thời đại, nắm bắt xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Sự thuận lợi này, đến lượt mình, tạo đà cho việc đẩy mạnh hơn nữa nữa việc giảng dạy, học tập tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên Indonesia cũng gặp những khó khăn và thách thức nhất định, đặc biệt kể từ khi có định hướng mới trong giảng dạy tiếng Anh đó là nâng trình độ người học từ chỗ coi tiếng Anh chỉ là phương tiện giao tiếp, bày tỏ thái độ và tình cảm sang việc truyền tải nội dung, kiến thức bằng tiếng Anh. Hai khó khăn lớn nhất mà Indonesia đang gặp phải là có sự chênh lệch quá lớn về trình độ giảng dạy, cập nhật tiếng Anh giữa các trường học ở nông thôn và thành thị. Ngoài ra là vấn đề thiếu kinh niên là giáo viên tiếng Anh tốt nghiệp dạy ngôn ngữ và kiến thức bằng tiếng Anh cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, núi cao.

PV: Thưa Đại sứ, trình độ học tiếng Anh ở Indonesia được đánh giá như thế nào?

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn:Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cũng xin nói một chút về việc dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông ở Indonesia.

Khi đã lựa chọn xong ngoại ngữ chính là tiếng Anh họ bắt tay vào việc tổ chức thực hiện. Ở đây tôi muốn bàn và so sánh hệ thống giáo dục công lập ở cả Indonesia và Việt Nam vì có 1 số điểm tương đồng. Hệ thống giáo dục của Indonesia cũng khá tương tự như Việt Nam, gồm 3 cấp là tiểu học, trung học cơ sở và trung học.

- Ở bậc tiểu học: Học sinh không học bất kì môn tiếng Anh hay ngoại ngữ nào. Ở cấp này chủ yếu tập trung giáo dục thể chất. Học tiếng Anh, nếu có, chỉ được xem là hoạt động ngoại khóa.

- Ở bậc trung học cơ sở: Tiếng Anh là môn học ngoại ngữ bắt buộc. Hàng tuần, học sinh ở cấp này học 4 tiết ngoại ngữ mỗi tuần (mỗi tiết 45 phút). Yêu cầu tiếng Anh ở cấp này là biết cách giao tiếp cơ bản.

- Ở bậc trung học: Ở cấp này tiếng Anh khá nặng. Trong 2 năm đầu, mỗi tuần học sinh học 5 tiết (1 tiết 45 phút). Đến năm học cuối cùng của cấp này, tức lớp 12, học sinh học khoảng 11 tiết tiếng Anh 1 tuần (1 tiết 45 phút) gồm 5 tiết tiếng Anh, và các môn học về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Yêu cầu là học sinh cấp này phải hiểu và trình bày các nội dung mình đã học bằng tiếng Anh.

Chính mức độ đòi hỏi cao ở lớp cuối cấp như vậy cho nên khi học sinh lên đại học có thể sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh rất thành thạo trong việc học các giáo trình đại học của các nước trong khu vực và trên thế giới. Khi học sinh Indonesia ra nước ngoài học không gặp rào cản nào đáng kể về vấn đề ngôn ngữ và kiến thức.

Qua tìm hiểu và tiếp xúc các giới ở Indonesia, tôi thấy những người ở tuổi 65 trở lên tiếng Anh không tốt, nhưng giới công chức từ trưởng phòng trở lên đến lãnh đạo cấp cao sử dụng tiếng Anh rất tốt. Họ sử dụng tiếng Anh khá trơn tru, mạch lạc khi trình bày nội dung lẫn giao tiếp.

Vì vậy, không riêng Việt Nam mà rất nhiều nước, việc học ngoại ngữ và lựa chọn chính xác ngoại ngữ số một, rồi cách thức phổ cập là điều tối quan trọng. Thế giới càng hội nhập, việc biết ngoại ngữ rõ ràng là một thuận lợi, một thế mạnh, đặc biệt là tiếng Anh - ngôn ngữ của thế giới. Trên cơ sở làm chủ tốt môn tiếng Anh, chúng ta có thể học thêm ngoại ngữ khác nữa.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ!./.

Theo VOV

Đọc thêm

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.