Thi đua phát triển sản xuất, nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đề nghị nông dân Hà Tĩnh phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, hăng hái thi đua lao động sản xuất, nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh NTM.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Chiều 25/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân và doanh nghiệp (DN) nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu UBND tỉnh và trực tuyến đến UBND các huyện, thị xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và lãnh đạo Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ.

Đại biểu dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho hơn 227.000 hội viên nông dân toàn tỉnh và đại diện các HTX, DN đã có nhiều ý kiến, nêu câu hỏi liên quan đến cơ chế, chính sách; đầu vào sản xuất, đầu ra nông sản; tổ chức sản xuất; vay vốn, đào tạo nghề, chuyển đổi số. Các ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, xuất phát từ thực tiễn.

Chị Trần Thị Mai Hoa - Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Đông Nam, xã Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh): Đề nghị tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và nông dân trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Trong đó, các đại biểu đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…) nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất; tiếp tục mời gọi, thu hút DN đầu tư sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; tập trung giải quyết vướng mắc trong thực hiện các chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất theo Điều 5, Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để khuyến khích Nhân dân thực hiện và nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn.

Anh Nguyễn Hữu Anh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh): Đề nghị có các giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất, duy trì theo các quy trình như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Có giải pháp nâng cao điều kiện hạ tầng nông thôn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hỗ trợ nông dân tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0; có giải pháp tăng nguồn vốn giải quyết việc làm, nguồn vốn dành cho người sản xuất nông nghiệp có mức thu nhập trung bình, vốn ưu đãi dành cho kinh tế tập thể; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung; tích hợp một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo đề xuất của cấp huyện…

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt trao đổi, trả lời một số nội dung tại hội nghị.

Các câu hỏi, ý kiến của đại biểu được đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan trả lời tại hội nghị và tiếp thu để xây dựng giải pháp trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho rằng, hội nghị đối thoại đã thể hiện tinh thần xây dựng của nông dân; góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua hội nghị đã có thêm góc nhìn khách quan, tổng thể về thực tiễn những khó khăn, vướng mắc của nông dân. Do đó, các sở, ngành cần ghi nhận với tinh thần cầu thị, tiếp thu, để có sự tham mưu, chỉ đạo tốt hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, từ trước đến nay, tỉnh rất quan tâm và có nhiều chính sách về nông nghiệp, mới đây là tập trung chỉ đạo sửa đổi, bổ sung chính sách tập trung, tích tụ ruộng đất. Đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT và Sở NN&PTNT có hướng dẫn, “gỡ khó” để giải quyết đất dư thừa trong thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất; yêu cầu các địa phương quản lý, sử dụng đất dư thừa theo đúng quy định, tuyệt đối không lợi dụng chủ trương để khai thác, sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng môi trường, địa chất, thổ nhưỡng.

Về giống, vật tư nông nghiệp, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có sự chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong thực tiễn sản xuất, mong bà con tuân thủ hướng dẫn về kỹ thuật, giống, đề án sản xuất của cơ quan chuyên môn.

Về vấn đề đầu ra nông sản, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; xây dựng, phát triển có trọng tâm một số nhãn hiệu OCOP thực sự chất lượng, có tính đặc trưng vùng, miền cao, có hiệu quả kinh tế.

Về liên kết sản xuất, cần chú trọng khâu tham gia liên kết của DN, HTX, hộ nông dân; đẩy mạnh nhân rộng các mô hình liên kết đã phát huy hiệu quả thời gian qua; khuyến khích các địa phương xúc tiến, kết nối, hợp tác với các huyện bạn, tỉnh bạn.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hà Tĩnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở TT&TT tiếp tục quan tâm, tháo gỡ các vướng mắc về tín dụng nông nghiệp, đào tạo nghề, chuyển đổi số. Các cấp, ngành tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nông dân về các chủ trương, chính sách; tạo thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất.

Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ sở cần sâu sát với dân; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, giải quyết đơn thư của công dân; làm tốt công tác dân vận chính quyền; nghe dân nói, nói cho dân hiểu; nói đúng thì dân ủng hộ, làm đúng thì dân tin. Theo đó, tiếp tục duy trì các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; chú trọng giữ vững an ninh nông thôn, an toàn xã hội; xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường… để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn.

Đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp phát huy vai trò trong các phong trào thi đua, giữ vai trò trung tâm, nhất là phong trào phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM.

Hội nông dân các cấp và hội viên quan tâm, nghiên cứu, định hướng, quy hoạch chính sách phát triển của tỉnh… để cùng tham gia tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị; làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Bên cạnh đó, đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; lấy sản xuất nông nghiệp theo giá trị gắn với thị trường thay cho sản xuất nông nghiệp chạy theo sản lượng; phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, hăng hái thi đua lao động, tham gia phát triển sản xuất, nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh NTM.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu UBND các huyện, thị xã trên địa bàn (Trong ảnh: Điểm cầu huyện Hương Khê).

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hà Tĩnh đã nỗ lực và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Kết quả đó có vai trò, đóng góp quan trọng của nông nghiệp – nông dân.

Nông nghiệp duy trì ổn định và có bước phát triển, khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn 2021-2023 đạt 3,15%, ước 9 tháng năm 2024 tăng trên 3%.

Xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng, đạt kết quả quan trọng trong điều kiện nguồn lực khó khăn; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hạ tầng nông thôn được quan tâm cải thiện, nâng cấp; nhiều khu dân cư kiểu mẫu trở thành vùng quê đáng sống. Toàn tỉnh có 253 sản phẩm được chứng nhận OCOP (7 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao).

Đạt được kết quả trên có vai trò tham gia, đóng góp trực tiếp và quan trọng của người nông dân, đúng với quan điểm Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói