Ở Hà Tĩnh chưa có bác sĩ chuyên chữa trị chấn thương cho các VĐV, phải nhờ đến các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Tĩnh hiện đang đào tạo, huấn luyện cho 250 VĐV thi đấu ở 10 bộ môn khác nhau gồm có: Bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, đua thuyền, bắn súng, võ Vovinam (võ Việt Nam), võ Muay Thái (môn võ cổ truyền Thái Lan), Pencak Silat, Karate và bơi.
Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho VĐV thể thao thành tích cao hầu hết đều phụ thuộc vào huấn luyện viên (HLV). Tuy HLV là người luôn sát cánh cùng VĐV nhưng để có được kiến thức vững chắc về tình trạng sức khỏe, chấn thương trong thi đấu, vẫn còn nhiều khó khăn và rất cần đội ngũ bác sĩ thể thao hỗ trợ.
HLV Karate Võ Mạnh Tuấn chia sẻ: “Karate là môn võ đòi hỏi VĐV phải có một thể lực tốt, nên rất cần có một bác sĩ riêng để áp dụng chế độ dinh dưỡng và chăm sóc. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong tập luyện, hạn chế những chấn thương hy hữu có thể xảy ra”.
Những VĐV bị chấn thương nặng phải nhờ đến các bác sĩ ở BVĐK tỉnh Hà Tĩnh hội chẩn, điều trị.
Là y sĩ duy nhất tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Tĩnh, luôn hỗ trợ chăm sóc và điều trị chấn thương cho các VĐV, ông Nguyễn Văn Mai cho biết: “Thiếu bác sĩ chuyên trách, máy móc thiết bị khám chữa bệnh tại Trung tâm còn hạn chế, khi VĐV bị chấn thương nặng cần can thiệp đến phẫu thuật, cán bộ y tế không đủ chuyên môn để xử lý. Điều này không chỉ gây khó cho các HLV, VĐV mà còn gây áp lực cho cán bộ y tế mỗi khi mùa giải đến gần”.
Theo bác sỹ Nguyễn Quang - Phó Trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) thì: “Để VĐV thể thao sớm phục hồi chấn thương, ngoài việc điều trị can thiệp bằng y học thì các chế độ dinh dưỡng, vận động cũng cũng phải được đảm bảo. Có những VĐV chấn thương ở nhiều vị trí khác nhau cần có bác sĩ thể thao theo sát để hỗ trợ. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh lại chưa có, vì vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu của các em”.
Bác sĩ thể thao có vai trò vô cùng quan trọng đối với các VĐV. Trong ảnh: VĐV Karate Hồ Thị Thu Hiền (trú xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) bị chấn thương khi đang thi đấu Giải vô địch Châu Á vào tháng 6/2019 tại Trung Quốc.
Từng tham gia tranh đấu ở nhiều giải thể thao quốc tế, VĐV Hồ Thị Thu Hiền - bộ môn Karate chia sẻ: "Để thi đấu tốt, VĐV cần có bác sĩ thể thao riêng hỗ trợ, áp dụng các bài tập cũng như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.
Bác sĩ thể thao có vai trò đảm bảo tốt nhất sự hồi phục chấn thương của VĐV. Sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ thể thao giúp nhiều VĐV kịp thời điều chỉnh và tập luyện phù hợp để nhanh chóng hồi phục chấn thương, tránh trường hợp phải giã từ sự nghiệp khi đang độ chín”.
Thiếu bác sĩ hỗ trợ gây nhiều khó khăn cho VĐV khi thi đấu tại các mùa giải. Trong ảnh: Đội tuyển bóng chuyền Hà Tĩnh tập luyện chuẩn bị thi đấu giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2019 vòng 2 vào tháng 12/2019. Ảnh: Quang Sáng.
Nhiều năm qua, những người gắn bó với công tác thể thao tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Tĩnh luôn mong mỏi có thêm sự hỗ trợ cần thiết từ lực lượng bác sĩ thể thao.
Ông Võ Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Tĩnh cho biết: "Chưa có bác sĩ thể thao là nguyên nhân khiến VĐV gặp khó trong cải thiện thành tích thi đấu. Hiện nay, Trung tâm mới chỉ có một y sĩ, năng lực chuyên môn còn hạn chế, thiết bị khám và điều trị còn thiếu...
"Trong thể thao, chấn thương không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của VĐV, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Để hoạt động tập luyện, thi đấu của VĐV được xuyên suốt, đặc biệt là các VĐV quốc gia, Trung tâm cần ít nhất có một bác sĩ thể thao để hỗ trợ cho VĐV tập luyện, như thế mới có thể thi đấu giành được kết quả cao nhất”.