Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Năm học này, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội. Mọi đổi mới phải có lộ trình, không thể nóng vội, một mặt là phát huy giá trị dân tộc nhưng cũng cần tiếp cận tiên tiến của thế giới. Cần chú trọng giảm áp lực hành chính cho giáo viên, xem lại các chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng, ngành giáo dục cần phải xem xét lại những tồn tại của ngành trong thời gian qua. Trong đó, việc sắp xếp, trường lớp còn hạn chế gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh; thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non.
Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng mềm còn bất cập nên một bộ phận sinh viên, học sinh vi phạm đạo đức gây ra bức xúc trong xã hội; thậm chí, một bộ phận giáo viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh internet)
Triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Các địa phương rà soát lại hệ thống mạng lưới mầm non, yêu cầu các địa phương dành đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng trường mầm non, để đủ trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; đẩy mạnh sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, đầu tư chú trọng các trường sư phạm trọng điểm, các trường sư phạm phải gắn kết chặt chẽ với đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Bộ GD&ĐT rà soát, kiểm tra các trường đại học để loại bỏ những trường hữu danh vô thực. “Nếu yếu kém, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ đóng cửa những trường có chất lượng đào tạo kém chất lượng”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, phải sắp xếp lại đội ngũ giáo viên để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu giáo trình đào tạo mới; tiếp tục rà soát lại đội ngũ phục vụ như: văn thư, y tế, bảo vệ… trong ngành giáo dục.
“Năm học 2019-2020 sẽ tạo ra chuyển biến, thay đổi căn bản giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Trước hết, đội ngũ giáo viên phải gương mẫu trong thực hiện tốt đạo đức, lối sống để làm gương cho học sinh, sinh viên”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị rà soát lại công tác chuẩn bị cho năm học mới
Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị, rà soát lại công tác chuẩn bị cho năm học mới về cơ sở vật chất, để có điều kiện tốt nhất cho học sinh tới trường. Đối với việc thừa, thiếu giáo viên, đề nghị các địa phương tiến hành rà soát lại, báo cáo tỉnh trước ngày 30/8.
Về việc thu, chi vận động, tài trợ cho giáo dục, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần phải làm bài bản, không được tùy tiện vận dụng, tránh tình trạng lạm thu đầu năm.